Vướng giải phóng mặt bằng, xây dựng trường học 'mắc cạn'

Vướng giải phóng mặt bằng, xây dựng trường học 'mắc cạn'
4 giờ trướcBài gốc
4 lần xây dựng phương án đền bù chưa xuôi
Xây dựng trường học là quyết tâm lớn của TP Hà Nội nhằm nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo. Tuy nhiên, hiện nay, việc xây dựng trường học đang "mắc cạn" do vướng giải phóng mặt bằng (GPMB).
Vướng GPMB, xây dựng trường học cũng mắc cạn. Ảnh Trường THPT Minh Quang, Ba Vì.
Trường THPT Minh Quang (huyện Ba Vì) là một trong số đó. Theo báo cáo của UBND huyện Ba Vì, để xây dựng Trường THPT Minh Quang (Trường Minh Quang), huyện Ba Vì cần giải phóng 13.454m2 đất.
Đến tháng 5/2024, sau khi UBND huyện Ba Vì ban hành thông báo thu hồi đất để thực hiện dự án, Ban Quản lý đầu tư xây dựng huyện Ba Vì đã phối hợp với UBND xã Minh Quang tổ chức họp dân thông báo kế hoạch GPMB dự án và thông báo chế độ, chính sách, đơn giá bồi thường hỗ trợ.
Cũng trong tháng 5/2024, tại thực địa dự án, Ban Quản lý đầu tư xây dựng huyện Ba Vì đã kiểm đếm, kê khai đất, tài sản trên đất của các hộ có đất bị thu hồi. Sau khi tổng hợp hồ sơ, UBND xã Minh Quang đã xác nhận xong nguồn gốc đất (có thông báo niêm yết công khai).
Tổ công tác, Ban QLDA đầu tư xây dựng lập dự thảo phương án chi tiết bồi thường, hỗ trợ GPMB theo Luật Đất đai 2013 và đơn giá đất quy định trong bảng giá đất theo QĐ30 (30/QĐ-UBND) tổ chức công khai lần 1 (tháng 7/2024). Tuy nhiên, các hộ dân không đồng ý với đơn giá và đề nghị chờ Luật Đất đai 2024 có hiệu lực.
Khi Luật Đất đai 2024 có hiệu lực, huyện Ba Vì có quyết định về việc phê duyệt mức hỗ trợ ổn định đời sống, Phòng Tài nguyên Môi trường (TNMT) huyện thông báo đơn giá đất, cụ thể là BQLDA đã cập nhật và công khai lại dự thảo phương án (lần 2).
Ngày 20/12/2024, Hà Nội điều chỉnh bảng giá đất trên địa bàn TP, Ban QLDA cập nhật lại phương án và tổ chức công khai (lần 3). Tuy nhiên, các hộ dân chưa đồng ý phương án hỗ trợ chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm theo đơn giá trong bản giá đất, đề nghị được hỗ trợ theo đơn giá cụ thể.
Tháng 12/2024, Sở TN&MT (nay là Sở Nông nghiệp và Môi trường) Hà Nội thông báo giá cây cối hoa màu, Ban QLDA cập nhật và công khai lại phương án (lần 4).
Hội đồng GPMB dự án, tổ thẩm định đã họp thẩm định phương án nhưng chưa thống nhất được nội dung hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề nghiệp và tìm kiếm việc làm cho hộ gia đình, cá nhân khi Nhà nước thu hồi đất đối với các trường hợp đủ điều công nhận, nhưng chưa được công nhận quyền sử dụng đất.
Cần chuyển tiếp dự án đang thực hiện
Theo huyện Ba Vì, căn cứ vào biên bản xét duyệt do UBND xã Minh Quang tổ chức, UBND xã Minh Quang xác nhận nguồn gốc đất với nội dung: "Phần diện tích đất bị thu hồi là đất nông nghiệp khai hoang, trồng cây hàng năm, các hộ dân sử dụng ổn định từ trước năm 1980, không tranh chấp, không phải là đất công, công ích do UBND xã Minh Quang quản lý, đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (QSDĐ) và được công nhận QSDĐ".
Theo Luật Đất đai 2024 (khoản 6, Điều 138) thì: "Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất ổn định vào mục đích thuộc nhóm đất nông nghiệp, nay được UBND cấp xã nơi có đất xác nhận không có tranh chấp thì được cấp giấy chứng nhận QSDĐ, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất theo hình thức Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất đối với diện tích đất đang sử dụng nhưng không vượt quá hạn mức giao đất nông nghiệp cho cá nhân. Luật này cũng cũng quy định Nhà nước có trách nhiệm cấp giấy chứng QSDĐ, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất cho các trường hợp đã đăng ký đủ điều kiện.
Căn cứ theo Luật Đất đai 2024, các nghị định, quy định 56 của Hà Nội, Ban QLDA huyện Ba Vì tính phương án hỗ trợ bằng tiền để đào tạo nghề và tìm kiếm việc làm, mức hỗ trợ 5 lần. Huyện Ba Vì đã triển khai thực hiện công tác GPMB bằng theo Luật Đất đai 2013, đặc biệt là dự án xây dựng, mở rộng trường Minh quang (đã triển khai từ 2023).
Để đảm bảo công bằng cho các hộ dân khi thực hiện GPMB theo Luật Đất đai 2013 và Luật Đất đai 2024 có hiệu lực, tránh thiệt thòi cho người có đất thu hồi đối với phần diện tích đất nông nghiệp hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm, mức hỗ trợ 5 lần giá đất nông nghiệp cùng loại trong bảng giá đất đã được thành phố Hà Nội phê duyệt.
Trước đó, Báo Xây dựng đã phản ánh, trên địa bàn thành phố có 1.000 dự án còn dang dở (đã thực hiện thu hồi đất, phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư một phần theo Luật Đất đai 2013). Phần diện tích còn lại thực hiện theo Luật Đất đai 2024 dẫn đến chính sách GPMB trong cùng một dự án không đồng nhất về chính sách tái định cư, không đồng nhất về chính sách hỗ trợ khác, không đồng nhất chính sách bồi thường tài sản.
Ông Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường) góp ý, cần một cơ chế chuyển tiếp linh hoạt, bảo đảm sự thống nhất trong thực hiện chính sách trên cùng một dự án.
Ông Nguyễn Anh Quân, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội khẳng định, nguyên tắc đồng bộ chính sách là nguyên tắc xuyên suốt từ trước đến nay, theo xu thế có lợi cho dân. Nếu chính sách đằng sau Luật Đất đai 2024 gây ra cho người dân những quyền lợi thiệt hơn thì thành phố sẽ phải cân đối để có hỗ trợ khác để đảm bảo quyền lợi cho người dân bằng hoặc tốt hơn cái cũ. Giả sử rà soát luật chặt chẽ hơn, chính sách quyền lợi người dân giảm đi so với cũ thì Sở Nông nghiệp và Môi trường có trách nhiệm nghiên cứu, đề xuất những hỗ trợ khác đảm bảo ít nhất là bằng cũ, không để người dân "phú quý giật lùi".
Nguyễn Hùng
Nguồn Xây Dựng : https://baoxaydung.vn/vuong-giai-phong-mat-bang-xay-dung-truong-hoc-mac-can-192250424083559713.htm