Thực hiện tốt quy chế phối hợp
Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh có diện tích gần 42.000 ha, nằm trên địa bàn các huyện: Đak Đoa, Mang Yang và Kbang. Diện tích rừng rộng, phân bố trên địa hình đồi dốc và bị chia cắt bởi nhiều sông, suối gây khó khăn trong công tác quản lý, bảo vệ. Do vậy, ngay từ đầu năm, lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng của đơn vị đã chủ động xây dựng kế hoạch bảo vệ lâm phần quản lý.
Trên cơ sở các văn bản, công điện của tỉnh chỉ đạo về tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng, các trạm bảo vệ rừng của Vườn đã chủ động cụ thể hóa bằng các kế hoạch tổ chức tuần tra, kiểm tra rừng thường xuyên, liên tục ở những khu vực có nguy cơ bị xâm hại cao.
Bên cạnh đó, lực lượng bảo vệ rừng ở các trạm còn tăng cường tuần tra, kiểm soát tình trạng phá rừng làm nương rẫy, săn bắt động vật hoang dã, việc lấy củi tươi, ken cây trên địa bàn quản lý nhằm ngăn chặn có hiệu quả các hành vi khai thác rừng trái pháp luật. Qua đó, đơn vị đã phát hiện nhiều vụ vi phạm, bàn giao hồ sơ ban đầu, đối tượng, phương tiện, tang vật cho cơ quan có thẩm quyền điều tra, xử lý.
Trong quá trình tuần tra, kiểm tra rừng, truy quét lâm tặc, lực lượng bảo vệ rừng đã tháo gỡ 879 bẫy các loại; tịch thu 5 súng cồn, 3 súng hơi, 144 viên đạn chì để bàn giao cho Công an các địa phương xử lý theo thẩm quyền.
Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh, Hạt Kiểm lâm và Công an huyện Kbang ký kết quy chế phối hợp trong công tác quản lý, bảo vệ rừng. Ảnh: M.P
Đáng chú ý, lực lượng chuyên trách của Vườn còn phối hợp với ban chỉ huy quân sự 6 xã vùng đệm tổ chức 90 đợt tuần tra, truy quét tại các vùng giáp ranh, vùng trọng điểm có nguy cơ bị xâm hại cao.
Qua công tác phối hợp, các lực lượng đã ngăn chặn các hành vi mang công cụ, phương tiện trái phép vào rừng; tổ chức vận động, nhắc nhở, hạn chế người dân đi xe máy vào rừng; tuyên truyền người dân không khai thác một số lâm sản phụ, dược liệu quá mức. Đặc biệt, các lực lượng đã tuyên truyền các hộ dân vùng đệm có diện tích nương rẫy gần rừng, liền rừng không ken cây, lấn rừng.
Ngoài ra, Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh còn thực hiện tốt quy chế phối hợp giữa kiểm lâm địa bàn, lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng của chủ rừng và cán bộ xã trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.
Các lực lượng liên ngành đã phối hợp tổ chức triển khai được 67 đợt tuần tra, kiểm tra rừng; 172 lượt trao đổi, cung cấp thông tin phối hợp đấu tranh, ngăn chặn hành vi xâm hại rừng; tổ chức được 98 đợt tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, hướng dẫn thực hiện các quy định về phòng cháy, chữa cháy rừng.
Lãnh đạo UBND tỉnh Gia Lai và các sở, ngành đến thăm và làm việc với Vườn quốc gia Kon Ka Kinh. Ảnh: M.P
Ngoài ra, năm 2024, Vườn đã triển khai ký kết quy chế phối hợp với Hạt Kiểm lâm, Công an huyện Kbang và Mang Yang xây dựng kế hoạch tuần tra, kiểm tra nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý theo quy định pháp luật các hành vi vi phạm về quản lý, bảo vệ rừng.
Mặt khác, Vườn còn phối hợp các đoàn liên ngành, chính quyền địa phương tổ chức 8 đợt tuyên truyền tại 8 thôn, làng vùng đệm nhằm nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ động vật hoang dã; tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức về công tác bảo vệ rừng tại 22 thôn, làng và các trường THCS vùng đệm, thu hút hàng ngàn lượt người tham gia.
Triển khai nhiều nhiệm vụ trọng tâm
Cùng với nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng, Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh còn duy trì diện tích rừng giao khoán hơn 18.987 ha cho 803 hộ của 29 nhóm hộ thuộc 17 cộng đồng thôn, làng vùng đệm ở các huyện: Mang Yang, Đak Đoa và Kbang.
Năm 2024, tổng kinh phí chi trả khoán quản lý, bảo vệ rừng hơn 8,9 tỷ đồng. Vườn đã chi trả kịp thời từ quý I đến quý III-2024 cho các nhóm hộ nhận khoán với đơn giá điều chỉnh theo thỏa thuận giao kết hợp đồng tạm tính 300 ngàn đồng/ha/năm; đồng thời, chi trả tiền giao khoán bổ sung của năm 2023 với hơn 5,7 tỷ đồng.
Việc nhận khoán bảo vệ rừng mang lại thu nhập đáng kể cho các hộ đồng bào Bahnar, từ đó, họ chung tay ngăn ngừa các hành vi xâm hại rừng.
Không những thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý rừng bền vững, Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh còn hợp tác với các tổ chức, nhà khoa học triển khai các hoạt động, dự án về bảo tồn đa dạng sinh học.
Các đề tài khoa học công nghệ đã dần phát huy hiệu quả và ứng dụng vào thực tiễn, phát huy tốt tiềm năng, lợi thế về đa dạng sinh học của Vườn.
Đáng chú ý là hợp tác với Hội Động vật học Frankfurt tại Việt Nam thực hiện Dự án “Hỗ trợ kỹ thuật bảo tồn thiên nhiên tại Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh” giai đoạn 2022-2026, góp phần bảo tồn bền vững hệ sinh thái rừng, nâng cao hiệu quả công tác thực thi pháp luật trong quản lý, bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học, các loài nguy cấp, quý hiếm.
Cùng với đó, Vườn còn phối hợp thực hiện 6 chương trình tài trợ nhỏ (tổng kinh phí 460.000 Euro) về bảo tồn và quản lý bền vững các vườn di sản ASEAN và nhiều chương trình phối hợp nghiên cứu khoa học khác đang triển khai ở đây.
Lực lượng bảo vệ rừng của Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh tuần tra bảo vệ rừng. Ảnh: M.P
Đối với các hoạt động du lịch sinh thái, thử nghiệm đón khách tham quan và du lịch, Vườn cũng đã triển khai việc sửa chữa, bảo dưỡng các cơ sở vật chất, trang-thiết bị hiện có; dọn dẹp, vệ sinh các tuyến, tour nhằm phục vụ một cách tốt nhất nhu cầu vui chơi, giải trí của du khách đến tham quan du lịch.
Đồng thời, đơn vị xúc tiến điều chỉnh hoàn thiện Đề án phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040 đảm bảo phù hợp với các quy định mới trong lĩnh vực lâm nghiệp và nhu cầu thực tế; duy trì và nâng cao các hoạt động trải nghiệm du lịch qua hình thức tổ chức giải leo núi “Chinh phục đỉnh Đá trắng” lần thứ II-2024. Đây là cơ hội để Vườn quảng bá hình ảnh du lịch sinh thái, phát huy các giá trị tiềm năng, qua đó thu hút các nguồn đầu tư cho phát triển du lịch.
Trao đổi về phương hướng, nhiệm vụ trong năm 2025, Giám đốc Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh Ngô Văn Thắng cho biết: Vườn tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác phối hợp với lực lượng Kiểm lâm địa bàn, chính quyền địa phương, các công ty lâm nghiệp, ban quản lý rừng phòng hộ giáp ranh để tổ chức ngăn chặn các vụ khai thác, vận chuyển, cất giữ lâm sản trái phép; thường xuyên nắm bắt, trao đổi thông tin để cùng phối hợp ngăn chặn kịp thời các vụ vi phạm.
Cùng với đó, triển khai thực hiện các công trình quản lý, bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng mùa khô 2024-2025. Đặc biệt, ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác quản lý, bảo vệ rừng như: tuần tra, truy quét qua ứng dụng phần mềm SMART; ứng dụng đặt bẫy ảnh trong giám sát đa dạng sinh học và phát hiện kịp thời các hành vi vi phạm Luật Lâm nghiệp.
“Thời gian đến, Vườn tiếp tục duy trì hiệu quả việc tuần tra, bảo vệ rừng của các tổ nhận khoán, qua đó giúp nắm bắt thông tin cũng như huy động sức mạnh cộng đồng trong công tác quản lý, bảo vệ rừng.
Triển khai hiệu quả phương án quản lý rừng bền vững giai đoạn 2021-2030 trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học, nghiên cứu khoa học, du lịch sinh thái, hỗ trợ cộng đồng vùng đệm.
Đặc biệt, chú trọng xây dựng Đề án phát triển du lịch sinh thái Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh nhằm tạo cơ hội phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, góp phần tăng thu nhập cho người dân địa phương tham gia liên kết vào chuỗi du lịch.
Ngoài ra, đề xuất và xây dựng chương trình hỗ trợ kinh phí để phát triển sinh kế, cải thiện đời sống người dân vùng đệm”-Giám đốc Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh nhấn mạnh.
MINH PHƯƠNG