Đền thờ Quốc mẫu Phạm Thị Ngọc Trần là “điểm tựa” tâm linh của người dân xã Xuân Hòa.
Thế đất "tiện canh, tiện cư"
Sông Chu còn được biết đến với tên gọi Lương Giang - con sông bắt nguồn từ cao nguyên nước bạn Lào, chảy qua vùng rừng núi phía Tây và Bái Thượng, là nơi “địa đầu” của huyện Thọ Xuân. Dòng Lương Giang chảy qua đất Xuân Hòa cùng nhiều làng xã trên hành trình về xuôi, hòa cùng dòng sông Mã trước khi đổ ra biển.
Phù sa sông Chu không chỉ tạo nên đồng ruộng tốt tươi mà trên dòng sông Chu khi xưa, giao thông đường thủy giữ vai trò trọng yếu, thuyền bè tấp nập. Từ vùng ven biển, những chuyến đò dọc mang theo cá tôm, nước mắm, muối,... ngược dòng lên đổi lấy gạo, ngô, khoai, đậu đỗ... Đây cũng là “con đường” mà các vua Lê qua lại trong những chuyến về thăm Lam Kinh. “Thuyền rồng đi dưới sông, trên bờ,... chiêng trống nổi lên khi thuyền qua địa hạt của từng làng. Trên dòng sông này... Lê Thái Tổ đã 2 lần từ Đông Kinh về Lam Kinh, Lê Thái Tông 2 lần và Lê Thánh Tông có tới 11 lần. Mỗi lần các hoàng đế về quê trên dòng sông Chu trở thành ngày hội sông nước” (sách “Lịch sử xã Xuân Hòa”).
Với gần 3km sông Chu chảy qua, những thế hệ người dân Xuân Hòa hẳn nhiên có nhiều kỷ niệm cùng dòng sông quê nhà. Xa xưa, người dân các làng ở Xuân Hòa đã quen với đời sống bên sông nước. Người già trong làng vẫn kể, ngày chưa có giếng, cả làng phải xuống sông Chu gánh nước về dùng. Rồi không ít lần mưa lũ lớn, nước sông gây ra cảnh ngập lụt kinh hoàng. Nhưng, cũng nhờ đó, nước mang theo phù sa đã đem lại cho các làng xã đất đai màu mỡ, thuận lợi cho việc trồng dâu, nuôi tằm... Cho đến ngày nay, Xuân Hòa vẫn là một trong những địa phương có truyền thống và thế mạnh trong trồng trọt, sản xuất nông nghiệp.
Cũng bởi thuận tiện giao thông, lại ở vào thế đất “tiện canh, tiện cư” nên ở Xuân Hòa có con người đến sinh sống, quần cư từ khá sớm. Theo các tài liệu lưu giữ và truyền ngôn dân gian, muộn nhất vào thời nhà Trần ở Xuân Hòa đã có con người sinh sống. Đến thời Hậu Lê, các đơn vị hành chính được đặt tên. Đến thời nhà Nguyễn, Xuân Hòa là một vùng rộng lớn với nhiều làng nhỏ như Lãng Động, Thượng, Trung, Hạ, Tỉnh Thôn, Phúc Thượng, Đắc Thôn, An Phú... Ngày nay, Xuân Hòa có các làng truyền thống, như: Thượng Vôi, Kim Ốc, Trung Thành, Tỉnh Thôn,... với nhiều dòng họ cùng nhau sinh sống. Trong đó, có nhiều dòng họ lớn và lâu đời, như họ Đỗ (Đỗ Ngọc, Đỗ Văn, Đỗ Đình), Lê, Nguyễn, Trịnh...
Dù không phải đất khoa bảng nổi danh, song với người Xuân Hòa, việc học vẫn luôn được coi trọng. Lưu truyền dân gian đến nay còn kể, người dân các làng vẫn thường góp tiền để mời thầy đồ ở các nơi về dạy chữ cho con em. Trong lịch sử khoa cử thời xưa, Xuân Hòa có 2 người đề danh bảng vàng, tên tuổi còn lưu ở văn bia Quốc Tử Giám, là Trịnh Văn Liên, đỗ đệ tam giáp đồng tiến sĩ khoa thi năm 1490 đời vua Lê Thánh Tông và Đỗ Đình Thụy (còn được biết đến với tên gọi Đỗ Đình Đoan), đỗ đệ tam giáp đồng tiến sĩ khoa thi dưới đời vua Lê Dụ Tông.
Linh thiêng đền thờ "bà chúa Thượng Vôi"
Từ xa xưa, bên cạnh nỗ lực mưu sinh, học hành, người dân Xuân Hòa cũng không ngừng chăm lo, vun đắp các giá trị văn hóa. Trong đó, đền thờ Quốc mẫu Phạm Thị Ngọc Trần (theo một số tài liệu, Quốc mẫu Phạm Thị Ngọc Trần vốn mang họ Trần) là không gian văn hóa, “điểm tựa” tâm linh của người dân địa phương.
Phù sa sông Chu đã bồi đắp đất đai màu mỡ, thuận cho việc trồng rau màu...
Sử liệu và truyền ngôn dân gian cho biết, khi Lê Lợi còn là phụ đạo Khả Lam, trong những tháng ngày chuẩn bị cho khởi nghĩa Lam Sơn, ông thường vượt Lương Giang gặp gỡ các hào kiệt trong vùng như Lê Văn An, Nguyễn Nhữ Lãm, Lê Văn Linh,... để bàn việc khởi nghĩa. Một lần, ông qua sông thì trời vừa tối, thấp thoáng ở nương dâu bên sông, Lê Lợi bắt gặp người con gái đang thoăn thoắt hái lá, lại gần hỏi thăm thì ngỡ ngàng trước dáng mạo giai nhân. Hỏi ra thì biết người con gái ấy tên Ngọc Trần là người Đa Mỹ, huyện Lôi Dương. Về sau bà trở thành vợ Lê Lợi, theo ông trong suốt những năm tháng khởi nghĩa Lam Sơn.
Tương truyền, năm 1425, khi Lê Lợi tiến quân vào vây đánh thành Nghệ An, bà Ngọc Trần chính là người vợ đã tự nguyện hiến mình cho thần Giản Hộ, giúp nhà vua và nghĩa quân Lam Sơn đánh thắng giặc Minh. Khi làm lễ tế thần, Bình Định vương Lê Lợi đã nói: “Bà ấy đúng là chúa cả trăm vị thần nước ta, không ai dám trái”. Khi vua Lê Thái Tông lên ngôi đã truy tôn bà làm Hoàng Thái hậu.
Sau khi mất, bà Ngọc Trần được đưa về an táng ở làng Thịnh Mỹ bên sông. Vào một năm nước sông Chu dâng cao, chảy xiết, quan tài bà trôi theo dòng nước đến làng Thượng Vôi (thuộc xã Xuân Hòa) và được người dân vớt lên an táng chu toàn, đồng thời lập dựng đền thờ phụng, gọi là đền Quốc mẫu.
Đi qua thời gian và chiến tranh, những năm qua đền thờ Quốc mẫu Phạm Thị Ngọc Trần nằm trên đất làng Thượng Vôi đã được tôn tạo khang trang, là địa điểm để hậu thế chiêm bái, dâng hương tưởng nhớ công đức tiền nhân. Chia sẻ của bà Lê Thị Vui, một người dân địa phương: “Đền thờ Quốc mẫu Phạm Thị Ngọc Trần từ xa xưa đã nổi tiếng linh thiêng, người dân địa phương thường tôn kính gọi là đền thờ “bà chúa Thượng Vôi”. Hằng năm, vào ngày 24 tháng 3 (âm lịch), lễ hội Đền thờ Quốc mẫu Phạm Thị Ngọc Trần thu hút đông đảo người dân, du khách về dâng hương, chiêm bái”.
“Xuân Hòa là vùng đất cổ có bề dày lịch sử, nơi lưu giữ nhiều nét đẹp văn hóa lâu đời. Phát huy tiềm năng, thế mạnh, những năm qua Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Xuân Hòa đã không ngừng nỗ lực trong công cuộc XDNTM, là địa phương đầu tiên của huyện Thọ Xuân đạt xã NTM kiểu mẫu. NTM đã thực sự làm đổi thay diện mạo làng quê và đời sống người dân, đưa Xuân Hòa thực sự trở thành miền quê đáng sống”, ông Lê Văn Dũng, Chủ tịch UBND xã Xuân Hòa cho biết.
*Bài viết có tham khảo, sử dụng nội dung trong sách “Lịch sử xã Xuân Hòa” và một số tài liệu lưu giữ tại địa phương.
Bài và ảnh: Khánh Lộc