'Vượt bão' thành công, vững vàng 'trụ đỡ'

'Vượt bão' thành công, vững vàng 'trụ đỡ'
3 ngày trướcBài gốc
Khép lại năm 2024 với hàng loạt khó khăn, thử thách, đặc biệt là ảnh hưởng của bão số 3 Yagi song với nỗ lực vượt khó, cùng những giải pháp, cơ chế, chính sách phù hợp, ngành Nông nghiệp Yên Bái vẫn duy trì được đà tăng trưởng khá cao, tiếp tục khẳng định vai trò “trụ đỡ” của nền kinh tế.
Đồng chí Nguyễn Thế Phước, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh thăm mô hình sản xuất trong nhà lưới tại xã Thành Thịnh, huyện Trấn Yên.
Năm 2024, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn Yên Bái đã triển khai thực hiện nhiệm vụ trong bối cảnh chịu ảnh hưởng tiêu cực từ những biến động chính trị, suy thoái kinh tế thế giới và thời tiết diễn biến phức tạp, dịch bệnh xuất hiện trên đàn gia súc gây ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất. Đặc biệt, cơn bão số 3 Yagi không chỉ gây thiệt hại nặng nề về người, nhà ở, các công trình công cộng mà Yên Bái còn chịu thiệt hại lớn trong sản xuất nông nghiệp với hàng nghìn héc-ta lúa, rau màu bị tàn phá và hàng nghìn con gia súc, gia cầm bị chết.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nguyễn Đức Điển cho biết: "Ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, địa phương cùng với sự hưởng ứng, tham gia tích cực của người dân để tổ chức thực hiện phương án khôi phục sản xuất sau bão số 3 một cách chủ động nhằm bù đắp giá trị trong sản xuất nông nghiệp. Bên cạnh triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp của Trung ương, của tỉnh, ngành đã ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn kỹ thuật cụ thể cho từng lĩnh vực để phối hợp với các địa phương hướng dẫn bà con nông dân khôi phục các diện tích cây trồng, vật nuôi, mặt nước bị thiệt hại; rà soát các quỹ đất trống, chuồng trại trống để hướng dẫn người dân nuôi, trồng tăng thêm diện tích các loại cây trồng, đầu đàn vật nuôi trong vụ đông, góp phần tăng sản lượng cây trồng, vật nuôi và khai thác gỗ rừng trồng”.
Tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp linh hoạt cùng sự chung sức vượt khó, sáng tạo của cộng đồng doanh nghiệp và bà con nông dân, ngành nông nghiệp đã "vượt bão” thành công, đạt kết quả với những con số khá ấn tượng. Kết thúc năm 2024, tốc độ tăng trưởng ngành dự ước đạt 3,56%, đứng thứ 5/14 tỉnh khu vực trung du và miền núi phía Bắc, đứng thứ 24/63 tỉnh, thành phố cả nước; cơ cấu nông, lâm nghiệp, thủy sản ước đạt 21,10% trong cơ cấu GRDP của tỉnh.
Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh kiểm tra công tác khôi phục sản xuất nông nghiệp tại huyện Lục Yên.
Không chỉ nỗ lực khôi phục và duy trì sản xuất, các địa phương đã chú trọng phát triển những sản phẩm nông nghiệp chủ lực, lợi thế của từng địa phương theo hướng hàng hóa tập trung gắn với chuỗi liên kết giá trị bền vững.
Trong đó ghi nhận nhiều chuỗi liên kết sản xuất được duy trì và hoạt động có hiệu quả, điển hình như các chuỗi trồng dâu, nuôi tằm; chuỗi sản phẩm măng tre Bát độ; chuỗi sản xuất chè, chuỗi sản xuất quế hữu cơ. Bên cạnh đó, việc chuẩn hóa các khâu sản xuất để phục vụ tạo nhiều sản phẩm xuất khẩu cũng được ngành và các địa phương tập trung thực hiện.
Đến nay, toàn tỉnh đã có 36.800 ha rừng được cấp mới chứng chỉ rừng bền vững (FSC, PEFC/VFCS) và chứng nhận quế hữu cơ; cấp được 97 mã số vùng trồng với diện tích gần 1.150 ha phục vụ xuất khẩu và tiêu thụ nội địa, trong đó có 41 mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu trên cây chè, dó bầu, thảo quả, bưởi.
Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) có sự lan tỏa và phát triển mạnh mẽ khi các địa phương đã khai thác triệt để tài nguyên bản địa, bản sắc văn hóa - xã hội và công nghệ để tạo ra sản phẩm OCOP chất lượng, góp phần nâng tầm giá trị cho nông sản.
Đến nay, toàn tỉnh đã có 276 sản phẩm OCOP, trong đó nhiều sản phẩm đã khẳng định được vị thế trên thị trường và có mặt ở các cửa hàng, hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại lớn trên toàn quốc. Trong khó khăn, những thành quả đạt được đã trở thành dấu ấn của toàn ngành nông nghiệp trong bức tranh kinh tế - xã hội, góp phần giữ được mức tăng trưởng, góp phần vào tăng trưởng chung của tỉnh Yên Bái đạt 7,91%, xếp thứ 7/14 tỉnh trong khu vực, đứng thứ 25 toàn quốc.
Bước sang năm 2025, ngành nông nghiệp Yên Bái tiếp tục cơ cấu lại theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, đẩy mạnh phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới bền vững, phấn đấu tốc độ tăng trưởng ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản đạt khoảng 5,85%. Để đạt mục tiêu này, ngành tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp; thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp nhằm phục hồi sản xuất nông nghiệp sau thiên tai, góp phần gia tăng tốc độ tăng trưởng khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản; phát triển chăn nuôi theo hướng tập trung quy mô lớn, thu hút các dự án chăn nuôi quy mô công nghiệp sử dụng công nghệ cao.
Bên cạnh đó, ngành tiếp tục phát triển lâm nghiệp đa mục tiêu, thu hút các dự án đầu tư chế biến sâu, sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm nông, lâm sản theo chuỗi giá trị với công nghệ hiện đại, nhất là các sản phẩm từ gỗ rừng trồng, quế, măng tre Bát độ, sơn tra…; tiếp tục duy trì, phát triển vùng nguyên liệu chuyên canh với các sản phẩm chủ lực, đặc sản, được cấp chỉ dẫn địa lý, mã số vùng trồng, mã vạch sản phẩm, truy xuất nguồn gốc, áp dụng tiêu chuẩn quản lý chất lượng VietGAP, GlobalGAP... Đồng thời, ngành đẩy mạnh hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ nông dân được tiếp cận, tham gia các sàn giao dịch sản phẩm nông nghiệp, thương mại điện tử nhằm quảng bá, đa dạng hóa đầu ra, tăng sức cạnh tranh cho các sản phẩm nông sản Yên Bái.
Một số chỉ tiêu chủ yếu vượt kế hoạch năm 2024: sản lượng chè búp tươi ước đạt 68.473 tấn, đạt 102,2% kế hoạch; tổng đàn gia súc chính ước đạt 891.000 con, đạt 102,18% kế hoạch; sản lượng thịt hơi xuất chuồng các loại ước đạt 81.409 tấn, đạt 108,55% kế hoạch; trồng rừng ước đạt 15.804,6 ha, đạt 105,36% kế hoạch; khai thác gỗ rừng trồng ước đạt 912.711 m3, đạt 103,72% kế hoạch.
Văn Thông
Nguồn Điện Biên Phủ : https://baodienbienphu.com.vn/bai-thuong/kinh-te/vuot-bao