Vướng mặt bằng và đất đắp
Dự án đường giao thông từ khu công nghiệp Bỉm Sơn đến đường bộ ven biển đoạn Nga Sơn - Hoằng Hóa được Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt tại Quyết định số 490/QĐ-UBND ngày 5/2/2021, với tổng mức đầu tư là 900 tỷ đồng, có chiều dài 16,4km đi qua 3 địa phương: Tx Bỉm Sơn, huyện Hà Trung và huyện Nga Sơn (cũ).
Trong quá trình chờ GPMB, các nhà thầu thi công thảm nhựa lớp 2 tại các nút giao với đường dân sinh và trên các đoạn tuyến (Ảnh: Phúc Tuấn).
Theo các quyết định ban hành, dự án giao thông này do Sở Xây dựng làm chủ đầu tư.
Dự án có một gói thầu xây lắp (gói số 5) trị giá hơn 540 tỷ đồng, do liên danh gồm: Công ty CP Xây dựng Hoàng Hải (nay là Công ty CP Kinh doanh và Xây dựng Trường Phúc), Công ty CP Xây dựng Cầu Thanh Hóa, Công ty CP Tân Thành và Công ty CP Xây dựng và Thương mại Xuân Hưng thực hiện. Thời gian thi công từ ngày 1/1/2022 đến 30/11/2025.
Hiện nay dự án đang bị vướng mặt bằng qua khu dân cư ở Nga Sơn, tổng số hộ bị ảnh hưởng, chưa di dời là 91 hộ (Ảnh: Phúc Tuấn).
Cuối năm 2024, UBND tỉnh Thanh Hóa tiếp tục ban hành Quyết định số 4565/QĐ-UBND, phê duyệt điều chỉnh dự án này, nâng tổng mức đầu tư từ 900 tỷ đồng lên hơn 1.089 tỷ đồng.
Lý do điều chỉnh là trong quá trình triển khai thực hiện do chế độ chính sách nhà nước thay đổi, làm tăng chi phí GPMB và biến động giá nhiên, vật liệu, nhân công, máy thi công làm tăng chi phí xây dựng, dẫn đến vượt tổng mức đầu tư…
Ghi nhận thực tế cho thấy, đến thời điểm hiện tại, công tác bồi thường giải phóng mặt bằng đạt 95,7%. Phần còn lại chưa bàn giao là 0,66km, đi qua khu dân cư với 91 hộ dân bị ảnh hưởng.
Theo chính quyền xã Nga Sơn (mới thành lập sau khi giải thể cấp huyện), trong số 91 hộ bị ảnh hưởng, có 53 hộ đã thống nhất phương án bồi thường, còn 38 hộ chưa đồng thuận do băn khoăn về đơn giá bồi thường đất và tài sản trên đất còn thấp.
Đại diện chủ đầu tư và tư vấn giám sát kiểm tra tiến độ thi công của các nhà thầu hôm 16/7 (Ảnh: Phúc Tuấn).
Quan sát thực tế cho thấy, cơ bản tuyến đường đã được hình thành, có trên 10km được thảm nhựa lớp 1 và đang tiến hành thảm nhựa lớp 2. Giá trị thực hiện toàn dự án đến nay khoảng 420/540,3 tỷ đồng, đạt 77,7% so với hợp đồng.
Ông Vũ Đức Hùng, tư vấn trưởng của Công ty cổ phần TVGS chất lượng công trình Thăng Long cho biết: Khó khăn nhất hiện nay đó là địa phương chưa bàn giao mặt bằng với chiều dài 660m và chủ yếu qua địa bàn Nga Sơn.
Ông Vũ Đức Hùng, tư vấn trưởng của Công ty cổ phần TVGS chất lượng công trình Thăng Long cho biết khó khăn hiện nay của dự án là mặt bằng và nguồn vật liệu (Ảnh: Phúc Tuấn).
Ngoài ra, nhu cầu của dự án đang cần khoảng 62.000m3 đất đắp, 95.000m3 đá các loại và 16.000m3 cát để hoàn thành. Tuy nhiên, tình trạng khan hiếm vật liệu đã ảnh hưởng đến tiến độ thi công, hơn 1 tháng qua không có đất để đắp nền đường.
Tháo gỡ bằng cách nào?
Trao đổi với PV Báo Xây dựng, ông Trần Đức Trọng, Phó giám đốc Ban QLDA đầu tư công trình giao thông Thanh Hóa, cho biết trong thời tới, nếu địa phương không kịp thời GPMB, dự án sẽ đứng trước nguy cơ chậm tiến độ.
Liên quan đến vấn đề này, UBND xã Nga Sơn cho biết, đang tiếp tục đấu mối với các ngành chức năng để hoàn thiện các nội dung về pháp lý, sổ đỏ liên quan đến quyền lợi của người dân, nhằm thuận lợi cho công tác GPMB.
Đối với nguồn vật liệu đang còn thiếu cho dự án, đặc biệt là đất đắp, Ban QLDA đầu tư công trình giao thông Thanh Hóa cho biết, hiện nay các nhà thầu đang cố gắng khắc phục khó khăn, đáp ứng được nguồn cung vật liệu để triển khai thi công dự án theo tiến độ được chấp thuận.
Trong thời gian tới, nếu không giải quyết được hai điểm "nghẽn" mặt bằng và vật liệu, dự án sẽ bị chậm tiến độ (Ảnh: Phúc Tuấn).
Song, nguồn cung vật liệu thời gian qua trên khu vực dự án khan hiếm, giá cả tăng cao ảnh hưởng đến phương án thi công của nhà thầu. "Vừa qua các nhà thầu cũng đã có kiến nghị gửi chủ đầu tư xem xét trình UBND tỉnh Thanh Hóa nghiên cứu phân bổ nguồn đất đắp ở khu vực lân cận để phục vụ cho dự án. Chúng tôi cũng đang tập hợp các đề xuất và sẽ có văn bản báo cáo UBND tỉnh để có hướng giải quyết, tháo gỡ về nguồn đất đắp", ông Trần Đức Trọng cho biết thêm.
Theo tìm hiểu được biết, trước đó, Sở Xây dựng cũng đã kiến nghị với UBND tỉnh Thanh Hóa về các giải pháp tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ các dự án trên địa bàn nói chung và dự án đường giao thông từ KCN Bỉm Sơn đến đường bộ ven biển đoạn Nga Sơn - Hoằng Hóa nói riêng.
Trong đó, đơn vị sẽ chủ động phối hợp với các địa phương rà soát, cập nhật thông tin giá vật liệu xây dựng, đặc biệt là cát và đất đắp - hai loại vật liệu có biến động mạnh về giá. Kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo các mỏ vật liệu đẩy nhanh tiến độ khai thác, tổ chức bình ổn giá. Đồng thời khuyến khích các đơn vị thi công gần địa bàn lân cận như Nghệ An, Ninh Bình chủ động mua vật liệu xây dựng tại tỉnh bạn nếu đáp ứng được chất lượng và giá.
Để kịp thời tháo gỡ các điểm nghẽn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Mai Xuân Liêm cũng đã yêu cầu các địa phương xác định công tác GPMB là khâu then chốt trong giải ngân vốn đầu tư công nên cần tập trung cao độ, chủ động phối hợp chặt chẽ với người dân, tăng cường tuyên truyền, vận động để đạt sự đồng thuận.
Trường hợp các hộ dân cố tình không bàn giao mặt bằng, các địa phương cần xây dựng và triển khai phương án cưỡng chế theo đúng quy định pháp luật. Song song, phải rà soát đầy đủ quỹ đất tái định cư và giải quyết dứt điểm các kiến nghị về đơn giá bồi thường, đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho người dân.
Phúc Tuấn