Vùng sầu riêng chất lượng 'nâng tầm' cuộc sống người dân

Vùng sầu riêng chất lượng 'nâng tầm' cuộc sống người dân
14 giờ trướcBài gốc
Trước khi sáp nhập, Đồng Nai đã ghi nhận sự phát triển vượt bậc của cây sầu riêng. Diện tích sầu riêng của tỉnh vào cuối năm 2024 đạt hơn 12,6 ngàn héc-ta, tăng gần gấp đôi so với vài năm trước.
Sức bật từ vùng đất mới
Sự bùng nổ này không chỉ nằm ở số lượng mà còn ở chất lượng, với những giống sầu riêng đặc sản như Dona mang lại giá trị kinh tế cao. Nhiều hộ dân đã có nhà cửa khang trang, xe ô tô, cuộc sống sung túc, và không còn nằm trong danh sách hộ nghèo. Riêng tại TP.Long Khánh, nơi có hơn 2.300 ha sầu riêng, theo tính toán của ngành chức năng, nông dân đã thu lãi từ 600 triệu đến 1 tỷ đồng/ha trong những năm qua.
Đó là chưa kể khi sáp nhập, Bình Phước với vị trí địa lý và thổ nhưỡng tương đồng, cũng không kém cạnh trong việc phát triển cây sầu riêng. Theo thống kê, tính đến cuối năm 2024, tổng diện tích cây sầu riêng của tỉnh Bình Phước (cũ) đạt khoảng 5,3 ngàn héc-ta, sản lượng khoảng 14,8 ngàn tấn. Sự bổ sung diện tích và kinh nghiệm từ Bình Phước hứa hẹn sẽ tạo ra một vùng nguyên liệu sầu riêng lớn.
Để đáp ứng được yêu cầu xuất khẩu, diện tích trồng sầu riêng phải được cấp mã số vùng trồng và đơn vị xuất khẩu phải được cấp phép cơ sở đóng gói đúng theo tiêu chuẩn. Chính vì vậy, các HTX đang cùng với ngành chức năng tích cực nâng cao chất lượng sản xuất, đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của thị trường thế giới.
Nhiều HTX đã được cấp mã số vùng trồng để xuất khẩu sầu riêng.
HTX Thương mại- Dịch vụ-Nông nghiệp Xuân Lập (Đồng Nai), một trong những đơn vị đã được cấp mã số vùng trồng cho 91 hộ với 116 ha đã cho thấy sự cố gắng và chỉn chu trong nâng cao chất lượng loại nông sản này nhằm phục vụ xuất khẩu. Để có được kết quả đó, các thành viên HTX đã vượt qua rất nhiều thách thức về kinh phí, kỹ thuật. Tuy nhiên, khi vượt qua được những khó khăn cũng chính là lúc tạo nền tảng vững chắc để HTX có thể xin cấp mã vùng trồng, yên tâm trong xuất khẩu.
Còn tại HTX Dịch vụ nông nghiệp Phú Sơn (Đồng Nai) đã tập hợp được nhiều thành viên đầu tư trồng sầu riêng với diện tích lớn. Hiện, HTX đã phát triển được khoảng 480 hécta sầu riêng, trong đó 350 hécta đã được cấp mã vùng trồng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Đây là HTX có diện tích được cấp mã số vùng trồng xuất khẩu lớn nhất tỉnh, trong đó chủ yếu là giống Dona.
Không dừng lại ở đó, sự sáp nhập giữa Đồng Nai và Bình Phước sẽ tạo cơ hội lớn để nâng cao diện tích sầu riêng được cấp mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói. Các HTX ở cả hai địa phương có thể học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau, đặc biệt là từ những mô hình HTX tiên phong trong xuất khẩu như HTX Long Phú (Bình Phước cũ) - một trong những đơn vị được ngành nông nghiệp chọn làm "đầu tàu" dẫn dắt sầu riêng Bình Phước xuất khẩu sang Trung Quốc. Nhờ sớm thay đổi tư duy sang canh tác hữu cơ và ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, HTX đã nhanh chóng được cấp mã số vùng trồng từ ngay sau khi nghị định thư được ký kết.
Một mô hình kinh tế tập thể khác là HTX Bàu Nghé (Bình Phước cũ) cũng là đơn vị vừa có mã số kép về vùng trồng và cơ sở đóng gói để xuất sầu riêng thẳng đi Trung Quốc. HTX Bầu Nghé đã đầu tư nhà máy cấp đông hiện đại, ứng dụng công nghệ cấp đông bằng khí nitơ lạnh nhập khẩu từ châu Âu. Phương thức cấp đông nguyên trái và tách múi giúp giữ nguyên hương vị, bảo quản lâu dài và giải quyết hiệu quả vấn đề hàng chín rộ, tránh tình trạng "dội chợ".
Những mô hình HTX thành công này không chỉ giúp nông dân chủ động giải quyết đầu ra cho nông sản, mà còn góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, tạo ra những tỷ phú nông dân ngay trên chính mảnh đất của mình. Điều quan trọng hơn, các chủ trang trại này còn tích cực chia sẻ kinh nghiệm, thành lập các HTX, từng bước hình thành các chuỗi liên kết từ sản xuất đến xuất khẩu sản phẩm.
Đồng nguồn lực, đồng hướng phát triển
Sau sáp nhập, Đồng Nai mới sẽ có lợi thế tổng hòa về diện tích, kinh nghiệm và nguồn lực để phát triển mô hình HTX trồng sầu riêng hàng hóa quy mô lớn. Việc quy hoạch các vùng trồng sầu riêng tập trung, có định hướng xuất khẩu, đồng thời đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất sẽ là trọng tâm thúc đẩy ngành hàng này.
Sầu riêng ở Đồng Nai và Bình Phước (cũ) được đánh giá cao về chất lượng.
Thời gian qua, các ngành chức năng và Liên minh HTX Đồng Nai (cũ), Liên minh HTX tỉnh Bình Phước (cũ), đã tích cực hỗ trợ HTX trong việc liên kết với các đơn vị cung cấp vật tư nông nghiệp (phân bón, thuốc bảo vệ thực vật) để giảm chi phí sản xuất cho thành viên, nông dân trồng sầu riêng. Các HTX cũng đóng vai trò quan trọng trong việc tìm kiếm và giới thiệu các đối tác thu mua, giúp nông dân tiêu thụ sản phẩm với giá tốt, tăng thu nhập.
Tiêu biểu như HTX Nông nghiệp Tân Phú (Đồng Nai) đã được phê duyệt dự án hỗ trợ theo chính sách khuyến khích phát triển hợp tác liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, liên kết với các công ty xuất nhập khẩu để tổ chức sản xuất và tiêu thụ sầu riêng tươi.
Việc thị trường Trung Quốc ngày càng siết chặt các quy định về kiểm dịch thực vật và yêu cầu truy xuất nguồn gốc đã thúc đẩy các HTX phải hoàn thiện quy trình sản xuất, kiểm soát chất lượng từ vườn trồng đến khâu đóng gói. Điều này cho thấy vai trò của HTX ngày càng quan trọng, giúp nông dân tuân thủ các rào cản kỹ thuật và pháp lý để sầu riêng có thể xuất khẩu bền vững.
Cuộc sống ấm no từ sầu riêng
Để tiếp tục phát triển cây trồng có giá trị kinh tế cao và tiềm năng xuất khẩu lớn như sầu riêng, các cơ quan chức năng của tỉnh cần tiếp tục hỗ trợ nông dân, HTX trong việc tiếp cận các tiêu chuẩn canh tác quốc tế như GlobalGAP, VietGAP, đồng thời đơn giản hóa quy trình và giảm chi phí cấp mã số vùng trồng. Việc thiết lập các trung tâm tư vấn, đào tạo kỹ thuật chuyên sâu về canh tác sầu riêng chất lượng cao, an toàn thực phẩm cũng là cần thiết.
Ngoài ra, việc đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, không chỉ tập trung vào Trung Quốc mà còn mở rộng sang các thị trường tiềm năng khác như Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu, Mỹ, cũng là một chiến lược quan trọng để đảm bảo đầu ra ổn định cho sầu riêng.
Theo tính toán sơ bộ, sầu riêng mang lại thu nhập cao hơn nhiều so với các loại cây truyền thống dài ngày như điều, cà phê, tiêu. Ví dụ, ở một số vùng khi trồng điều chỉ mang lại khoảng 35-40 triệu đồng/ha thì sầu riêng có thể đạt hàng trăm triệu đồng đến 1 tỷ đồng/ha (nếu chất lượng đảm bảo và đầu ra thuận lợi).
Ông Nguyễn Văn Hạnh (xã Phú Lợi, huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai cũ) có lợi nhuận thu về khoảng 900 triệu đồng/hécta vào năm 2024 nhờ trồng sầu riêng.
Anh Trần Hoài Thơ (xã Nhân Nghĩa, huyện Cẩm Mỹ, Đồng Nai cũ) có 4ha sầu riêng đang cho thu hoạch, mỗi năm gia đình thu về khoảng gần 2 tỷ đồng từ sầu riêng.
Đây là những minh chứng sống động cho việc chú trọng đầu tư vào cây sầu riêng. Đặc biệt, việc nhiều HTX, doanh nghiệp trồng sầu riêng Đồng Nai và Bình Phước (cũ) được cấp mã số vùng trồng và xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc đã giúp đầu ra ổn định hơn, giảm thiểu tình trạng ép giá của thương lái, từ đó đảm bảo thu nhập cao cho người dân.
Dù có thời điểm giá sầu riêng ở miền Tây giảm sâu, sầu riêng Đồng Nai vẫn giữ được giá tốt, đặc biệt là các giống chất lượng cao như Dona, được thương lái mua với giá cao hơn khoảng 20 ngàn đồng/kg so với sầu riêng Ri6.
Nhờ trồng sầu riêng, nhiều nông dân, thành viên HTX ở Đồng Nai và Bình Phước (cũ) đã xây dựng được nhà cửa khang trang, mua sắm xe ô tô, có cuộc sống sung túc, thậm chí không còn hộ nghèo ở một số khu vực chuyên canh sầu riêng.
Với kinh nghiệm của nông dân, mô hình HTX trồng sầu riêng hàng hóa quy mô lớn để xuất khẩu tại Đồng Nai (mới) hứa hẹn sẽ mang lại những thành quả rực rỡ. Không chỉ là cây "xóa đói, giảm nghèo", sầu riêng đang dần trở thành cây "làm giàu", góp phần đưa ngành nông nghiệp của tỉnh mới phát triển bền vững, nâng cao vị thế nông sản Việt Nam trên bản đồ nông sản thế giới.
Tùng Lâm
Nguồn Vnbusiness : https://vnbusiness.vn//mo-hinh/vung-sau-rieng-chat-luong-nang-tam-cuoc-song-nguoi-dan-1107941.html