Vùng đất kỳ lạ nhất thế giới, 65 ngày chìm trong bóng tối

Vùng đất kỳ lạ nhất thế giới, 65 ngày chìm trong bóng tối
17 giờ trướcBài gốc
Khi tháng 11 dần khép lại, nhiều người bắt đầu mong mỏi những tia nắng hiếm hoi giữa mùa đông. Còn với cư dân thành phố Utqiagvik, Alaska - cực bắc của nước Mỹ, họ lại chuẩn bị bước vào giai đoạn đặc biệt: 65 ngày không có mặt trời, hiện tượng được gọi là “đêm vùng cực”.
Từ cuối tháng 11 đến cuối tháng 1, mặt trời hoàn toàn không ló rạng trên đường chân trời nơi này. Đây là phần chu kỳ tự nhiên do vị trí địa lý đặc biệt gần Bắc Cực, khiến Utqiagvik trở thành một trong số ít nơi trên thế giới trải qua thời kỳ tăm tối kéo dài mỗi năm.
Tại thành phố Utqiagvik, 65 ngày không được nhìn thấy mặt trời. (Ảnh: Alamy Stock Photo)
Lý giải sâu hơn về nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này, nhà khí tượng học Judson Jones cho biết, hiện tượng thiên nhiên xảy ra hàng năm có tên đêm vùng cực. Do vị trí nằm cách xa đường xích đạo về phía bắc nên Utqiagvik phải chịu cảnh không có mặt trời suốt thời gian khá dài.
Cư dân tại đây phải trải qua hơn 2 tháng không nhìn thấy mặt trời. Không có nguồn năng lượng tự nhiên này làm nhiệt độ ở Utqiagvik giảm đáng kể. Nền nhiệt ở đây thấp hơn 0°C vào 160 ngày trong năm.
Năm 2025, sau 65 ngày không thấy ánh sáng mặt trời, cư dân thị trấn Utqiagvik đón mặt trời trở lại vào lúc 13h15 ngày 22/1. Sự kiện này không chỉ thắp sáng bầu trời vùng Bắc Cực mà còn đánh dấu sự khởi đầu cho giai đoạn ban ngày tăng nhanh, kéo dài cho đến mùa hè khi mặt trời sẽ không lặn suốt nhiều tuần.
Điều đặc biệt là vào mùa hè, Utqiagvik lại trải qua hiện tượng đối lập hoàn toàn. Từ ngày 11/5 đến ngày 1/8, nơi đây bước vào “ngày vùng cực” hay còn gọi là hiện tượng “mặt trời lúc nửa đêm”. Trong suốt gần 3 tháng này, mặt trời sẽ không bao giờ lặn, buộc người dân phải dùng rèm cản sáng và kính râm cả vào ban đêm để thích nghi với nhịp sinh học.
Dù phải đối mặt với điều kiện thời tiết khắc nghiệt và mùa đông kéo dài, Utqiagvik vẫn là nơi sinh sống lâu đời của cộng đồng người Inũpiat bản địa Alaska. Trong suốt hàng nghìn năm, họ thích nghi và gắn bó với mảnh đất này, dựa vào kỹ năng săn bắt truyền thống như đánh cá voi, săn tuần lộc, hải cẩu và các loài chim để nuôi sống cộng đồng.
Ông Myron cùng vợ là bà Susan McCumber đang kinh doanh nhà nghỉ 12 phòng nhỏ tại thị trấn, nơi thường xuyên đón tiếp nhiều đoàn khách du lịch đến từ Brazil. Hoạt động kinh doanh tại Utqiagvik, thị trấn xa xôi nhất nước Mỹ, không chỉ chịu ảnh hưởng bởi điều kiện thời tiết khắc nghiệt mà còn đối mặt với bài toán chi phí sinh hoạt leo thang.
Ban ngày ở Utqiagvik khi không có ánh sáng mặt trời. (Ảnh: usatoday.com)
Ông Myron thông tin thêm giá thực phẩm và nhu yếu phẩm tại đây cao gấp nhiều lần so với đất liền. "Một chai nước mua ở Walmart giá 6 USD, nhưng ở đây là 48 USD. Sữa gần 4 lít có giá 14 USD, còn một túi bột giặt lên tới 98 USD", ông Myron nói.
Chi phí vận chuyển bằng đường hàng không và điều kiện địa lý biệt lập khiến mọi mặt hàng tiêu dùng ở Utqiagvik trở thành "xa xỉ phẩm" so với chuẩn giá trung bình toàn quốc. Đây là thách thức không nhỏ đối với những hộ kinh doanh địa phương trong việc cân đối chi phí và giữ chân khách hàng.
Tuy nhiên, Utqiagvik không phải là địa điểm duy nhất trên thế giới phải sống trong bóng tối suốt nhiều tuần lễ vào mùa Đông. Tại nhiều khu vực nằm trong vòng Bắc Cực như Kaktovik, Point Hope hay Anaktuvuk Pass, hiện tượng "đêm vùng cực" - khi mặt trời không mọc trong một khoảng thời gian dài cũng diễn ra tương tự.
Kông Anh ( Tổng hợp)
Nguồn VTC : https://vtcnews.vn/vung-dat-ky-la-nhat-the-gioi-65-ngay-chim-trong-bong-toi-ar956023.html