'Vùng trời quê hương nào cũng là bầu trời Tổ quốc': Những bài viết 9,5 điểm chinh phục trái tim giám khảo

'Vùng trời quê hương nào cũng là bầu trời Tổ quốc': Những bài viết 9,5 điểm chinh phục trái tim giám khảo
5 giờ trướcBài gốc
>
Nguyễn Quỳnh Trang: Dẫn chứng thời sự và “không học tủ” để đi đến điểm 9,5
Với điểm số 9,5 môn Ngữ văn, Nguyễn Quỳnh Trang (đạt thêm 9,5 Địa và 8,5 Sử) không giấu nổi niềm hạnh phúc. Điều đặc biệt, cô gái này từng đạt 9,5 môn Văn ở kỳ thi THCS, và giờ tiếp tục lập lại thành tích ấy ở kỳ thi THPT, như một sự khẳng định chắc chắn về phong độ.
Trang cho biết mình không phải học sinh giỏi Văn từ đầu, điểm kiểm tra trên lớp chưa từng đạt 9,5, nhưng em học theo đúng tinh thần “tư duy – hiểu đề – không học tủ”. Em đặc biệt chú trọng việc học cách làm bài, nắm chắc phương pháp, hiểu sâu bản chất đề thi thay vì sao chép dẫn chứng mẫu.
Điểm đặc biệt trong bài thi của Trang là phần Nghị luận xã hội, khi em khéo léo dẫn lời Tổng Bí thư Tô Lâm và kết nối với các vấn đề thời sự của đất nước. Sự linh hoạt, sắc bén trong xử lý dẫn chứng giúp bài viết trở nên thuyết phục và thể hiện khả năng tư duy độc lập của người viết.
“Em học Văn bằng tư duy, không học mẫu. Em phân tích kỹ đề bài, chọn dẫn chứng thời sự, phù hợp với vấn đề và hướng phát triển. Em muốn bài viết vừa chặt chẽ vừa có cảm xúc thật,” Trang chia sẻ.
Trang dự định theo học ngành Sư phạm Văn – Sử – Địa tại HNUE hoặc TNUE, bởi em yêu thích nghề giáo và mong muốn lan tỏa đam mê học tập đến các thế hệ học sinh sau.
Trần Thị Vân Khanh: Điểm 9,5 từ bài làm nghiêm túc và đúng trọng tâm
“Em rất bất ngờ và xúc động khi thấy điểm Văn 9,5 hiện lên. Em chỉ kỳ vọng trên 9 điểm thôi, vì điểm thi thử cao nhất trước đó cũng chỉ là 9,25.” – Trần Thị Vân Khanh (xét tuyển khối C với các môn Văn, Sử, Anh) chia sẻ.
Với đề thi năm nay, Khanh đánh giá cao cách ra đề đổi mới, khuyến khích tư duy độc lập và đẩy lùi tình trạng học tủ. Trong bài làm, em tâm đắc nhất phần Nghị luận xã hội, khi được bày tỏ quan điểm cá nhân về sự gắn bó với quê hương và tổ quốc – chủ đề gần gũi nhưng dễ tạo nên chiều sâu cảm xúc.
“Em luyện viết bằng sơ đồ tư duy, chú trọng kỹ năng đọc hiểu, chọn dẫn chứng thời sự và viết đúng trọng tâm. Em không học tủ mà học cách phản biện vấn đề,” Khanh chia sẻ.
Cách làm bài của Khanh tuy không quá mới lạ nhưng cực kỳ hiệu quả: đọc trước câu hỏi đọc hiểu, gạch từ khóa, rồi quay lại văn bản, làm lần lượt các phần từ đọc hiểu – nghị luận văn học – nghị luận xã hội. Với từng phần, em xác định rõ luận điểm, chọn dẫn chứng phù hợp và mang tính thời sự để bài viết vừa đúng, vừa sống động.
Khanh hiện muốn theo học ngành Marketing, một lựa chọn có phần bất ngờ nhưng phù hợp với tính cách năng động, sáng tạo của em. Người truyền cảm hứng lớn nhất cho em là cô giáo dạy Văn trên lớp và chị Phạm Thanh Tâm – giáo viên trẻ có phong cách giảng dạy hiện đại, gần gũi.
Hoàng Hà My – 9,5 điểm: “Viết Văn là giữ trọn cảm xúc và sự tỉnh táo”
Hoàng Hà My đạt 9,5 điểm Ngữ văn, thêm 9,5 điểm Địa và 7,5 điểm Toán. Em không dò đáp án, mà “đánh cược vào may mắn” trong khoảnh khắc công bố điểm – và kết quả khiến em vỡ òa.
“Vùng trời quê hương nào cũng là bầu trời Tổ quốc” – với Hà My, là lời nhắc về trách nhiệm chung của mọi người dân, ở mọi miền đất nước. Em chọn cách viết đầy cảm xúc về những người sống tử tế trong cộng đồng – từ những người công nhân dọn vệ sinh đô thị, nhóm thiện nguyện, đến các bạn trẻ bảo vệ di sản.
Bài viết được đầu tư kỹ lưỡng về cấu trúc. Mở bài và kết luận của em lồng ghép trích dẫn của nhà phê bình Hoài Thanh: “Văn chương gây cho ta những tình cảm ta không có, luyện cho ta những tình cảm ta sẵn có”, tạo ra sự cộng hưởng ý nghĩa với đề bài.
Hà My sử dụng nhiều nhận định văn học, dẫn chứng đời sống để thuyết phục được giám khảo
“Em chú trọng phần đọc hiểu, lập dàn ý thật kỹ để không rơi ý, và luôn viết bằng cảm xúc thật. Em nghĩ người chấm sẽ nhận ra điều đó,” Hà My nói. Dự định theo ngành Sư phạm Ngữ văn, em hy vọng sẽ là một giáo viên mang lại yêu thương và cảm hứng học tập cho học trò – như cách thầy cô đã làm với mình.
Nguyễn Diệu Nhi – 9,25 điểm: Viết chặt chẽ từ một trái tim yêu Văn
Đạt 9,25 điểm Ngữ văn và tổng 27,5 điểm khối C00, Nguyễn Diệu Nhi cho biết kết quả này là “nước mắt đã nở hoa”. Dù chưa chạm mốc 9,75 như mong đợi, em vẫn rất hài lòng vì đã viết hết mình.
Với đề thi năm nay, Diệu Nhi tiếp cận vấn đề theo hướng: mỗi vùng đất đều là một phần không thể thiếu trong hình hài đất nước – và giá trị của một người không nằm ở nơi họ sinh ra, mà ở cách họ đóng góp. Em lập dàn ý nhanh, chọn ngôn ngữ mượt mà, viết theo logic và sử dụng các luận điểm vững chắc.
“Đề mở nhưng không dễ – nó buộc em phải nhìn nhận Tổ quốc bằng một trái tim công bằng và bao dung với mọi miền quê hương” Diệu Nhi chia sẻ
“Em đọc nhiều sách để tăng vốn từ, tổng hợp kiến thức theo dạng bài, luyện cảm xúc qua lý luận văn học. Em nghĩ điều chinh phục giám khảo là sự hiểu vấn đề và sự chỉn chu trong từng đoạn văn,” Nhi chia sẻ.
Dự định theo ngành Sư phạm Lịch sử của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Diệu Nhi mong được tiếp tục hành trình kể chuyện về lịch sử Việt Nam – theo cách sống động và gần gũi với thế hệ trẻ.
Hoàng Nguyễn Diệu Thương: Từ cảm xúc chân thành đến điểm 9 Văn ấm áp
“Em không bắt đầu bằng những bài học mẫu, mà bằng chính sự rung động trước từng đoạn thơ, từng câu văn” – Hoàng Nguyễn Diệu Thương (THPT Chu Văn An, Gia Lai) xúc động chia sẻ khi nhắc lại hành trình chinh phục điểm 9 môn Ngữ văn.
Phương pháp của Thương là “viết bằng trái tim”: ghi chép lại những câu truyền cảm hứng vào sổ tay nhỏ, nghe podcast, tham khảo bài viết của các học sinh giỏi để nâng tầm văn phong. Em đặc biệt chú trọng giữ cảm xúc nguyên vẹn trong quá trình làm bài.
Ở phần nghị luận xã hội, Diệu Thương đã trích dẫn một đoạn thư máu của ba liệt sĩ Lê Hoàng Vũ, Nguyễn Chí và Trần Viết Dũng: “Xin cho chúng tôi - gởi đến những người đang sống, sống đúng ý nghĩa của nó, trong một thời đại vinh quang, lời biết ơn sâu sắc vì các bạn đang làm cho cái chết của chúng tôi giữ được đầy đủ ý nghĩa”. Đó là chi tiết làm lay động người chấm, khi văn học kết nối được với hiện thực và tâm hồn.
Diệu Thương mong muốn theo đuổi ngành Sư phạm Tiếng Anh, bởi em yêu nghề giáo và khao khát được thắp sáng tri thức cho thế hệ sau.
Đề thi Ngữ văn năm 2025 thực sự là một gợi mở rộng lớn để học sinh thể hiện tư duy độc lập và cảm xúc cá nhân. Câu hỏi nghị luận xã hội với thông điệp “Vùng trời quê hương nào cũng là bầu trời Tổ quốc” không chỉ mang tính thời sự mà còn đánh trúng vào cảm hứng tuổi trẻ – thế hệ đang đứng trước ngưỡng cửa lựa chọn tương lai, đồng thời gợi nhắc về trách nhiệm, sự gắn bó với nơi mình sinh ra, lớn lên và cống hiến.
Nguồn SVVN : https://svvn.tienphong.vn/vung-troi-que-huong-nao-cung-la-bau-troi-to-quoc-nhung-bai-viet-95-diem-chinh-phuc-trai-tim-giam-khao-post1760753.tpo