Vùng chuyên canh lúa làm thay đổi suy nghĩ 'làm lúa là nghèo'

Vùng chuyên canh lúa làm thay đổi suy nghĩ 'làm lúa là nghèo'
8 giờ trướcBài gốc
Sản lượng lúa hàng năm đạt khoảng 9-11 tấn/ha
Nhiều năm nay, nông dân xã Nam Đà đã thành công với sản xuất giống lúa ST24 và ST25. Đây là bước ngoặt lớn về sản xuất nông nghiệp, mang lại thu nhập cao cho người dân trên địa bàn.
Khoảng 10 năm trước, gia đình ông Ngô Văn Sỹ, thôn Ninh Giang, tiên phong từ bỏ giống lúa cũ, lối canh tác truyền thống để chuyển sang sản xuất giống lúa đặc sản và đã thành công ngoài mong đợi.
Ông Sỹ kể, gia đình có 2,5 ha đất sản xuất lúa. Những năm trước đây khi sản xuất giống lúa cũ năng suất đạt thấp, lúa thường xuyên bị sâu bệnh, lép hạt. Cũng vì thế, nông dân phải sử dụng nhiều loại thuốc bảo vệ thực vật, khiến sức khỏe bị ảnh hưởng.
Từ khi chuyển sang giống lúa đặc sản ST kết hợp với tiến bộ khoa học - kỹ thuật thì năng suất cao hơn. Sản lượng hàng năm đạt khoảng 9-11 tấn/ha. Điều đặc biệt, phần lớn lúa đều được thương lái thu mua tận ruộng sau khi thu hoạch xong, với giá khoảng 11 triệu đồng/tấn lúa tươi.
“Địa phương đã xây dựng được nhãn hiệu thương hiệu lúa gạo gắn với khu vực trung tâm của Công viên Địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông, nhờ đó sản phẩm lúa gạo của xã đã được nâng cao giá trị”
Ông Ngô Xuân Đông - Chủ tịch UBND xã Nam Đà, tỉnh Lâm Đồng
Tự hào khoe về thành quả những năm gần đây, ông Sỹ cho biết: “Không những có đủ tiền để chữa trị bệnh cho con mà nhà còn có thêm khoản tiền đầu tư, mua sắm máy móc phục vụ sản xuất. Ba năm trước, tôi đã mua một chiếc máy gặt đập trị giá hơn 200 triệu đồng, phục vụ nhu cầu gia đình và bà con trong vùng”.
Cũng trồng thành công giống lúa ST25, ông Phạm Như Thuần (thôn Bình Giang) và các hộ dân trong xã áp dụng các quy trình về sản xuất lúa VietGAP. Sản phẩm lúa gạo các dòng ST24, ST25 của nông dân xã Nam Đà nhờ đó mà có thương hiệu, vươn tầm thế giới.
“So với trồng hoa màu hoặc cây công nghiệp, sản xuất lúa gạo thuận lợi và tốn ít công hơn. Mỗi vụ gia đình tôi canh tác khoảng 7 ha lúa, cho năng suất khoảng 10- 10,5 tấn/ha. Sau khi trừ chi phí, mỗi vụ tôi thu được khoảng 250 triệu đồng”, ông Lực nói và cho biết, nhờ cây lúa, gia đình ông đã xây được nhà mới và mua thêm một chiếc ô tô.
Bên cạnh khai thác lợi thế về tự nhiên, nông dân xã Nam Đà đã mạnh dạn đầu tư máy móc, trang thiết bị hiện đại như máy gặt đập liên hợp, máy sấy, máy gieo sạ, máy bay không người lái…, nhờ đó cải thiện điều kiện lao động, sản xuất, giảm chi phí và nhân công.
Ông Ngô Xuân Đông - Chủ tịch UBND xã Nam Đà cho biết, mỗi vụ địa phương gieo trồng khoảng 1.000 ha lúa nước. Đây không chỉ là vùng trọng điểm lương thực, mà còn là một trong những vùng chuyên canh lúa lớn nhất Lâm Đồng. Đặc biệt, địa phương đã xây dựng được nhãn hiệu thương hiệu lúa gạo gắn với khu vực trung tâm của Công viên Địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông, nhờ đó sản phẩm lúa gạo của xã đã được nâng cao giá trị.
“Trong thời gian tới, với những lợi thế sẵn có trong hệ thống Công viên Địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông, địa phương sẽ nỗ lực thực hiện những bước đi mới, tích cực hỗ trợ người trồng lúa, nhất là các hợp tác xã có điều kiện đầu tư dây chuyền sơ chế, chế biến, đóng gói sản phẩm; bảo hộ thương hiệu, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm ra thị trường với mục tiêu nâng tầm sản phẩm đặc sản lúa gạo”, ông Ngô Xuân Đông thông tin thêm.
Thanh Hằng
Nguồn Lâm Đồng : https://baolamdong.vn/vung-chuyen-canh-lua-lam-thay-doi-suy-nghi-lam-lua-la-ngheo-382022.html