Niềm tự hào Bác Hồ về thăm
Chủ tịch Hồ Chí Minh làm việc với các lãnh đạo tỉnh Thái Bình và huyện Tiền Hải tại thôn Nho Lâm, xã Đông Lâm năm 1962 (ảnh tư liệu).
Ngày 26/3/1962, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã về thăm xã Đông Lâm - sự kiện trở thành niềm tự hào và nguồn động lực to lớn cho Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Đông Lâm không ngừng nỗ lực xây dựng quê hương giàu đẹp, văn minh.
Ông Lương Văn Bang, thôn Nho Lâm Đông, xã Đông Lâm, người từng được gặp Bác, xúc động nhớ lại khi ấy ông 22 tuổi. Tại kỳ đài, Bác đã gặp gỡ, nói chuyện với Đảng bộ, nhân dân xã Đông Lâm và đại biểu các huyện, thị, một số xã trong tỉnh, biểu dương phong trào thi đua yêu nước, tăng gia sản xuất ở địa phương. Trước khi ra về, Bác căn dặn: “Tỉnh ta có gần 77.000 đảng viên và đoàn viên thanh niên lao động. Trung ương giao nhiệm vụ cho mỗi đồng chí phải nâng cao tinh thần cách mạng, phấn đấu vươn lên..., phải gương mẫu, làm đầu tàu cho đồng bào trong phong trào thi đua yêu nước, tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm để xây dựng Tổ quốc giàu mạnh và nâng cao đời sống nhân dân”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh làm việc với lãnh đạo xã Đông Lâm (huyện Tiền Hải) năm 1962 (ảnh tư liệu).
Ông Phan Thanh Hương, một trong những người cao tuổi ở xã Đông Lâm (ông Hương sinh năm 1946), nhớ lại, khi Bác về thăm Đông Lâm, người dân ai cũng mừng và xúc động, được tiếp đón Bác - người lãnh tụ vô cùng giản dị, gần gũi với nhân dân. Năm nay, chuẩn bị đến ngày kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2025), ông Hương đã làm chiếc diều nghệ thuật rộng 12 m2 gắn theo đuôi diều dòng chữ tuyên truyền kỷ niệm 63 năm Bác Hồ về thăm xã Đông Lâm, để buông vào các buổi chiều tại sân Đền thờ Bác.
Riêng ông Lương Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch HĐND xã Đông Lâm, người đã dành nhiều tâm huyết tìm hiểu về sự kiện này cho biết: Bác Hồ về thăm xã Đông Lâm vào ngày 26/3/1962 là một dấu ấn lịch sử vô cùng to lớn cho Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Đông Lâm. Tình cảm, sự quan tâm của Bác dành cho nhân dân Đông Lâm đã trở thành động lực tinh thần không ngừng nghỉ, giúp người dân vượt qua mọi khó khăn, thách thức trong lao động sản xuất và xây dựng quê hương.
Ông Lương Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch HĐND xã Đông Lâm giới thiệu những kỷ vật, hình ảnh được lưu giữ tại Đền thờ Bác Hồ (xã Đông Lâm, huyện Tiền Hải).
Đảng bộ, chính quyền, nhân dân xã Đông Lâm đã xây dựng Công trình tưởng niệm, giáo dục truyền thống - Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh và Anh hùng liệt sĩ không chỉ là biểu tượng của lòng tri ân, còn là minh chứng cho sự phát triển, vươn lên của Đông Lâm trên nền tảng truyền thống cách mạng.
Đền thờ Bác Hồ tại Đông Lâm được xây dựng theo hình thức ba gian hai trái truyền thống trên diện tích hơn 480 m2. Gian chính giữa trang trọng thờ phụng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hai bên thờ các vị lãnh tụ tiền bối, anh hùng liệt sĩ và những người có công với quê hương, đất nước. Điểm nhấn đặc biệt của đền thờ là tại đây trưng bày những hình ảnh, tài liệu quý giá về quá trình phát triển kinh tế - xã hội của xã Đông Lâm từ trước năm 1930 đến nay. Những tư liệu này là "kho báu" vô giá, giúp thế hệ trẻ và du khách hiểu rõ hơn về lịch sử hình thành, phát triển của mảnh đất Đông Lâm, về những thăng trầm đã trải qua và đặc biệt là về những dấu ấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên quê hương. Đền thờ đã trở thành một "địa chỉ đỏ" về nguồn, nơi giáo dục truyền thống cách mạng, khơi dậy lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc. Đây cũng là nơi cán bộ và nhân dân đến báo công, thể hiện quyết tâm đi theo con đường Bác đã chọn.
Đền thờ Bác Hồ tại xã Đông Lâm (huyện Tiền Hải) - "địa chỉ đỏ" về nguồn, nơi giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ hôm nay và mai sau ở địa phương.
Trở thành điển hình nông thôn mới
Thấm nhuần lời dạy của Bác, trong những năm qua, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân xã Đông Lâm đã “chuyển hóa” thành những việc làm cụ thể, thiết thực - xây dựng xã Đông Lâm từ một “vùng đất trẻ” được hình thành sau cuộc đại khẩn hoang của Doanh điền sử Nguyễn Công Trứ còn rất nhiều khó khăn, trở thành địa phương điển hình về xây dựng nông thôn mới.
Ông Ngô Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND xã Đông Lâm, cho biết, xã đã hoàn thành xây dựng nông thôn mới vào năm 2014 và nông thôn mới nâng cao vào năm 2019. Hiện thu nhập bình quân đầu người xã Đông Lâm đạt hơn 75 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống dưới 1%/năm. Hệ thống giao thông nông thôn được đầu tư nâng cấp, tạo điều kiện thuận lợi cho giao thương và đi lại của người dân. Các công trình phúc lợi như trường học, trạm y tế, nhà văn hóa được xây dựng và hoạt động hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
Xã Đông Lâm đang đổi thay từng ngày theo hướng chuẩn nông thôn mới.
Phát huy những kết quả đã đạt được, thời gian tới, Đông Lâm tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính; thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, cải thiện đời sống nhân dân; tăng cường công tác quản lý tài chính ngân sách, đất đai, tài nguyên, bảo vệ môi trường và hoàn thiện xây dựng quy hoạch khu dân cư. Đồng thời, địa phương đẩy mạnh thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ, tạo động lực mới cho tăng trưởng kinh tế…
Với truyền thống đoàn kết, ý chí tự lực tự cường và sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của các cấp ủy đảng, chính quyền, xã Đông Lâm đang vững bước trên con đường xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh. Xã Đông Lâm phấn đấu năm 2025, tổng giá trị sản xuất đạt trên 506 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt từ 13% trở lên, thu nhập bình quân đầu người đạt từ 81,2 triệu đồng/người/năm trở lên; tỷ lệ dân số tham gia Bảo hiểm y tế đạt trên 97%; 96% gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa…
Vũ Quang (TTXVN)