Vùng mía Lam Sơn tăng tốc 'gặt tín chỉ carbon'

Vùng mía Lam Sơn tăng tốc 'gặt tín chỉ carbon'
13 giờ trướcBài gốc
Vùng nguyên liệu mía Lam Sơn – nơi triển khai mô hình canh tác giảm phát thải.
Mô hình canh tác mía phát thải thấp - Hướng đi tất yếu của nông nghiệp hiện đại
Dự án giảm phát thải carbon vùng nguyên liệu mía Lam Sơn là kết quả hợp tác giữa Lasuco và hai tập đoàn uy tín đến từ Nhật Bản. Mục tiêu là xây dựng mô hình sản xuất thân thiện với môi trường, góp phần giảm thiểu khí nhà kính và bảo vệ tài nguyên đất. Thay vì sử dụng phương pháp canh tác truyền thống vốn dễ gây suy thoái đất và phát thải cao, dự án hướng dẫn nông dân áp dụng các kỹ thuật bền vững. Điển hình là việc không đốt lá mía sau thu hoạch, tận dụng phụ phẩm để làm giàu đất, tăng cường sử dụng phân hữu cơ, cắt giảm phân bón hóa học. Những giải pháp này giúp tiết kiệm chi phí đầu vào, giữ ổn định năng suất, đồng thời cải thiện chất lượng đất.
Lasuco cùng đối tác Nhật Bản ký kết hợp đồng triển khai Dự án Giảm phát thải carbon vùng nguyên liệu mía Lam Sơn.
Khi dự án được công nhận và cấp tín chỉ carbon theo tiêu chuẩn quốc tế, người trồng mía và doanh nghiệp sẽ có cơ hội tham gia thị trường carbon tự nguyện. Đây là cơ chế tài chính mới, giúp tạo thêm nguồn thu từ chính hoạt động canh tác nông nghiệp, mở ra hướng phát triển bền vững cho ngành mía đường Việt Nam.
Tăng tốc hoàn thiện hồ sơ, kiểm chứng thực địa
Tính đến giữa tháng 5/2025, dự án đã hoàn tất tài liệu mô tả dự án (PDD) để đăng ký danh mục chờ trên hệ thống Verra - một trong những hệ thống tiêu chuẩn uy tín hàng đầu thế giới về tín chỉ carbon. Hồ sơ tập trung vào các nội dung kỹ thuật chính như: giảm sử dụng phân đạm tổng hợp, sử dụng phân hữu cơ, không đốt tàn dư sau thu hoạch, kéo dài chu kỳ mía gốc để tăng tích lũy carbon trong đất.
Đại diện ba bên khảo sát thực địa tại vùng nguyên liệu mía Lam Sơn.
Trong chuyến làm việc giữa ba bên, các chuyên gia đã tiến hành kiểm tra thực địa nhằm đánh giá điều kiện triển khai và phương pháp thu thập dữ liệu. Hệ thống MRV (Đo lường - Báo cáo - Xác minh) đang được Lasuco triển khai nhằm đảm bảo tính minh bạch và chính xác trong suốt chu trình vận hành của dự án.
Đặc biệt, công nghệ vệ tinh được tích hợp vào hệ thống giám sát, giúp theo dõi liên tục diễn biến tại vùng nguyên liệu và đảm bảo các thông tin đầu vào được cập nhật theo thời gian thực. Hiện dự án đang được triển khai thử nghiệm trên quy mô hơn 500ha. Kết quả bước đầu cho thấy hiệu quả rõ rệt: lượng phát thải giảm, đất được cải tạo tốt hơn, chi phí sản xuất giảm, nông dân có động lực chuyển đổi mô hình.
Đại diện các bên trao đổi tại hội nghị đánh giá kết quả triển khai giai đoạn đầu của dự án.
Cũng trong tháng 5, các hạng mục kỹ thuật còn lại như: xác định đường cơ sở phát thải, phạm vi giám sát phát thải gián tiếp (Scope 3), bán kính thu gom phân hữu cơ, trách nhiệm các bên trong quy trình giám sát và xác minh... sẽ tiếp tục được hoàn thiện. Mục tiêu là đảm bảo tiến độ nộp hồ sơ đúng hạn, hướng tới việc được cấp tín chỉ carbon quốc tế trong thời gian sớm nhất. Việc tham gia cơ chế tín chỉ carbon tự nguyện (VCM) sẽ nâng cao uy tín chuỗi giá trị mía đường Lam Sơn, đồng thời mở ra cánh cửa tiếp cận các nguồn tài chính xanh toàn cầu.
Trong bối cảnh nông nghiệp Việt Nam đang chịu tác động mạnh mẽ của biến đổi khí hậu, đây được xem là bước đi chiến lược, chủ động thích ứng và chuyển đổi theo hướng phát triển bền vững. Lasuco đặt mục tiêu biến vùng nguyên liệu mía Lam Sơn thành mô hình mẫu về nông nghiệp phát thải thấp tại Việt Nam, từ đó mở rộng quy mô triển khai lên hàng vạn ha trong thời gian tới. Không chỉ dừng lại ở lợi ích kinh tế, dự án còn góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng về canh tác thân thiện môi trường, thúc đẩy xu thế “tăng trưởng xanh” trong ngành nông nghiệp.
Với sự đồng hành của các đối tác quốc tế, nền tảng công nghệ hiện đại và sự quyết tâm của doanh nghiệp, hành trình chinh phục tín chỉ carbon từ vùng mía Lam Sơn đang bước vào giai đoạn tăng tốc. Đây không chỉ là tín hiệu tích cực cho ngành mía đường, mà còn là minh chứng rõ nét cho khả năng của nông nghiệp Việt Nam trong việc hòa mình vào dòng chảy phát triển xanh toàn cầu.
Bài và ảnh: Ngọc Lan
Nguồn Thanh Hóa : http://baothanhhoa.vn/vung-mia-lam-son-tang-toc-gat-tin-chi-carbon-nbsp-248969.htm