Vùng Tây Bắc Việt Nam có gần 30 tấn vàng, khai thác thế nào?

Vùng Tây Bắc Việt Nam có gần 30 tấn vàng, khai thác thế nào?
một ngày trướcBài gốc
40 mỏ vàng phân bố ở những tỉnh nào?
Mới đây, Bộ Nông nghiệp và Môi trường công bố kết quả "Đề án điều tra tổng thể về khoáng sản và hoàn thiện nền bản đồ địa chất tỉ lệ 1/50.000 vùng Tây Bắc phục vụ quy hoạch phát triển bền vững kinh tế xã hội (Đề án Tây Bắc)".
Sau gần 8 năm triển khai, Đề án Tây Bắc đã hoàn thành bản đồ địa chất - khoáng sản tỉ lệ 1:50.000 trên 13.381 km, bao phủ vùng Tây Bắc; phát hiện 110 mỏ khoáng sản thuộc 25 loại khoáng sản quý, quan trọng.
Việt Nam có trữ lượng khoáng sản vàng rất lớn.
Trong số các mỏ khoáng sản kim loại, có tới 40 mỏ vàng với tổng tài nguyên cấp 333 xác định được hơn 29,8 tấn vàng.
Trong 40 mỏ vàng trên, có 14 mỏ trung bình, 26 mỏ nhỏ, phân bổ tại các tỉnh: Điện Biên (1), Lai Châu (5), Hà Giang (Yên Bái) (2), Cao Bằng (3), Tuyên Quang (8), Lạng Sơn (3), Bắc Kạn (8), Sơn La (2), Thanh Hóa (4), Nghệ An (4). Tổng tài nguyên cấp 333 xác định được hơn 29,9 tấn vàng. Khoáng sản đi kèm có bạc, đồng, antimon.
Cùng với đó, tại mỏ đồng ở Lùng Thàng (xã Bản Qua và Quang Kim, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai), khoáng sản đi kèm có vàng. Đã xác định được tài nguyên cấp 333 khoảng hơn 420 kg vàng.
Đề án cũng đã xây dựng cơ sở dữ liệu địa chất - khoáng sản hiện đại, cho phép tra cứu, quản lý và chia sẻ thông tin nhanh chóng, minh bạch, phục vụ hiệu quả về quy hoạch và khai thác tài nguyên khoáng sản tại các địa phương; khoanh định 7 khu vực khoáng sản ẩn sâu và dự báo nhiều khu vực tiềm năng để tiếp tục điều tra, đánh giá trong giai đoạn tới.
Ông Trần Bình Trọng, Cục trưởng Cục Địa chất và Khoáng sản cho biết năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án Tây Bắc. Đây là một trong những đề án điều tra địa chất cơ bản lớn nhất cả nước, có quy mô rộng, đối tượng đa dạng, thời gian thực hiện kéo dài gần 8 năm.
Kết thúc vào năm 2024, Đề án Tây Bắc đã hoàn thành toàn bộ khối lượng được giao. Nổi bật là các đơn vị thực hiện Đề án đã lập bản đồ địa chất khoáng sản tỉ lệ 1:50.000 trên 13.081 km²; thực hiện 498 lỗ khoan với tổng chiều sâu hơn 46.000 m, trong đó 90% lỗ khoan gặp thân quặng - một tỉ lệ rất cao.
Quy trình khai thác và sản xuất vàng
Theo GS.TS Phan Trường Thị, Viện Đá quý, vàng và trang sức Việt, dù là khu vực có nhiều mỏ vàng nhất nhưng mỏ vàng lớn nhất Việt Nam lại không nằm ở khu vực miền núi phía Bắc. Cụ thể, mỏ Bồng Miêu và Phước Sơn (Quảng Nam) được đánh giá là hai trong số những mỏ có trữ lượng vàng lớn (tổng khoảng 20 tấn). Trong đó, mỏ vàng Bồng Miêu là mỏ vàng có trữ lượng lớn nhất cả nước.
Ở vùng núi phía Bắc, vùng có biểu hiện khoáng hóa vàng khá tập trung ở quanh Đồi Bù (Hòa Bình) như Cao Răm, Da Bạc, Kim Bôi... với tổng trữ lượng khoảng 10 tấn. Theo đánh giá của Bộ Công nghiệp trước đây, đây là vùng vàng có triển vọng cần được đầu tư khảo sát, thăm dò, khai thác, tuyển, chế biến và hình thành khu công nghiệp vàng song đến nay chưa có nghiên cứu tiếp theo.
Vùng Thái Nguyên - Bắc Kạn - Cao Bằng, bao gồm các mỏ Pắc Lạng, Khau Âu (Bắc Kạn), mỏ Bồ Cu (Thái Nguyên) và Nam Quang (Cao Bằng). Trong đó, mỏ vàng Pắc Lạng đã được công ty BRGM (Pháp) dự báo có 30 tấn, mỏ vàng Bồ Cu đã được đánh giá ở phần nông có trữ lượng 1.700 kg.
Vùng Nà Pái (Lạng Sơn) có diện tích phân bổ rộng nhưng hàm lượng nghèo. Toàn vùng dự báo có đến 30 tấn vàng, trong đó khu vực trung tâm Nà Pái tuy đánh giá trữ lượng 3,3 tấn vàng nhưng chưa có khả năng khai thác vì vàng ở đây hạt nhỏ, công nghệ thu hồi phức tạp.
Theo chuyên gia, có 2 phương pháp khai thác vàng. Phương pháp hiện đại khai thác vàng của một số công ty đầu tư tại Việt Nam được tiến hành như sau. Đầu tiên, là trang bị dụng cụ bảo hộ, thiết bị máy móc đảm bảo an toàn cho công nhân cũng như người khai thác.
Sau đó, sau khi đi vào trong hầm, người ta sẽ dùng mìn hoặc các loại máy khoan để tiến hành xử lý quặng. Các quặng này được cho lên xe và vận chuyển về nhà máy tuyển quặng. Vàng sẽ được nghiền và loại bỏ tạp chất thông qua quá trình tuyển nổi, hấp thụ bằng hạt nhựa auric hoặc ngâm chiết.
Phương pháp thủ công là tại một số nơi người ta sẽ khai thác bằng hình thức đãi vàng. Đây là phương pháp thủ công. Được thực hiện bằng các dụng cụ thô sơ như mâm, chảo, gầu, cuốc, xẻng, mâm… Mâm đãi vàng có chiều dài tầm 70cm, được cắt từ phần đáy hoặc nắp thùng phi,…
Sau khi chế tạo ra mâm đãi hình nón, người khai thác sẽ múc một lượng hỗn hợp đất bùn và cát. Trong đó có lẫn khoáng vàng và nhiều tạp chất. Để loại bỏ thành phần tạp chất này, người ta bắt đầu nghiêng mâm cho nước gạt vào. Dùng tay làm rời đất, bùn, rồi vứt bỏ đi bớt đá, sỏi. Còn về phần bùn đất còn sót sẽ được gạt xuống bằng hình thức xoay nón liên tục theo hai hướng đối lập của kim đồng hồ. Làm liên tục cho đến khi đất hoàn toàn được gạt sạch. Khi đó, vàng và một số khoáng vật nặng hơn sẽ nằm gọn trên mâm. Thao tác đơn giản còn lại chỉ là tách riêng chúng ra như quá trình đãi gạo thông thường.
Chuyên gia cho biết, quy trình sản xuất vàng miếng, thỏi. Vàng sau khi được khai thác, loại bỏ tạp chất và xử lý, sẽ được làm chảy, tạo thành dung dịch. Thành phần chế tạo vàng miếng, thỏi có thể là vàng trang sức được tập hợp lại. Thông qua tác động của nhiệt độ cao, vàng sẽ bắt đầu tồn tại dưới dạng hạt. Tiếp tục nung cho đến khi hỗn hợp hoàn toàn chuyển đổi sang thể lỏng. Rót dung dịch vào khuôn và thực hiện các bước xử lý. Như đóng dấu, in tên nhà sản xuất, tên thương hiệu, trọng lượng vàng,…
Tô Hội
Nguồn SK&ĐS : https://suckhoedoisong.vn/vung-tay-bac-viet-nam-co-gan-30-tan-vang-khai-thac-the-nao-169250401062730778.htm