Vườn cam, nương chè phủ xanh đất bạc, đồng bào dân tộc thiểu số Hà Giang đang ngày một giàu lên

Vườn cam, nương chè phủ xanh đất bạc, đồng bào dân tộc thiểu số Hà Giang đang ngày một giàu lên
một ngày trướcBài gốc
Những năm qua, huyện Bắc Quang đã triển khai nhiều chương trình và dự án nhằm giảm nghèo bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số, đạt được kết quả tích cực. Ở nhiều địa phương, những ngọn đồi bạc màu giờ được phủ xanh bằng những vườn cam, nương chè, xanh ngát, mang lại thu nhập cao.
Điểm sáng Tiên Kiều
Về xã Tiên Kiều, đến các thôn Giàn Thượng, Giàn Hạ, Kim Thượng, Thượng Cầu... những năm trở lại đây, đâu đâu cũng thấy những vườn cam tươi tốt, trĩu quả và những đồi chè tua tủa búp non vươn lên đón nắng. Người dân địa phương cho hay, cây cam và vườn chè đã, đang làm thay đổi cuộc sống nơi đây.
Điển hình như ở thôn Giàn Thượng, thời gian qua, cam, quýt là cây trồng chủ lực mang lại thu nhập cao cho người dân, đa phần là người dân tộc thiểu số. Hiện, bình quân mỗi hộ dân ở Giàn Thượng có 2,5- 2,7 ha cây ăn quả có múi.
Đồng bào dân tộc thiểu số miền núi huyện Bắc Quang đang liên tục nâng cao hiệu quả sản xuất.
Trước nhu cầu tiêu thụ sản phẩm lớn, thôn Giàn Thượng đã thành lập HTX cam Sành VietGAP để xúc tiến tiêu thụ sản phẩm. Công việc chính của HTX hiện tại là hỗ trợ canh tác, xúc tiến tìm kiếm khách hàng để bán cam cho các hộ sản xuất trong và ngoài địa phương.
Trong các vụ cam, bên cạnh hỗ trợ sản xuất, bao tiêu, HTX sẽ tổ chức cho các hộ liên kết thu hái, đóng bao, dán nhãn tiêu thụ khoảng 1.000- 1.200 tấn cam, mang về trên dưới 10 tỷ đồng.
Bên cạnh cây cam, xã Tiên Kiều còn có thế mạnh về trồng rừng. Sản lượng gỗ rừng trồng được khai thác, chế biến mỗi năm của xã đạt trên dưới 3.000m3. Bình quân, mỗi ha rừng trồng sau 6 - 7 năm cho khai thác 80 – 100m3, thu về mỗi ha rừng ít nhất trên 100 triệu đồng.
Lợi ích lớn nhất từ trồng rừng là đầu tư ít, người nghèo, gia đình khó khăn đều làm được và thu nhập ổn định, bền vững. Phần lớn các gia đình trong xã Tiên Kiều đều đi từ kinh tế rừng mà lên.
Anh Nông Văn Hạc, người dân tộc Tày, thành viên Tổ hợp tác nông - lâm nghiệp thôn Giàn Hạ, cho hay ở Tiên Kiều người dân lấy rừng để nuôi vườn, rồi lại lấy vườn nuôi đàn gia súc. Tại đây, tầng cao nhất trên các ngọn đồi được người dân phủ xanh bằng các loại cây lâm nghiệp.
Những cây lâm nghiệp cho giá trị cao nhất tại Tiên Kiều hiện nay là keo lá tràm, keo tai tượng, bồ đề… luôn phủ xanh các ngọn đồi. Xen giữa keo là các loại cây lấy gỗ lâu năm cho giá trị kinh tế lớn như xà cừ, lát, xoan, de, dổi đua nhau mọc.
“Chúng tôi quan niệm trồng cây gỗ lâu năm là hướng tới mục tiêu lâu dài. Còn cây keo, bồ đề là cây lấy ngắn, nuôi dài. Cho nên, trong xã gần như nhà nào cũng thực hiện mô hình 2 tầng, tầng trên là rừng, dưới rừng là cây ăn quả, cây chè, tạo nguồn thu thường xuyên”, anh Hạc chia sẻ.
Thúc đẩy công nghệ thông tin
Không chỉ hoàn thiện quy trình sản xuất theo hướng hàng hóa, thời gian gần đây, nông dân, HTX ở huyện Bắc Quang đang tích cực ứng dụng khoa học công nghệ và chuyển đổi số vào sản xuất nông nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả và giá trị sản phẩm.
Để các HTX, tổ hợp tác trên địa bàn huyện Bắc Quang có được những thành công như hiện tại, không thể không nhắc đến vai trò hỗ trợ, đồng hành của Liên minh HTX Việt Nam cùng với Liên minh HTX tỉnh Hà Giang.
Cụ thể, nhằm tăng cường kỹ năng quản lý và chuyển đổi số, Liên minh HTX Việt Nam, thông qua Liên minh HTX tỉnh Hà Giang đã tổ chức hàng trăm lớp bồi dưỡng cho cán bộ quản lý HTX. Mỗi năm có 30-50 lượt HTX được tạo điều kiện tham gia các khóa đào tạo về chuyển đổi số trong sản xuất, kinh doanh.
Trước xu hướng chuyển đổi số, Liên minh HTX tỉnh Hà Giang đã thành lập Tổ công tác triển khai chương trình hỗ trợ HTX và tổ hợp tác tham gia Cổng thông tin kết nối cung – cầu do Liên minh HTX Việt Nam xây dựng. Các HTX được tập huấn về cập nhật thông tin sản phẩm, đăng tin mua bán và đăng ký logistics, giúp mở rộng thị trường tiêu thụ thông qua các nền tảng trực tuyến.
Ứng dụng chuyển đổi số là chìa khóa giúp người dân tộc thiểu số miền núi ở Bắc Quang hoàn thiện sản xuất.
Đáng chú ý, vào cuối năm 2024, Liên minh HTX tỉnh Hà Giang đã ký kết chương trình phối hợp với Hội Nông dân và Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh giai đoạn 2024 – 2030. Mục tiêu là đẩy mạnh phát triển kinh tế hợp tác, HTX trong nông nghiệp, hỗ trợ HTX do phụ nữ quản lý và tạo việc làm cho lao động nữ, góp phần nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống cho hội viên…
Có thể nói, những chính sách hỗ trợ, đồng hành của Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX tỉnh Hà Giang đang giúp nông dân, HTX ở Bắc Quang, đặc biệt là HTX, nông dân vùng đồng bào dân tộc miền núi cải thiện phương thức sản xuất, mở rộng thị trường tiêu thụ thông qua các nền tảng thương mại điện tử.
Điển hình, cách đây hơn 3 năm, được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương và các chuyên gia, gia đình anh Nông Văn Phong, dân tộc Tày, ở xã Tiên Kiều đã thực hiện mô hình vườn cam mẫu với diện tích 5 ha, với số lượng hơn 3.000 cây.
Thêm điểm tựa hỗ trợ
Để được công nhận là vườn cam mẫu, phải đáp ứng những tiêu chí khắt khe như xây dựng hệ thống giao thông nội vườn, hệ thống tưới; chăm sóc theo hướng hữu cơ, thân thiện với môi trường… Cùng với đó là ứng dụng chuyển đổi số thông qua nhật ký điện tử, cập nhật quá trình trồng, chăm sóc cam, bán sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử và quảng bá hình ảnh cam sành bằng ứng dụng internet, mạng xã hội...
“Chỉ với một chiếc điện thoại thông minh có kết nối internet, chúng tôi có thể gặp gỡ, trao đổi với các chuyên gia nông nghiệp về những vấn đề mà vườn cam của mình đang gặp phải”, anh Phong chia sẻ.
Tương tự, tại xã Tân Quang, nhiều nông dân và tiểu thương đã sử dụng các nền tảng thương mại điện tử và mạng xã hội để kinh doanh, mở rộng đối tượng khách hàng.
Chẳng hạn, cơ sở sản xuất bánh chưng gù và bánh gio của chị Nguyễn Thị Kim Duyên đã tận dụng các nền tảng như Facebook, Tiktok, Shopee, Lazada để quảng bá và bán sản phẩm. Nhờ đó, sản lượng sản xuất tăng từ vài trăm lên hàng nghìn chiếc mỗi ngày, đặc biệt trong các dịp lễ, tết có thể đạt trên 10.000 chiếc, được tiêu thụ khắp cả nước và xuất khẩu sang Lào, Campuchia, Thái Lan.
Thực tế, những năm qua, xác định nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, huyện Bắc Quang đã thúc đẩy chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin và phát triển “tam nông”.
Với những chiến lược phát triển đúng hướng, huyện Bắc Quang hiện có 4 vùng trồng trọt sản xuất hàng hóa quy mô lớn. Đi đầu là vùng sản xuất chuyên cam quy mô hơn 4.000 ha, sản lượng đạt 40.000 tấn/năm, sau đó là vùng sản xuất chè trên 5.000 ha, sản lượng chè búp tươi đạt 25.000 tấn/năm.
Bên cạnh đó là vùng sản xuất lạc hàng hóa 2.000 ha, sản lượng đạt 6.300 tấn/năm; vùng trồng rừng kinh tế tập trung với tổng diện tích gần 3.500 ha, cung cấp cho thị trường trên 40.000 m3 gỗ/năm, trữ lượng đạt trên 80 m3/ha.
Trong các vùng sản xuất quy mô lớn, nhiều mô hình nông nghiệp năng suất cao, chất lượng tốt đã ra đời, góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng và thay đổi tập quán canh tác sản xuất nhỏ lẻ, hình thành vùng sản xuất chuyên canh, phục vụ nhu cầu thị trường.
Đông Phong
Nguồn Vnbusiness : https://vnbusiness.vn//business-cooperative/vuon-cam-nuong-che-phu-xanh-dat-bac-dong-bao-dan-toc-thieu-so-ha-giang-dang-ngay-mot-giau-len-1105812.html