Vướng mặt bằng phía Đồng Nai, dự án thoát nước vùng giáp Bình Dương 'đứng yên'

Vướng mặt bằng phía Đồng Nai, dự án thoát nước vùng giáp Bình Dương 'đứng yên'
19 phút trướcBài gốc
Khi mưa đến, cuộc sống dừng lại
Hơn 20 ngày trôi qua kể từ khi xảy ra vụ việc đau lòng- người phụ nữ điều khiển xe bán tải bị cuốn trôi xuống suối Xiệp, người dân sống gần con suối vẫn chưa hết bàng hoàng và lo lắng.
Nước ngập ở khu vực suối Xiệp (Ảnh chụp ngày 13/9)
Đặc biệt, gần đây, suối Xiệp, đoạn giáp ranh giữa phường Tân Đông Hiệp, thành phố Dĩ An và phường Hóa An, thành phố Biên Hòa, liên tục bị ngập sâu sau mỗi cơn mưa lớn. Điều này càng khiến người dân chồng chất nỗi lo.
Ngập úng không chỉ ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt hàng ngày, mà còn gây thiệt hại lớn về tài sản. Nhà cửa ngập úng, đồ đạc hư hỏng, kinh tế gia đình bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Ông Bùi Quốc Kiên, một người dân sinh sống ở khu phố Tân An, phường Tân Đông Hiệp, thành phố Dĩ An, chia sẻ, những năm gần đây, tình trạng ngập lụt khu vực này ngày càng nghiêm trọng, có khi nước ngập sâu hơn 1 mét, chảy xiết. Cứ thấy trời có dấu hiệu mưa, người dân lại phải tất bật kê cao đồ đạc, chằng chống nhà cửa để đối phó và không dám ra khỏi nhà.
Mưa ngập trên Quốc lộ 1K đoạn qua thành phố Dĩ An
“Mỗi lần mưa chút xíu, khoảng 30 phút thôi là nước đã lênh láng chứ không cần đến mưa nhiều, mưa dai. Chúng tôi không dám đi vì nước chảy như thác đổ, vừa bước chân ra ngoài suối nước muốn cuốn trôi. Do đó cứ mưa là thủ trong nhà không dám ra ngoài”, ông Bùi Quốc Kiên chia sẻ.
Ông Trần Văn Lâm, một hộ dân ở phường Hóa An, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai thì cho biết, người dân tại chỗ biết nên né tránh được ngập, chứ những người ở xa đến họ không rành nên dễ gặp tai nạn. Thực tế đã có người phụ nữ đi xe bán tải bị nước cuốn trôi, tử vong. Do đó, cứ thấy nước dâng cao là người dân lại đứng trong nhà la lớn, khuyên người đi đường đừng đi qua đây.
"Trận nước lớn là la muốn khan tiếng, la dữ lắm nhưng có nhiều người la lên họ nghe nhưng cũng có người không sợ cứ chạy qua. Có khi đem đồ ra đường cảnh báo nhưng người dân vẫn chạy qua bất chấp nguy hiểm, nên không biết sao. Người lạ đi ngang khả năng xảy ra tai nạn nữa là có thể vì mưa nước như biển, rất nguy hiểm", ông Trần Văn Lâm nói.
Không chỉ gây ra những thiệt hại về vật chất, tình trạng ngập lụt kéo dài còn ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân, đặc biệt là trẻ em và người già. Nhiều người mắc các bệnh về đường hô hấp do tiếp xúc với nguồn nước ô nhiễm.
Nhiều hộ dân bên trái con suối phía Bình Dương đã di dời, còn bên phía Đồng Nai vẫn chưa đồng ý giá đền bù
Vướng mặt bằng nên dự án đình trệ
Trước mắt, để đảm bảo an toàn cho người dân, chính quyền địa phương thành phố Dĩ An (Bình Dương) và thành phố Biên Hòa (Đồng Nai) đã có các biện pháp ứng phó như đặt biển báo cảnh báo, rào chắn và khuyến cáo người dân không qua lại khu vực suối Xiệp khi có mưa lớn.
Tuy nhiên, về lâu dài, giải quyết tình trạng ngập úng kéo dài tại khu vực giáp ranh giữa thành phố Dĩ An và thành phố Biên Hòa, cũng như tuyến Quốc lộ 1K là cải tạo, mở rộng rạch Cái Cầu với chiều dài 3.580m. Dự án này đã được UBND hai tỉnh Bình Dương và Đồng Nai thống nhất thực hiện từ năm 2016. Bình Dương đầu tư xây dựng, còn mặt bằng đi qua địa bàn tỉnh nào thì tỉnh đó thực hiện đền bù.
Chính quyền Bình Dương cắm bảng cảnh báo nguy hiểm
Hiện nay, đơn vị thi công đã hoàn thành được 1.811m (trong đó đoạn đầu tuyến 1.081m và đoạn cuối 730m). Đoạn giữa với chiều dài 1.659m và một phần đoạn cuối 110m vẫn chưa thể thi công do vướng mắc giải phóng mặt bằng.
Cụ thể, tại địa bàn tỉnh Bình Dương, trong số 106 hộ dân bị ảnh hưởng vẫn còn 11 hộ chưa bàn giao mặt bằng. Còn tại tỉnh Đồng Nai, tình hình còn khó khăn hơn khi chỉ có 1 trong tổng số 79 hộ dân đồng ý di dời.
Đoạn giữa của tuyến rạch, nơi chưa được thi công đã trở thành điểm nghẽn, khiến nước dâng cao và gây ngập úng nghiêm trọng cho khu vực xung quanh mỗi khi có mưa lớn.
Ông Võ Trọng Tài, Phó Chủ tịch UBND thành phố Dĩ An cho biết, Hội đồng giải phóng mặt bằng thành phố đã tách 11 trường hợp chưa bàn giao mặt bằng ra để xử lí. Đối với hộ đã nhận tiền đền bù nhưng chưa giao mặt bằng sẽ đôn đốc. Trường hợp còn lại đang khiếu nại sẽ tổ chức họp để thống nhất hướng giải quyết.
“Các trường hợp còn lại đề nghị được hỗ trợ chênh lệch nền tái định cư nhưng trong quy định không có. Thành phố Dĩ An đã tạo điều kiện, ngay cả xét mua thêm nền tái định cư nên chính sách đề nghị hỗ trợ thêm thì không phù hợp. Do đó, chúng tôi sẽ tiếp tục đối thoại để lấy ý kiến lần cuối. Nếu các hộ đồng ý tiếp nhận mặt bằng, hộ tiếp tục không đồng thuận làm ảnh hưởng đến tiến độ dự án sẽ thực hiện các biện pháp hành chính”, ông Võ Trọng Tài cho hay.
Còn về trường hợp Đồng Nai chậm bàn giao mặt bằng, UBND tỉnh Bình Dương đã nhiều lần có văn bản gửi UBND tỉnh này, đề nghị đẩy nhanh tiến độ. Tuy nhiên, đến nay, vấn đề này vẫn chưa được giải quyết triệt để.
Việc giải quyết dứt điểm vấn đề vướng mắc về mặt bằng là cấp bách, không chỉ để đảm bảo tiến độ của dự án cải tạo rạch Cái Cầu mà còn để nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, giảm thiểu thiệt hại do ngập lụt gây ra.
Thiên Lý/VOV-TP.HCM
Nguồn VOV : https://vov.vn/xa-hoi/vuong-mat-bang-phia-dong-nai-du-an-thoat-nuoc-vung-giap-binh-duong-dung-yen-post1126188.vov