Vùng đồng bào dân tộc thiểu số vươn mình phát triển

Vùng đồng bào dân tộc thiểu số vươn mình phát triển
9 giờ trướcBài gốc
Qua hơn 4 năm triển khai, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021 – 2025 (gọi tắt Chương trình) tại tỉnh đã phát huy hiệu quả tích cực. Từ nguồn vốn của Chương trình, kết cấu hạ tầng được đầu tư đồng bộ, các dự án hỗ trợ sản xuất được triển khai sâu rộng. Nhờ đó, vùng đồng bào DTTS đã có nhiều khởi sắc, đời sống người dân từng bước được cải thiện, nâng cao.
Hạ tầng giao thông xã Tứ Quận (Yên Sơn) được đầu tư xây dựng giúp người dân đi lại thuận lợi.
Phóng viên Báo Tuyên Quang đã phỏng vấn bà Hoàng Thị Thắm, Phó Giám đốc Sở Dân tộc và Tôn giáo về vấn đề này:
Phóng viên: Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh được triển khai như thế nào trong thời gian qua, thưa bà?
Bà Hoàng Thị Thắm
Bà Hoàng Thị Thắm: Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi là một chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước. Xác định được tầm quan trọng của Chương trình, Sở Dân tộc và Tôn giáo đã chủ động nghiên cứu, phối hợp các sở, ngành cấp tỉnh, UBND các huyện, thành phố tham mưu cho UBND tỉnh triển khai thực hiện Chương trình hiệu quả.
Bên cạnh đó, tỉnh đã chỉ đạo triển khai thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia; hướng dẫn, chỉ đạo thành lập các tổ giúp việc, triển khai Chương trình tại cấp xã; tập trung thể chế các văn bản triển khai thực hiện Chương trình.
Tỉnh đã chỉ đạo rà soát, xác định nhu cầu để xây dựng kế hoạch thực hiện Chương trình cho cả giai đoạn 2021-2025 và từng năm. Chỉ đạo các cấp, các ngành kịp thời điều chỉnh, phân bổ nguồn lực thực hiện các dự án, tiểu dự án, tạo điều kiện cho cơ quan đơn vị, chính quyền cơ sở sớm triển khai thực hiện Chương trình.
Nguồn lực chương trình giúp đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Tuyên Quang bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa.
Hàng năm UBND tỉnh, các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND cấp huyện đã thực hiện các cuộc kiểm tra định kỳ và đột xuất nhằm đôn đốc tiến độ triển khai; kịp thời nắm bắt những khó khăn, vướng mắc, những bất cập về cơ chế thực hiện Chương trình.
Phóng viên: Giai đoạn 2021-2025, tỉnh đã đạt được những kết quả nổi bật nào trong triển khai thực hiện Chương trình, thưa bà?
Bà Hoàng Thị Thắm: Chương trình thực hiện trên địa bàn tỉnh với 10 dự án, 13 tiểu dự án thành phần bao trùm tất cả các lĩnh vực liên quan đến đời sống, kinh tế - xã hội, xây dựng hệ thống chính trị cho vùng đồng bào DTTS, nhất là đối với vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn, xã phấn đấu hoàn thành nông thôn mới.
Sau 4 năm thực hiện, Chương trình đã góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển; đời sống của nhân dân nông thôn được nâng lên, thu nhập bình quân đầu người tăng thêm 11 triệu đồng/người/năm so với năm 2021. Các mục tiêu đề ra ngay ở đầu giai đoạn được các cấp, các ngành quyết liệt triển khai, một số chỉ tiêu hoàn thành vượt mức so với kế hoạch đã đề ra như: hỗ trợ về nhà ở đạt 103%; nước sinh hoạt phân tán đạt 103%; Hỗ trợ khoán bảo vệ rừng đạt 74,1%; Hỗ trợ bảo vệ rừng đạt 57,1%; Hỗ trợ trồng rừng sản xuất đạt 104,3%; số lượng công trình xây dựng cơ sở hạ tầng, duy tu bảo dưỡng vượt so với kế hoạch dự kiến ban đầu…
Tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào DTTS giảm bình quân trên 7%/năm. Nhiều hạng mục công trình hạ tầng thiết yếu phục vụ dân sinh trên địa bàn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào DTTS và miền núi được đầu tư xây dựng. Tỷ lệ xã có đường từ huyện đến trung tâm được cứng hóa đạt 100%; tỷ lệ thôn có đường ô tô đến trung tâm đạt 100%.
Người dân thôn Đá Trơn, xã Đông Thọ (Sơn Dương) được hỗ trợ vốn để chuyển đổi nghề, nâng cao thu nhập.
Hạ tầng công nghệ thông tin, chuyển đổi số tiếp tục được quan tâm, tạo điều kiện cho vùng đồng bào DTTS và miền núi tiếp cận nhanh với các thông tin, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di tích lịch sử cách mạng, các di sản văn hóa dân tộc gắn với phát triển du lịch triển khai đồng bộ, hiệu quả. Chính sách an sinh xã hội được thực hiện đầy đủ, kịp thời.
Việc đầu tư cơ sở vật chất cho các trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú được quan tâm triển khai nhằm nâng cao chất lượng giáo dục ở vùng đồng bào DTTS và miền núi, góp phần nâng tỷ lệ học sinh trong độ tuổi học tiểu học đạt 99,7% (mục tiêu 97%), học sinh THCS đạt 95,6% (mục tiêu 95%); thực hiện hỗ trợ 123 lớp đào tạo nghề cho 4.279 học viên …
Công tác chăm sóc sức khỏe cho đồng bào DTTS trong những năm qua có nhiều chuyển biến tích cực. Phổ cập dịch vụ tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn; tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh tật trước sinh và sơ sinh với sự tham gia của toàn xã hội tại vùng đồng bào DTTS và miền núi được triển khai đồng bộ, có hiệu quả.
Công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, chính trị cho đội ngũ cán bộ người DTTS được cấp ủy, chính quyền quan tâm thực hiện. Việc tuyên truyền, vận động đồng bào các DTTS thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước được triển khai nghiêm túc, hiệu quả.
Phóng viên: Thưa bà, trong quá trình triển khai Chương trình, tỉnh gặp khó khăn, thách thức nào?
Bà Hoàng Thị Thắm: Tiến độ triển khai thực hiện các dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần của Chương trình còn chậm. Tỷ lệ giải ngân nguồn vốn sự nghiệp theo kế hoạch vốn giao còn thấp. Một số mục tiêu, chỉ tiêu không đạt so với yêu cầu đặt ra từ đầu giai đoạn…
Nguyên nhân do đây Chương trình mới, được tích hợp từ nhiều các Chương trình, dự án chính sách dành cho vùng đồng bào DTTS, hệ thống văn bản chỉ đạo điều hành, cơ chế hướng dẫn còn chồng chéo, với sự tham gia chủ trì, hướng dẫn của nhiều bộ, ngành trung ương, nhiều nội dung chưa rõ, nhất là đối tượng, nội dung, định mức chi, quy trình thực hiện, trình tự thủ tục thanh quyết toán,… Do vậy, quá trình tiếp cận, nghiên cứu, triển khai thực hiện còn gặp nhiều khó khăn; việc bố trí các nguồn lực khác để lồng ghép nâng cao hiệu quả Chương trình có mặt hạn chế; khối lượng công việc lớn nhưng bộ máy thường trực giúp việc triển khai thực hiện Chương trình từ tỉnh đến cơ sở còn mỏng, chất lượng không đồng đều…
Phóng viên: Với những khó khăn đó, Sở Dân tộc và Tôn giáo tỉnh có những định hướng, giải pháp gì để tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng DTTS và miền núi trong thời gian tới?
Bà Hoàng Thị Thắm: Để việc triển khai Chương trình thực sự hiệu quả, trong thời gian tới, các cấp, ngành cần tăng cường công tác tuyên truyền vận động nhân dân tham gia thực hiện và giám sát quá trình triển khai thực hiện Chương trình tại cơ sở. Các cấp, các ngành tăng cường phát huy vai trò của đội ngũ cán bộ công chức trong lãnh đạo, chỉ đạo, tham mưu tổ chức thực hiện Chương trình hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ đã đề ra.
Tiếp tục phối hợp với các cấp, các ngành tham mưu, đề xuất đa dạng hóa các nguồn vốn thực hiện Chương trình, trong đó ưu tiên lồng ghép nguồn vốn các Chương trình, dự án, chính sách hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh để đầu tư, hỗ trợ cho các địa bàn đặc biệt khó khăn, các nhiệm vụ cấp bách cần bố trí nguồn lực.
Chủ động đề xuất sửa đổi, bổ sung các văn bản quản lý, chỉ đạo, điều hành của tỉnh khi có yêu cầu nhằm phù hợp với chỉ đạo, định hướng chung của Trung ương và tình hình thực tiễn triển khai Chương trình tại địa phương. Tập trung thực hiện quyết liệt và có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân theo chỉ đạo Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương.
Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát kết quả thực hiện Chương trình; thường xuyên đôn đốc, hướng dẫn cơ sở, kịp thời giải quyết những khó khăn vướng mắc, báo cáo cấp có thẩm quyền đối với những nội dung vượt thẩm quyền. Tăng cường công tác giám sát, phản biện xã hội để nâng cao hiệu quả đầu tư của Chương trình.
Phóng viên: Xin cảm ơn bà!
Thực hiện: Lý Thu
Nguồn Hà Giang : http://baohagiang.vn/kinh-te/nong-lam-nghiep/202507/vung-dong-bao-dan-toc-thieu-so-vuon-minh-phat-trien-2e433a2/