Vướng mắc xử lý gỗ thu hồi từ công tác đốn hạ, giải tỏa cây xanh

Vướng mắc xử lý gỗ thu hồi từ công tác đốn hạ, giải tỏa cây xanh
12 giờ trướcBài gốc
Cách đây không lâu, Sở Xây dựng TP đã có công văn gửi UBND TP nêu rõ một số khó khăn trong việc xử lý gỗ thu hồi từ công tác đốn hạ, giải tỏa cây xanh trên địa bàn TP. Sở này cho biết, việc xử lý gỗ thu hồi trước đây thực hiện theo Quyết định số 61/2016/QĐ-UBND ngày 10/12/2016 của UBND TP về việc ban hành Quy chế quản lý và xử lý vật tư thu hồi từ các công trình hạ tầng giao thông đường bộ, đường thủy nội địa và công viên cây xanh do TPHCM quản lý. Tuy nhiên, hiện các văn bản quy phạm pháp luật, căn cứ pháp lý trong Quyết định trên đã hết hiệu lực toàn bộ hoặc một phần; đồng thời, chưa có quy định về việc quản lý, xử lý vật tư, vật liệu thu hồi đối với loại tài sản kết cấu hạ tầng kỹ thuật. Trong đó, có việc quản lý, bán thanh lý gỗ thu hồi từ các công tác đốn hạ, giải tỏa cây xanh.
Thời gian qua, để xử lý gỗ thu hồi, hạn chế chi phí lưu giữ, bảo quản, giảm chất lượng gỗ thu hồi, Sở Xây dựng đang căn cứ vào Nghị định số 151/2017/NĐ-CP của Chính phủ và các văn bản pháp lý khác có liên quan để triển khai thực hiện việc bán thanh lý gỗ. Nhưng thực tế cho thấy, quá trình này còn gặp nhiều vướng mắc.
Theo thống kê, mỗi tháng trên địa bàn TP thu hồi khoảng 150m3 gỗ các loại từ việc đốn hạ, giải tỏa cây xanh. Tuy nhiên, để bán được số gỗ này buộc trải qua quy trình lên đến 51 bước. Sau khi thực hiện công tác đốn hạ, giải tỏa cây xanh, gỗ thu hồi được giám sát của đơn vị quản lý tài sản (chủ đầu tư, đơn vị tổ chức thu hồi gỗ) và đơn vị nhà thầu cây xanh lập hồ sơ quản lý. Tiếp đến, gỗ được vận chuyển về bãi tập kết và được đánh số ký hiệu lại bằng sơn cho từng lóng; thực hiện các biện pháp phòng, trừ mối mọt, che phủ gỗ bằng các vật liệu như bạt nylon, tôn kẽm... sau đó triển khai, bố trí bảo vệ nghiêm ngặt và thường xuyên thực hiện công tác thống kê, kiểm tra. Đáng nói, việc phê duyệt chủ trương thanh lý bán đấu giá gỗ thu hồi còn phải trải qua nhiều bước thực hiện: Lựa chọn đơn vị tư vấn thẩm định và định giá gỗ thu hồi 10 bước thực hiện; Thẩm định và định giá gỗ thu hồi 4 bước thực hiện; Lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản 13 bước thực hiện; Tổ chức đấu giá 9 bước thực hiện; Ký hợp đồng mua bán tài sản 12 bước thực hiện; Báo cáo cơ quan có thẩm quyền phê duyệt thanh lý về quá trình đấu giá tài sản, diễn biến cuộc đấu giá và kết quả đấu giá 1 bước...
Lực lượng chức năng đốn hạ, giải tỏa cây xanh trên đường Huyền Trân Công Chúa, Q1
Theo ông Đặng Phú Thành - PGĐ Sở Xây dựng TPHCM, để khắc phục những khó khăn đang tồn tại trong công tác bán đấu giá gỗ thu hồi, Sở Xây dựng đã đề xuất 3 phương án cụ thể. Trong đó, phương án 1 là trong thời gian này tạm ngưng thực hiện việc bán đấu giá gỗ, chờ hướng dẫn của cấp có thẩm quyền về xử lý tài sãn gỗ thu hồi. Phương án 2, vận dụng Nghị định số 151/2017/NĐ-CP để thực hiện việc thanh lý bán đấu giá gỗ; thẩm quyền bán đấu giá tài sản trên địa bàn TP thuộc Sở Xây dựng và Giám đốc Trung tâm Quản lý Hạ tầng kỹ thuật. Phương án 3, căn cứ Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Sở Tài chính là cơ quan xử lý, thanh lý bán gỗ.
Sở Xây dựng TP nhận định, trong số 3 phương án trên thì phương án 3 phù hợp quy định hơn. Do đó, Sở đã kiến nghị UBND TP xem xét, chấp thuận triển khai thực hiện theo phương án này. Trong thời gian các cơ quan nghiên cứu, đề xuất và chờ sự chấp thuận của UBND TP, để hạn chế ảnh hưởng đến chất lượng gỗ, tránh phát sinh các vấn đề liên quan khác như: chi phí công tác bảo quản, khả năng chứa của kho bãi, công tác phòng chống cháy... Sở Xây dựng tiếp tục thực hiện theo Phương án 2, thực hiện theo dự thảo quy trình quản lý, bán thanh lý gỗ cũi thu được từ các công tác đốn hạ, giải tỏa cây xanh trên địa bàn.
SONG THẢO
Nguồn CA TP.HCM : http://congan.com.vn/doi-song/vuong-mac-xu-ly-go-thu-hoi-tu-cong-tac-don-ha-giai-toa-cay-xanh_171954.html