Một góc rừng chiến khu 19 (CK19 thuộc khu vực núi Chúa, xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải, Ninh Thuận). Ảnh: Nguyễn Thành/TTXVN
50 năm sau Ngày giải phóng Ninh Thuận (16/4/1975 - 16/4/2025) và giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025), Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Ninh Thuận luôn phát huy truyền thống cách mạng, đoàn kết một lòng, nỗ lực xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp. Những vùng “đất thép” trong kháng chiến giờ đây đã khoác lên mình diện mạo mới, đời sống người dân được nâng lên rõ rệt.
Ký ức hào hùng từ chiến khu
Tại xã Bắc Phong, huyện Thuận Bắc, cựu chiến binh Lâm Thế Định (78 tuổi), nguyên Đại đội trưởng Đại đội 2, bộ đội địa phương vẫn còn nhớ những năm tháng chiến đấu tại chiến khu 19 (CK19) trong giai đoạn 1964-1975. Ông cùng đồng đội đã tham gia hàng trăm trận đánh, ngăn chặn hiệu quả các cuộc càn quét của địch, mở rộng vùng giải phóng, phối hợp với bộ đội chủ lực tiến quân từ miền Bắc vào đập tan tuyến phòng thủ “Lá chắn thép Phan Rang” do chế độ Việt Nam Cộng hòa dựng nên, góp phần giải phóng tỉnh Ninh Thuận vào ngày 16/4/1975.
Ông Lâm Thế Định nhớ lại, CK19 có vị trí chiến lược quan trọng, nằm giữa các khu vực cảng quân sự Cam Ranh, sân bay quân sự Thành Sơn và cảng Ninh Chữ. Trong đó, vùng Núi Chúa CK19 là căn cứ địa cách mạng, nơi người dân, đặc biệt là đồng bào Raglai hết lòng ủng hộ, che chở bộ đội, góp phần xây dựng lực lượng đến ngày toàn thắng. Ông Định xúc động nói: "Những trận đánh vào tháng 4/1975 có ý nghĩa vô cùng to lớn, đó là thời khắc chúng tôi chiến đấu và chứng kiến quê hương được giải phóng sau bao nhiêu năm mong đợi".
Cựu chiến binh Lâm Thế Định (xã Bắc Phong, huyện Thuận Bắc) chia sẻ thông tin với phóng viên TTXVN về những năm tháng chiến đấu tại chiến khu 19 (CK19). Ảnh: Nguyễn Thành/TTXVN
Rạng sáng 16/4/1975, quân ta chia làm ba mũi đồng loạt tấn công và giải phóng Phan Rang, sân bay Thành Sơn và cảng Ninh Chữ. Ông chỉ huy đơn vị phối hợp cùng với bộ đội chủ lực tấn công ở mũi thứ ba, giải phóng toàn bộ vùng phía Bắc huyện Thuận Bắc và phối hợp đánh chiếm cảng Ninh Chữ, ngăn chặn địch tháo chạy bằng đường biển. Đến 9 giờ 30 phút, toàn bộ khu vực Phan Rang, Ninh Chữ đã hoàn toàn thuộc về quân giải phóng. Trưa 16/4/1975, khi Ninh Thuận đã được giải phóng, không khí chiến thắng lan đi khắp nơi, nhân dân ùa ra đường hô vang khẩu hiệu chiến thắng "Hòa bình rồi, giải phóng rồi!". Lúc này anh em bộ đội gặp lại nhau tay bắt mặt mừng, phấn khởi với những nụ cười hòa lẫn nước mắt hạnh phúc, ông Lâm Thế Định tự hào kể.
Cùng chung niềm tự hào, cựu chiến binh Nguyễn Đức Hạnh (81 tuổi, xã Phước Dinh) nhắc nhớ về những năm tháng hoạt động tại chiến khu 35 (CK35) ở huyện Thuận Nam. Năm 17 tuổi, ông đã tham gia cách mạng, gắn bó với CK35 - một căn cứ địa vững chắc là nơi các cơ quan của tỉnh tập trung sau Tết Mậu Thân 1968.
"Đóng quân ở đây, chúng tôi có thể bao quát đồng bằng, Quốc lộ 1 và các đồn bốt của địch, tạo lợi thế trong chiến đấu. Đặc biệt, CK35 có nhiều hang động lớn là nơi an toàn cho lực lượng kháng chiến", ông Hạnh cho biết.
Khu vực rừng núi huyện Thuận Nam (Ninh Thuận) trước đây là chiến khu 35 (CK35). Ảnh: Nguyễn Thành/TTXVN
Trong những năm tháng chiến đấu gian khổ, hy sinh, người dân Phước Dinh luôn hết lòng vì cách mạng. Thanh niên tham gia dân công, tải đạn, tiếp tế lương thực; người già, phụ nữ cùng du kích chống lại các cuộc càn quét. Vùng đất Phước Dinh đã trở thành "hàng rào thép" vững chắc, bảo vệ cách mạng, ghi dấu những hy sinh to lớn với 37 Mẹ Việt Nam Anh hùng, 252 liệt sĩ và 408 gia đình có công với cách mạng.
Với những đóng góp to lớn, các cựu chiến binh như ông Nguyễn Đức Hạnh và ông Lâm Thế Định vinh dự được Đảng và Nhà nước trao tặng nhiều Huân chương, Huy chương cao quý. Sau hòa bình, các ông tiếp tục cống hiến cho quê hương, truyền lửa cho thế hệ trẻ về truyền thống cách mạng và lòng yêu nước.
Diện mạo mới trên quê hương cách mạng
Huyện Ninh Hải (Ninh Thuận) đạt chuẩn huyện nông thôn mới. Ảnh: Nguyễn Thành/TTXVN
Nửa thế kỷ đã trôi qua, các khu vực chiến khu CK19, CK35, CK7, CK22, CK Anh Dũng và vùng ven xưa kia đã có những bước phát triển vượt bậc. Từ vùng đất chịu nhiều bom đạn nay đã trở thành những khu dân cư trù phú với hạ tầng kinh tế, văn hóa, xã hội hiện đại.
Hệ thống giao thông đường bộ, đường cao tốc, đường sắt, cảng biển được đầu tư, nâng cấp đồng bộ; tuyến đường ven biển dài 105km nối các huyện Thuận Bắc, Ninh Hải, thành phố Phan Rang - Tháp Chàm, huyện Thuận Nam tạo động lực lớn cho giao thương và phát triển kinh tế. Đặc biệt, Ninh Thuận đang xây dựng công trình trọng điểm quốc gia gồm hai dự án Nhà máy điện hạt nhân 1 (xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam) và Nhà máy điện hạt nhân 2 (xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải) với tổng công suất khoảng 4.600MW.
Điển hình là xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải, nơi từng là căn cứ CK19 giờ đây đã trở thành điểm sáng về kinh tế biển và du lịch, đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao. Những bãi biển tuyệt đẹp, các điểm đến du lịch, vườn nho trĩu quả đang thu hút đông đảo du khách.
Sản xuất muối công nghiệp tại cánh đồng muối Đầm Vua (huyện Ninh Hải, Ninh Thuận). Ảnh: Nguyễn Thành/TTXVN
Bà Cao Thị Thủy, đồng bào Raglai ở xã Vĩnh Hải chia sẻ: "Ngày xưa, Núi Chúa là nhà của người Raglai, cũng là vùng chiến khu. Ông bà, cha mẹ mình đã sớm giác ngộ cách mạng, một lòng quyết tâm đánh giặc. Dù khó khăn, gian khổ, đồng bào vẫn kiên trung theo cách mạng". Ngày nay, cuộc sống của người dân đã ổn định hơn rất nhiều nhờ sự hỗ trợ của Nhà nước và phát triển du lịch cộng đồng.
Tương tự, xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam cũng có những bước phát triển mạnh mẽ về hạ tầng, kinh tế và xã hội. Người dân đồng lòng ủng hộ chủ trương xây dựng các nhà máy điện hạt nhân, kỳ vọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong tương lai.
Ông Nguyễn Văn Thắng, Trưởng thôn Vĩnh Trường, bày tỏ sự ủng hộ đối với dự án điện hạt nhân và mong muốn Nhà nước có chính sách tái định cư, chuyển đổi nghề nghiệp phù hợp cho người dân.
Hành trình 50 năm xây dựng và phát triển đã đưa Ninh Thuận từ một tỉnh nghèo trở thành một trong những địa phương có tốc độ tăng trưởng kinh tế ấn tượng. Năm 2024, GRDP của tỉnh tăng 8,74%, đứng thứ 4/14 địa phương trong khu vực Duyên hải miền Trung và 16/63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Ninh Thuận đã khẳng định vị thế là "thủ phủ" năng lượng tái tạo của Việt Nam, đẩy mạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao và đưa du lịch dần trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Tỉnh chú trọng đổi mới sáng tạo, cải cách hành chính, chuyển đổi số và phát triển bền vững.
Dự án năng lượng điện mặt trời được đầu tư trên địa bàn xã Phước Dinh (huyện Thuận Nam, Ninh Thuận). Ảnh: Nguyễn Thành/TTXVN
Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Trần Quốc Nam khẳng định, với trách nhiệm, tinh thần và khí thế mới, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân địa phương tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, triển khai mạnh mẽ các phong trào thi đua, lan tỏa cảm hứng và khát vọng phát triển nhằm đạt được mục tiêu năm 2025 và thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIV của Đảng bộ tỉnh.
Địa phương tập trung triển khai các định hướng quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 để sớm đưa Ninh Thuận trở thành tỉnh có mức thu nhập bình quân thuộc nhóm trung bình cao của cả nước, phát triển năng động, bền vững.
Sự đổi thay trên khắp các vùng căn cứ cách mạng ở Ninh Thuận hôm nay là minh chứng cho ý chí tự lực, tự cường và tinh thần đoàn kết của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh. Tinh thần cách mạng và những giá trị lịch sử hào hùng sẽ mãi là động lực để Ninh Thuận tiếp tục vươn lên trong kỷ nguyên phát triển mới của đất nước.
Nguyễn Thành/TTXVN