Vườn Cau Đỏ - Biểu tượng của ý chí kiên cường, bất khuất

Vườn Cau Đỏ - Biểu tượng của ý chí kiên cường, bất khuất
7 giờ trướcBài gốc
Trong không khí cả nước tưng bừng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025), Khu tưởng niệm Vườn Cau Đỏ cũng trở nên nhộn nhịp bởi các đoàn khách trong và ngoài nước. Những người cựu chiến binh về thăm chiến trường xưa, các đoàn học sinh đến tưởng nhớ tri sự hy sinh của cha ông đi trước và du khách nước ngoài thì tìm đến đây để hiểu thêm về truyền thống kiên cường bất khuất của một dân tộc anh hùng.
Khu tưởng niệm Vườn Cau Đỏ khánh thành vào năm 2010 tại phường Thạnh Xuân, Quận 12, là công trình được xây dựng nhằm tưởng nhớ công lao và tinh thần chiến đấu kiên cường của bộ đội và nhân dân nơi đây, khánh thành đúng dịp 2 phường Thạnh Lộc và Thạnh Xuân được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Khu tưởng niệm Vườn Cau Đỏ. Ảnh: UBND Quận 12
Theo thông tin từ UBND Quận 12, trong 2 cuộc kháng chiến cứu nước, địa danh Vườn Cau Đỏ bao quanh là các xã Nhị Bình, Quới Xuân, Thạnh Lộc, Tân Thới Hiệp và Đông Thạnh. Đây là nơi có nhiều vườn cau, cây trái sum suê, xưa kia là vùng đất đầm lầy, kênh rạch chằng chịt.
Trong chiến tranh ở đây cau mọc thành từng đám nên gọi là “Vườn Cau”, còn màu “đỏ” của địa danh “Vườn Cau Đỏ” không chỉ đơn thuần là màu sắc của thân cau bị ngả màu do tàn phá ác liệt của chiến tranh mà còn mang ý nghĩa là những hy sinh xương máu của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ, nhân dân đã ngã xuống mảnh đất này.
Nơi đây vừa có địa hình thuận lợi về tầm che khuất, giữ được yếu tố bí mật để triển khai đội hình chiến đấu, vừa là bàn đạp xuất phát của các lực lượng kháng chiến tấn công vào Sài Gòn trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ. Đối với quân ta, Vườn Cau Đỏ trấn giữ một vị trí trung chuyển không thể thay thế trên hướng Tây Bắc Sài Gòn.
Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, Vườn Cau Đỏ được chọn là một trong những địa điểm tập trung cán bộ và chiến sĩ cách mạng. Tại đây, quân ta đã thành lập một “trạm đón tiếp công nhân” của Tổng Công đoàn Nam bộ để đón tiếp công nhân kỹ thuật từ Sài Gòn ra. Trên cơ sở đó, Ban Chỉ huy chiến khu đã thành lập một xưởng quân khí để sản xuất vũ khí, khí tài trang bị cho các lực lượng cách mạng.
Bước sang cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, tại vùng đất Vườn Cau Đỏ, người dân địa phương đã chở che, cung cấp lương thực và sát cánh cùng bộ đội chiến đấu chống lại các cuộc càn quét của quân địch. Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, Vườn Cau Đỏ là nơi giấu quân của các đơn vị như E115, Trung đoàn Gia Định, Bộ đội Gò Môn... chuẩn bị tiến đánh vào Sài Gòn, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Văn bia tại Khu tưởng niệm Vườn Cau Đỏ. Ảnh: UBND Quận 12
Tại buổi Tọa đàm khoa học “Di tích lịch sử Khu tưởng niệm Vườn Cau Đỏ” do UBND Quận 12 phối hợp với Trung tâm Bảo tồn Di tích TP. Hồ Chí Minh tổ chức, bà Võ Thị Chính, Phó Chủ tịch UBND Quận 12 cho biết: Trong 30 năm kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, căn cứ Vườn Cau Đỏ đã đóng vai trò vô cùng quan trọng, là hậu phương vững chắc của cách mạng trong hệ thống căn cứ địa ở Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định - TP. Hồ Chí Minh trong những năm kháng chiến.
Ngày nay, Khu tưởng niệm Vườn Cau Đỏ trở thành điểm đến được nhiều người dân và du khách lựa chọn, đặc biệt là mỗi dịp kỷ niệm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Hằng năm, nơi đây đón hơn 5.000 lượt khách đến tham quan, học tập lịch sử truyền thống. Đây cũng là địa chỉ được chính quyền địa phương và các cơ quan, trường học lựa chọn làm nơi tổ chức các buổi giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ, học sinh, sinh viên.
Bình Minh
Nguồn VHPT : https://vanhoavaphattrien.vn/vuon-cau-do-bieu-tuong-cua-y-chi-kien-cuong-bat-khuat-a28473.html