Ngày càng nhiều người Mỹ phải miễn cưỡng duy trì các mối quan hệ tình cảm chỉ vì không đủ khả năng tài chính để sống một mình. Theo khảo sát của công ty tài chính Self Financial, có tới 24% người Mỹ không thể chia tay người yêu hoặc bạn đời do không đủ khả năng tự trang trải chi phí cuộc sống độc thân trong bối cảnh lạm phát leo thang, giá thuê nhà, thực phẩm, điện, nước, wifi đồng loạt tăng cao.
Self Financial gọi hiện tượng này là “quá nghèo để chia tay”. Nhiều cặp đôi buộc phải tiếp tục sống chung để chia sẻ các khoản chi phí sinh hoạt hàng tháng. “Họ dần trở thành đối tác tài chính hơn là những người yêu nhau, buộc phải dựa vào nhau để tồn tại”, ông Alex Beene, giảng viên tài chính tại Đại học Tennessee (Mỹ), nhận định. Theo ông, sống chung được xem là một giải pháp thiết thực để giảm bớt chi phí sinh hoạt trong thời kỳ giá cả leo thang.
Ảnh minh họa.
Hiện tượng này đặc biệt phổ biến tại các đô thị đắt đỏ như New York. Dữ liệu từ ứng dụng tài chính Frich cho thấy, các cặp đôi sống chung tại khu Manhattan có thể tiết kiệm hơn 50.000 USD mỗi năm nếu không chia tay. Mức “thuế độc thân” quá cao khiến nhiều người sợ cảnh chia tay dẫn đến kiệt quệ tài chính.
Cuối năm 2023, Công ty bất động sản toàn cầu Zillow công bố dữ liệu cho thấy người độc thân sống một mình tại Mỹ có thể phải đối mặt với mức chi phí sinh hoạt vượt trội, tương đương “thuế độc thân” lên tới 19.500 USD đến 24.000 USD mỗi năm, tùy theo khu vực và vị trí kinh tế - xã hội. Con số này tương đương khoảng 450 đến hơn 600 triệu đồng mỗi năm nếu người đó thuê một căn hộ một phòng ngủ.
Một cuộc khảo sát khác của Forbes cho thấy có tới 93% người Mỹ độc thân cảm thấy áp lực trước loại “thuế” vô hình này. Thậm chí, cứ ba người được hỏi thì có một người thừa nhận rằng họ phải duy trì mối quan hệ yêu đương lâu hơn, một phần vì lý do tài chính.
Phần lớn các khu vực tại Mỹ hiện đều yêu cầu người sống một mình chi trả nhiều hơn cho các khoản thuế, phí sinh hoạt so với các cặp đôi sống cùng một địa điểm. Mức “thuế độc thân” dao động tùy theo nơi cư trú nhưng nhìn chung đều ở mức cao. Tại các thành phố lớn như San Francisco, San Jose, San Diego hay Boston, tiền tiết kiệm của người độc thân bị bào mòn nhanh chóng. Những ai muốn sống ở đô thị với chi phí thấp hơn buộc phải chuyển đến các thành phố như Detroit hay Cleveland – nơi có mức “thuế độc thân” thấp hơn.
Trong khi đó, các cặp vợ chồng hoặc bạn đời sống chung có thể chia sẻ mọi khoản chi phí sinh hoạt từ tiền thuê nhà, ăn uống đến thuế. Theo thống kê, một gia đình hai người có thể tiết kiệm trung bình 14.000 USD mỗi năm nhờ sống cùng nhau. Riêng tại các thành phố đắt đỏ như New York và San Francisco, con số tiết kiệm này dao động trong khoảng 28.227 USD đến 39.000 USD.
Chuyên gia Sophie Cress cho rằng “thuế độc thân” không chỉ gây áp lực tài chính mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến các mối quan hệ và quá trình ra quyết định cá nhân. “Việc ngày càng nhiều người phải duy trì các mối quan hệ chỉ vì lý do tài chính cho thấy sức ép xã hội và kinh tế mà người độc thân đang phải đối mặt”, bà nhận xét.
Thậm chí, nhiều ngân hàng và tổ chức tài chính không mặn mà với việc cấp các khoản vay và thế chấp cho người độc thân, kể cả khi họ có việc làm ổn định, thu nhập cao và khả năng thanh toán ban đầu tốt. Điều này càng khiến tình trạng “quá nghèo để chia tay” trở nên phổ biến hơn.
“Nhiều người bắt đầu tự hỏi liệu họ có đủ khả năng để sống một mình, cả về mặt tài chính lẫn cảm xúc, trong một thế giới mà chi phí độc thân đang ngày càng leo thang”, bà Cress chia sẻ.
Theo các chuyên gia, “thuế độc thân” còn có thể khiến người sống một mình cảm thấy bị cô lập và kỳ thị trong xã hội. Trong khi xã hội thường tôn vinh các mối quan hệ lãng mạn và gia đình, những người độc thân có thể cảm thấy mình bị xem nhẹ, dẫn đến cảm giác bất lực hoặc thiếu giá trị. “Chuẩn mực xã hội thường gắn hạnh phúc và sự viên mãn với các mối quan hệ tình cảm, khiến người độc thân cảm thấy như mình không xứng đáng”, bà Cress nói thêm.
Bảo Ngọc (t/h)