Vương quốc Anh vốn đã là quốc gia dẫn đầu thế giới về năng lượng gió, với tốc độ mở rộng nhanh chóng công suất điện gió cả trên bờ và ngoài khơi trong suốt thập kỷ qua. Giờ đây, dưới sự điều hành của chính phủ Công đảng mới, Vương quốc Anh kỳ vọng tiếp tục phát triển điện gió thông qua dự án mở rộng quy mô lớn trang trại điện gió ngoài khơi Rampion. Dự án này được kỳ vọng sẽ giúp chính phủ tiến gần hơn tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0.
Năm 2024, tổng công suất điện gió của Vương quốc Anh đạt 30 GW. Ảnh minh họa
Quốc gia có công suất điện gió ngoài khơi lớn nhất châu Âu
Năm 2023, 46,4% lượng điện của Vương quốc Anh được tạo ra từ các nguồn năng lượng tái tạo, trong đó năng lượng gió chiếm 61%. Khoảng 39,7% năng lượng gió của nước này được sản xuất trên bờ, còn lại 60,3% đến từ các dự án ngoài khơi. Vương quốc Anh xây dựng trang trại điện gió trên bờ thương mại đầu tiên vào năm 1991, với công suất 1 GW. Đến năm 2024, tổng công suất điện gió của nước này đã tăng lên 30 GW, gấp đôi so với năm 2017. Hiện, Vương quốc Anh có 11.906 tua-bin gió, bao gồm 9.141 tua-bin trên bờ và 2.765 tua-bin ngoài khơi (trong đó có 10 tua-bin nổi và 2.755 tua-bin cố định).
Ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi của Vương quốc Anh đang tạo việc làm cho khoảng 32.000 người và con số này được dự báo sẽ vượt 120.000 vào năm 2030. Chính phủ đặt mục tiêu đạt công suất 60 GW điện gió vào cuối thập kỷ này, với tiềm năng đóng góp tới 58,5 tỷ USD vào nền kinh tế. Đầu năm 2025, với công suất điện gió ngoài khơi đạt 14 GW, Vương quốc Anh đã trở thành quốc gia có công suất lớn nhất châu Âu và đứng thứ hai thế giới, chỉ sau Trung Quốc.
Đầu tháng 4/2025, chính phủ đã phê duyệt kế hoạch phát triển dự án Rampion 2 - trang trại điện gió ngoài khơi có khả năng cung cấp điện cho khoảng 1 triệu hộ gia đình tại Anh. Việc mở rộng trang trại Rampion, nằm ngoài khơi bờ biển phía Nam nước Anh, sẽ bao gồm việc lắp đặt thêm 90 tua-bin, bổ sung 1,2 GW công suất. Dự án dự kiến sẽ tạo ra khoảng 4.000 việc làm trong giai đoạn xây dựng, bắt đầu vào năm 2026.
Trang trại điện gió này đang được phát triển bởi liên danh gồm RWE - tập đoàn năng lượng tái tạo hàng đầu châu Âu, đồng thời là cổ đông lớn nhất với 50,1% cổ phần; liên danh do Macquarie dẫn đầu (25%) và Enbridge (24,9%). Điện năng sản xuất tại Rampion sẽ được truyền tải vào đất liền qua hệ thống cáp ngầm dưới biển. Sau đó, một tuyến cáp ngầm trên bờ sẽ dẫn điện tới trạm biến áp mới tại Oakendene, gần Cowfold, trước khi kết nối với lưới điện quốc gia tại Bolney, hạt Sussex. Trang trại điện gió này dự kiến sẽ đi vào vận hành vào cuối những năm 2020.
Bà Danielle Lane, Giám đốc phát triển điện gió ngoài khơi của RWE tại Vương quốc Anh và Ireland, cho biết: “Chúng tôi rất vui mừng khi nhận được giấy phép phát triển cho dự án Rampion 2. Đây là một cột mốc quan trọng trong quá trình triển khai, bởi Rampion 2 có thể đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo nguồn cung năng lượng cho Vương quốc Anh từ nguồn tài nguyên gió dồi dào, đồng thời góp phần thực hiện mục tiêu năng lượng sạch của chính phủ”.
Thu hút đầu tư tư nhân vào năng lượng xanh
Kể từ khi lên nắm quyền vào tháng 7 năm ngoái, chính phủ Công đảng đã đẩy mạnh triển khai các nguồn năng lượng xanh, với kế hoạch tăng gấp đôi công suất điện gió trên bờ, gấp ba điện mặt trời và gấp bốn lần điện gió ngoài khơi vào năm 2030. Chính phủ cũng đặt mục tiêu giảm tỷ trọng khí tự nhiên trong sản xuất điện xuống chỉ còn 5% vào cuối thập kỷ. Nhờ chính sách tạo môi trường đầu tư thuận lợi hơn, tại một sự kiện vào tháng 10 năm ngoái, một số tập đoàn năng lượng xanh lớn nhất thế giới đã cam kết đầu tư gần 31,39 tỷ USD vào Vương quốc Anh, cho thấy đầu tư công gia tăng đang thu hút mạnh mẽ nguồn vốn tư nhân.
Bộ trưởng Năng lượng Vương quốc Anh, ông Ed Miliband, khẳng định: “Vương quốc Anh có nguồn gió dồi dào. Đã đến lúc thoát khỏi vòng luẩn quẩn của nhiên liệu hóa thạch, đẩy mạnh điện sạch, bảo vệ an ninh năng lượng và giảm hóa đơn tiền điện một cách bền vững”. Ông nói thêm: “Dự án này giúp chúng ta tiến gần hơn tới mục tiêu phát triển điện gió ngoài khơi sạch. Thông qua kế hoạch chuyển đổi, chúng tôi đang từng bước hiện thực hóa mục tiêu về năng lượng sạch và việc làm cho nước Anh”.
Năm ngoái là năm đạt kỷ lục về sản lượng điện gió tại Anh, với tổng sản lượng từ các dự án điện gió trên bờ và ngoài khơi đạt 83 terawatt-giờ (TWh), tăng so với gần 79 TWh năm 2023. Chỉ trong khoảng 10 ngày của tháng 12, hơn 50% lượng điện sản xuất tại Anh đến từ điện gió. Tuy nhiên, cũng có những thời điểm ít gió khiến sản lượng giảm, cho thấy cần đẩy mạnh đầu tư vào công nghệ lưu trữ pin để nâng cao độ tin cậy của nguồn năng lượng tái tạo và giảm phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch trong các giai đoạn sản xuất thấp.
Vương quốc Anh hiện đã là một trong những quốc gia sản xuất điện gió trên bờ và ngoài khơi lớn nhất thế giới, với nhiều dự án được triển khai trong ba thập kỷ qua. Việc phê duyệt dự án Rampion 2 được kỳ vọng sẽ giúp nước này đạt được các mục tiêu khí hậu vào cuối thập kỷ, thông qua việc phi các-bon hóa mạng lưới truyền tải điện. Đây chỉ là một trong nhiều dự án năng lượng sạch mà chính phủ Công đảng đã công bố trong 8 tháng qua, với chương trình chuyển đổi xanh đầy tham vọng đang thu hút lượng lớn vốn đầu tư tư nhân vào lĩnh vực này.
Ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi của Vương quốc Anh đang tạo việc làm cho khoảng 32.000 người, và con số này được dự báo sẽ vượt 120.000 vào năm 2030. Chính phủ đặt mục tiêu đạt công suất 60 GW điện gió vào cuối thập kỷ này, với tiềm năng đóng góp tới 58,5 tỷ USD vào nền kinh tế.
Mai Hương
Theo oilprice.com