Ngày 17/2, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tổ chức một hội nghị quan trọng, được dánh giá là hiếm hoi đối với các doanh nghiệp tư nhân hàng đầu Trung Quốc.
Tại hội nghị, chỉ có 6 lãnh đạo doanh nghiệp tư nhân hàng đầu Trung Quốc được mời phát biểu, bao gồm Nhậm Chính Phi (CEO của Huawei), Vương Truyền Phúc (Chủ tịch BYD), Lưu Vĩnh Hạo (Chủ tịch New Hope), Ngu Nhân Vinh (Chủ tịch Will Semiconductor), Vương Hưng Hưng (CEO của Unitree Robotics) và Lôi Quân (Chủ tịch Xiaomi).
Vương Hưng Hưng, CEO của Unitree Robotics. Ảnh: Unitree.
Điều đáng nói, trong số những người ngồi ở vị trí trung tâm, đối diện trực tiếp với Chủ tịch Tập, có Nhậm Chính Phi của Huawei và Vương Hưng Hưng, CEO trẻ tuổi của Unitree Robotics. Sự hiện diện của Vương Hưng Hưng ở vị trí danh dự này không chỉ khẳng định tầm quan trọng của Unitree Robotics trong ngành công nghệ mà còn cho thấy sự công nhận của chính phủ Trung Quốc đối với những đóng góp của anh và công ty.
Bước tiến vào thị trường robot hình người
Vương Hưng Hưng, nhà sáng lập và CEO của Unitree Robotics, đã bắt đầu hành trình với robot từ những ngày còn là sinh viên cao học tại Đại học Thượng Hải. Năm 2013, anh phát triển các robot bốn chân trong quá trình nghiên cứu sau đại học. Sản phẩm đầu tiên của anh, XDog, ra đời năm 2016 như một phần của luận văn thạc sĩ, nhanh chóng thu hút sự chú ý trên internet và nhận được sự quan tâm từ cả người mua lẫn nhà đầu tư.
Sau một thời gian làm việc tại DJI, Vương quyết định từ chức để theo đuổi đam mê và thành lập Unitree Robotics vào tháng 5 năm 2016.
Từ khi thành lập, Unitree Robotics đã nhanh chóng khẳng định vị thế trong lĩnh vực robot bốn chân. Unitree Robotics, startup đến từ Hàng Châu, thuộc nhóm "6 con rồng nhỏ" (Six Little Dragons), thuật ngữ dùng để chỉ các doanh nghiệp công nghệ mới nổi đầy tiềm năng tại tỉnh này. Một số cái tên khác trong danh sách bao gồm DeepSeek và Game Science – studio phát triển trò chơi Black Myth: Wukong. Năm 2021, công ty ra mắt Unitree Go1, một robot bốn chân được thiết kế cho người tiêu dùng cá nhân, với khả năng di chuyển linh hoạt trên nhiều loại địa hình như cát, đá và đất. Sản phẩm này được đánh giá cao về hiệu suất và giá cả cạnh tranh.
Vương Hưng Hưng và robot XDog. Ảnh: CCTV.
Không dừng lại ở robot bốn chân, Unitree Robotics tiếp tục mở rộng sang lĩnh vực robot hình người. Tháng 12 năm 2023, công ty giới thiệu mẫu robot hình người H1, được quảng bá là "robot hình người đa năng, mạnh mẽ nhất thế giới" với hệ thống truyền động tiên tiến, cung cấp tốc độ, sức mạnh và tính linh hoạt cao. H1 có chiều cao khoảng 1,8m, nặng 47kg, được trang bị cảm biến LiDAR 3D và camera đo độ sâu, cho phép lập bản đồ 3D môi trường xung quanh để nhận biết chướng ngại vật và tự di chuyển. Robot này cũng thể hiện khả năng giữ thăng bằng ấn tượng, ngay cả khi bị xô đẩy hoặc đá vào.
Tiếp nối thành công của H1, tháng 8 năm 2024, Unitree Robotics ra mắt phiên bản nâng cấp mang tên G1. G1 được trang bị bộ xử lý trung tâm hiệu suất cao với 8 lõi, 23 bậc tự do ở các khớp tay, chân và thân, cho phép robot nhảy, đi bộ với tốc độ tối đa 7km/h và leo cầu thang với chướng ngại vật. Đặc biệt, G1 có đôi tay với ba ngón linh hoạt, có thể thực hiện các nhiệm vụ tinh vi như hàn dây điện và nấu ăn. Với chiều cao 1,4m, cân nặng 35kg và pin 9.000mAh cho phép hoạt động liên tục trong 2 giờ, G1 được thiết kế để học hỏi thông qua việc bắt chước và hướng đến nghiên cứu robot. Dự kiến, G1 sẽ được bán ra thị trường với mức giá 16.000 USD.
Đối thủ cạnh tranh với các “gã khổng lồ”
Sự phát triển nhanh chóng và các sản phẩm chất lượng đã giúp Unitree Robotics trở thành đối thủ đáng gờm của các công ty lớn trong ngành robot, như Boston Dynamics. Trong khi Boston Dynamics bán robot chó Spot với giá 74.500 USD, Unitree cung cấp Go2 với giá khởi điểm chỉ 1.600 USD, mang lại sự lựa chọn hợp lý cho người tiêu dùng. Với việc ra mắt G1, Unitree tiếp tục khẳng định vị thế của mình trong lĩnh vực robot hình người, cạnh tranh trực tiếp với các sản phẩm như Atlas của Boston Dynamics và Optimus của Tesla.
Unitree Robotics thuộc nhóm "6 con rồng nhỏ" (Six Little Dragons) startup đến từ Hàng Châu, những doanh nghiệp công nghệ mới nổi đầy tiềm năng tại tỉnh này. Trong số đó, bao gồm DeepSeek và Game Science – studio phát triển trò chơi Black Myth: Wukong.
Hiện tại, Unitree Robotics có gần 500 nhân viên và đạt định giá hơn 1 tỷ USD sau hai vòng gọi vốn thành công trong năm 2023, thu về hơn 1 tỷ NDT.
Unitree có các nhà đầu tư khá đa dạng, bao gồm cả các quỹ đầu tư do chính quyền Bắc Kinh và Thượng Hải hậu thuẫn, cùng những cái tên lớn trong lĩnh vực đầu tư mạo hiểm như Meituan, HongShan Capital Group và Source Code Capital.
Giám đốc marketing Huang Jiawei cho hay, chìa khóa của robot hình người chính là "bộ não" - tức AI, mặc dù AI tích hợp trong robot vật lý vẫn đang ở giai đoạn sơ khai. Hiện các sản phẩm của Unitree đã được triển khai tại nhà máy của Nio và Geely, đồng thời xuất hiện tại các sự kiện công nghệ quan trọng như CES 2024, Hội nghị AI GTC của Nvidia và Hội nghị Robot Thế giới tại Bắc Kinh.
Từng là “đứa trẻ ngốc nghếch” trong mắt giáo viên
Vương Hưng Hưng sinh năm 1990 trong một gia đình bình thường ở Ninh Ba, Chiết Giang. Tuổi học trò, Vương Hưng Hưng học không nổi bật, thậm chí còn luôn bị điểm kém môn tiếng Anh. Với các môn khác, anh học ở mức trung bình, theo chia sẻ của anh, điểm số thường đứng đầu hoặc đứng thứ hai từ dưới lên". Giáo viên thường than phiền với cha mẹ anh rằng, anh là một "đứa trẻ ngốc nghếch".
Các thế hệ robot của Unitree tính đến 2023. Ảnh: Unitree/ Universeailtd.
Tuy nhiên, Vương Hưng Hưng lại có năng khiếu thực hành, thích tạo ra những thứ mình muốn. Để có tiền tiêu vặt, anh đã sáng chế ra nhiều đồ chơi bằng cách thu thập phế liệu, từ máy bay mô hình, pin sạc đến động cơ tua-bin.
Khi học tiểu học, anh đã chế một ôtô nhỏ chạy bằng sức gió. Lên trung học cơ sở, anh nghiên cứu động cơ phản lực siêu nhỏ, chế pin sạc và thực hiện nhiều thí nghiệm hóa học khác. “Có lần, tôi điện phân nước. Điện phân tạo ra khí clo, nhưng tôi đặt nó ở tầng một và quên tắt nó. Khi thức dậy vào ngày hôm sau, toàn bộ tầng dưới đều có mùi clo, khiến cả nhà suýt bị đầu độc", Vương Hưng Hưng kể lại.
Sau khi học xong THPT, Vương Hưng Hưng đậu vào Đại học Khoa học - Công nghệ Chiết Giang. Anh thường tới các xưởng thực hành với mục đích chế tạo robot. Dụng cụ anh có chỉ là một chiếc máy khoan tay. Thiếu máy mài, anh tự mài trên mặt đất bằng tay, đến nỗi khiến tay bị phồng rộp.
Vương Hưng Hưng cho rằng, những trải nghiệm nghèo khó trước đây phần nào là động lực để anh đạt được những kết quả như ngày hôm nay.
"Trong hoàn cảnh tương đối hạn chế, động lực bản thân sẽ cho phép bạn suy nghĩ rõ ràng về những gì bạn thực sự muốn làm, sau đó chia nhỏ ra, làm tốt mỗi ngày và làm đến cùng. Cuối cùng, thế giới này sẽ không phụ lòng những người nỗ lực", anh chia sẻ.
Mời quý độc giả xem video: 10 Phát Minh Công Nghệ Lâu Đời Nhất Mà Các Nhà Khoa Học Không Giải Thích Được. Nguồn: Youtube.
Hoàng Mai
Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống : https://kienthuc.net.vn/tri-thuc-viet-toan-cau/vuong-hung-hung-ceo-9x-dan-dat-unitree-sanh-vai-ga-khong-lo-cong-nghe-2082453.html