Nhắc đến Vân Sơn (Tân Lạc, Hòa Bình), người ta liền nghĩ tới chốn "bồng lai tiên cảnh" quanh năm mây trắng bao phủ, khí hậu trong lành. Nơi đây có độ cao khoảng 1.200m, được sáp nhập từ 3 xã Bắc Sơn, Lũng Vân và Nam Sơn. Đây là xã đặc biệt khó khăn của tỉnh Hòa Bình song con người lại có tuổi thọ “sánh cùng trời đất”.
Hiện xã có hơn 400 nóc nhà với hơn 2.000 nhân khẩu, trong đó có rất nhiều cụ già thọ trên dưới 100 tuổi vẫn minh mẫn và khỏe mạnh. Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Vân Sơn từng cho biết trên Nông Nghiệp Việt Nam, chẳng có nơi đâu mỗi độ Tết đến xuân về lại được Chủ tịch nước tặng quà nhiều như ở Vân Sơn. Tính đến năm 2021, xã có 741 hội viên, trong đó độ tuổi từ 70-79 là 127 người, từ 80-89 tuổi là 63 người, trên 90 tuổi là 31 người.
Một góc xóm Chiến thuộc xã Vân Sơn.
Được biết, người thọ nhất từ trước đến giờ là cụ Đinh Thị Huệ, sinh năm 1897 và mất vào năm 2011, thọ 114 tuổi. Còn người lớn tuổi nhất ở thời điểm năm 2022 là cụ Hà Thị Ịm, sinh năm 1918 ở xóm Bách.
Khi ấy, cụ Ịm sống cùng con trai út và có con gái lớn đã 81 tuổi. Trước đây, khi còn khỏe, cụ vẫn lên nương lên rẫy cùng các con, làm việc nhà. Cụ vẫn minh mẫn, khỏe mạnh và trò chuyện với mọi người xung quanh.
Cụ Hà Thị Chủm (SN 1923) có 6 người con trai nhưng không ở với ai. Cụ bảo ở cái tuổi gần đất xa trời vẫn lên rừng kiếm củi đem về bán. Cụ không muốn phiền con cháu nên tự làm tự ăn và thích ở một mình.
Chia sẻ bí quyết sống thọ, cụ Ịm cho rằng quan trọng nhất là việc sử dụng lá thuốc được hái trên rừng nấu nước uống hằng ngày. "Việc sử dụng các loại lá cây trong thời gian hậu sản, giúp người phụ nữ nhanh hồi phục sức khỏe, bài thuốc chỉ riêng khu vực xã Vân Sơn mới có và còn được truyền lại từ các thế hệ trước.
Ngày xưa, tôi chỉ ăn các loại củ mài, khoai, sắn, ngô và cơm, chứ không được ăn nhiều thứ như bây giờ. Song đó chính là những loại thực phẩm sạch, giàu chất dinh dưỡng mà không gây hại cho cơ thể”, cụ Ịm từng chia sẻ.
Thời điểm năm 2022, cụ Chủm vẫn lên rừng kiếm củi đem về bán.
Trong khi đó các cụ già khác bảo chắc do khí hậu quanh năm ôn hòa, mọi thứ đều tự cung tự cấp, ăn uống hít thở đều sạch, lại chăm chỉ dậy sớm đi nương, làm rẫy.
Vân Sơn là sự hòa hợp của ba con suối lớn: Suối Hượp, suối Trong và Suối Miêu. Người trong bản bao đời dùng nước đó sinh hoạt, đặc biệt không bao giờ ăn gan động vật. Còn trà uống hàng ngày đều là các vị thuốc được lấy trong rừng về phơi khô rồi đun lấy nước uống. Nó dùng để chống chọi với thời tiết khắc nghiệt.
Theo đó, mùa hè uống sẽ hạ nhiệt nhanh chóng, tạo cảm giác mát lạnh. Mùa đông lại có thể giữ ấm cho cơ thể rất tốt trước cái lạnh khiến nước đóng băng. Người Vân Sơn còn khẳng định đó là loại nước "đàn bà uống vào nhiều sữa, đàn ông uống vào tráng kiện".
Lãnh đạo xã Vân Sơn cho biết, hơn 90% người dân của xã là đồng bào dân tộc Mường, độ tuổi trung bình của người dân nơi đây cao hơn so với mặt bằng chung cả nước, số cụ trên 70 tuổi rất nhiều, vẫn đủ sức khỏe lên rừng hái thuốc, làm nương rẫy. Có lẽ các cụ sống trường thọ như vậy do thời tiết hiền hòa, mát mẻ. Hơn nữa ở đây có nhiều cây thuốc quý.
Vị lãnh đạo tiết lộ thêm bên cạnh chính sách đầu tư của nhà nước, hiện nay có một số doanh nghiệp đến đầu tư phát triển du lịch, chính quyền địa phương sẽ tạo điều kiện hết sức để doanh nghiệp đầu tư làm ăn. Đặc biệt là đẩy mạnh trồng cây ăn quả, đặc sản địa phương, sản xuất nông nghiệp, trồng rau sạch...
Tổng hợp