Vững tin bước vào kỷ nguyên mới dưới sự lãnh đạo của Đảng

Vững tin bước vào kỷ nguyên mới dưới sự lãnh đạo của Đảng
4 giờ trướcBài gốc
Sự đồng thuận xã hội không đến từ những lời hô hào, mà được xây dựng từng bước qua quá trình lãnh đạo sát sao, tổ chức bài bản và đối thoại chân thành giữa Đảng với Nhân dân. Câu chuyện Bình Thuận triển khai sắp xếp các đơn vị hành chính là minh chứng cho một cuộc cải cách hành chính không áp đặt, không hình thức, mà bắt đầu từ sự chủ động chính trị và niềm tin xã hội được xây dựng từ cơ sở.
Bí thư Chi bộ mang ý Đảng đến với dân
Giữa những ngày tháng 4 rực nắng, ông Hồ Tá Vũ – Bí thư Chi bộ thôn Thuận Cường, xã Thuận Quý, huyện Hàm Thuận Nam vẫn đều đặn gõ cửa từng nhà trong thôn. Trong chiếc túi vải cũ là xấp tài liệu tuyên truyền về phương án sáp nhập đơn vị hành chính và một cuốn sổ tay dày kín chữ – nơi ông ghi chép cẩn thận từng câu hỏi, từng nỗi lo, từng băn khoăn nhỏ nhất của bà con. “Không ai sợ đổi tên xã. Dân chỉ lo đổi cách sống, đổi thói quen, rồi không biết có ai bị gạt ra bên lề không”, ông Vũ nói rồi cười nhẹ. Nhưng ông không né tránh. Ông đến nhà dân không chỉ để tuyên truyền, mà để lắng nghe, để giải thích rõ từng điểm thay đổi, từng chính sách còn nguyên, từng quyền lợi được giữ. “Chi bộ không đứng ngoài chuyện này đâu. Chúng tôi là Đảng ở trong dân, không để ai phải hoang mang cả”. Có cụ già hỏi đi hỏi lại chuyện đất nghĩa trang. Có phụ huynh lo lắng về trường lớp sau sáp nhập. Ông Vũ nhẫn nại, đi đến lần thứ hai, thứ ba – không để thuyết phục, mà để người dân hiểu và yên tâm. Và rồi từng lá phiếu đồng thuận được thu lại sau những buổi trò chuyện chân thành như thế. “Ban đầu tôi cũng hoài nghi nhưng cán bộ Đảng mình nói có lý, làm có tình nên tôi tin”, một người dân trong thôn nói.
Ông Hồ Tá Vũ – Bí thư Chi bộ thôn Thuận Cường, xã Thuận Quý, huyện Hàm Thuận Nam (thứ 2 từ phải qua) đang trao đổi với người dân về câu chuyện sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã.
Câu chuyện nhỏ ở Thuận Quý không phải là chuyện riêng của một thôn, một xã. Ở vùng biển Bình Thuận, vùng cao Lâm Đồng hay dải đất bazan của Đắk Nông, vẫn có hàng trăm bí thư chi bộ, đảng viên cơ sở như ông Vũ lặng lẽ gánh vác trách nhiệm nặng nề nhưng rất đỗi gần gũi: Gắn ý Đảng với lòng dân. Và cũng từ những cuộc đối thoại bền bỉ ấy, sự đồng thuận không ồn ào nhưng vững chắc đã hình thành – để một cuộc cải cách hành chính quy mô lớn không bắt đầu bằng khẩu hiệu, mà bằng niềm tin.
Không khí ban đầu khi lấy ý kiến cử tri về phương án sáp nhập xã không phải lúc nào cũng thuận lợi. Có người lo mất tên xã cũ, có người sợ thay đổi giấy tờ, xáo trộn sinh hoạt. Nhưng chính sự chủ động, minh bạch trong cách làm đã khiến những nghi ngại ấy dần tan biến. Tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa, đảng viên đến tận nơi để giải thích rõ ràng. Những người như cô giáo Nguyễn Thị Hằng (phường Tân An, thị xã La Gi) còn phối hợp với chính quyền phường để thông tin đến phụ huynh ngay trong các buổi họp lớp, tránh tâm lý lo lắng lan truyền không kiểm soát. Nhờ đó, lòng dân bắt đầu gật đầu không phải nhờ sự áp đặt, mà bằng sự thuyết phục. Sự đồng thuận đó vừa đủ, đúng thời điểm chính là điều kiện then chốt để tiến trình sáp nhập diễn ra trong yên ổn, được người dân Bình Thuận đón nhận một cách tích cực.
Đại biểu HĐND tỉnh (khóa XI), nhiệm kỳ 2021 - 2026 biểu quyết thông qua chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh và cấp xã.
Tổ chức lại bộ máy – bắt đầu từ dân, vì dân
Với phương châm “chủ động từ tư duy đến hành động”, ngay sau khi Trung ương ban hành Kết luận số 127, Kết luận 128 và các chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Nội vụ, Tỉnh ủy Bình Thuận đã nhanh chóng cụ thể hóa thành hành động. Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Kế hoạch số 317 ngày 28/3/2025, thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, tổ giúp việc, phân công rõ nhiệm vụ cho từng thành viên. Một loạt văn bản được ban hành khẩn trương, thống nhất, từ cấp tỉnh đến từng xã, phường. Tiếp đó, từ ngày 18 - 20/4/2025, toàn tỉnh Bình Thuận tổ chức lấy ý kiến cử tri đại diện hộ gia đình về phương án sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh và cấp xã. Với tinh thần nghiêm túc, công khai và cầu thị, cuộc lấy ý kiến đã thu hút sự tham gia rộng rãi và trách nhiệm của người dân. Kết quả, hơn 98% cử tri đồng thuận với cả 2 đề án: Sắp xếp lại các đơn vị hành chính cấp xã và hợp nhất tỉnh Bình Thuận, Lâm Đồng, Đắk Nông. Cùng với sự thống nhất cao từ HĐND các cấp đã cho thấy niềm tin và sự ủng hộ của toàn dân đối với định hướng tổ chức lại đơn vị hành chính cấp xã và cấp tỉnh trên địa bàn tỉnh.
Tuy vậy, không khí những ngày đầu triển khai còn không ít băn khoăn. Người dân lo lắng liệu việc sáp nhập có làm xáo trộn đời sống sinh hoạt, ảnh hưởng đến trường lớp, y tế, chính sách an sinh hay không. Nhưng khác với cách làm hành chính khô cứng, hệ thống chính trị Bình Thuận đã lựa chọn cách tiếp cận từ lòng dân – bắt đầu từ sự thấu hiểu, đối thoại và đồng hành. Từng hộ dân được tiếp xúc trực tiếp; từng thắc mắc, dù nhỏ nhất, đều được cán bộ giải thích tận tình. Ở những xã vùng cao, nơi đảo xa Phú Quý hay các khu phố đông đúc tại La Gi, cán bộ cơ sở không chỉ là người truyền tải chủ trương, mà còn là cầu nối giữa chính sách và người dân – không tuyên truyền một chiều, mà thực sự đối thoại, lắng nghe và chia sẻ. Chính cách làm minh bạch, đầy trách nhiệm ấy đã dần chuyển hóa sự hoài nghi ban đầu thành niềm tin. Người dân không chỉ lắng nghe mà còn bắt đầu chủ động đặt câu hỏi, bày tỏ suy nghĩ, và sau cùng – tự tin đồng thuận. Như bà Đồng Thị Phiến (xã sáp nhập thuộc huyện Hàm Thuận Nam) chia sẻ: “Không ai ép mình. Nhưng cán bộ đến tận nơi, nói đúng cái được – cái mất – cái lo của dân, nên mình tin”.
Không chỉ lắng nghe dân, Đảng bộ tỉnh còn chủ động tổ chức đồng bộ toàn bộ quy trình sắp xếp: Xây dựng mô hình chính quyền 2 cấp, rà soát bộ máy, chuẩn bị phương án nhân sự, tổ chức lấy ý kiến cử tri đúng quy định, hoàn thiện hồ sơ trình Chính phủ đúng thời hạn. Mỗi bước đi đều thể hiện rõ dấu ấn lãnh đạo của cấp ủy Đảng – không chỉ điều hành trên văn bản, mà trực tiếp dẫn dắt, tổ chức, giám sát đến tận cơ sở. Sáp nhập đơn vị hành chính không đơn thuần là cắt – gộp địa giới. Đó là một quá trình tái cấu trúc toàn diện hệ thống chính trị, tổ chức lại bộ máy để phục vụ dân tốt hơn. Tỉnh ủy Bình Thuận quán triệt tinh thần chỉ đạo xuyên suốt: Phải bảo đảm nguyên tắc Đảng lãnh đạo toàn diện, công tác cán bộ phải thống nhất – công tâm – minh bạch – đúng quy trình. Từ việc rà soát cán bộ, bố trí nhân sự, giải quyết chế độ cho người nghỉ việc, đến việc giữ ổn định tâm lý trong đội ngũ – tất cả đều được thực hiện theo lộ trình, kỹ lưỡng, có tham vấn chính trị đầy đủ. Nhiều cán bộ tự nguyện rút lui để tạo điều kiện sắp xếp mới – một biểu hiện của tinh thần trách nhiệm cao với tổ chức và lợi ích chung.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình đã khẳng định rõ trong buổi làm việc tại Bình Thuận vào trung tuần tháng 4: “Sắp xếp tổ chức bộ máy không chỉ là hợp nhất cơ học, mà phải gắn với tổ chức lại mô hình chính quyền 2 cấp, tinh gọn, hiệu quả và hoạt động thông suốt”. Bình Thuận đã thể hiện đúng tinh thần đó: Đổi mới nhưng không xáo trộn, cải cách nhưng không mất ổn định, tái cấu trúc nhưng giữ được sự đồng thuận. Từ lòng dân đồng thuận, một hành trình mới đang mở ra. Một kỷ nguyên phát triển đang thành hình – bắt đầu không phải từ mệnh lệnh, mà từ sự thống nhất giữa ý Đảng và lòng dân.
“Từ lòng dân đồng thuận, một hành trình mới đang mở ra. Một kỷ nguyên phát triển đang thành hình – bắt đầu không phải từ mệnh lệnh, mà từ sự thống nhất giữa ý Đảng và lòng dân”.
Bài 1: Định hình tầm nhìn – Ánh sáng từ tư tưởng chỉ đạo của Đảng
Bài 2: Bình Thuận vững tin bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
THU HÀ
Nguồn Bình Thuận : https://baobinhthuan.com.vn/vung-tin-buoc-vao-ky-nguyen-moi-duoi-su-lanh-dao-cua-dang-130395.html