Cầu vượt cửa biển Thuận An đang vượt tiến độ theo kế hoạch. Ảnh: Minh Thư
Quy hoạch chung đô thị Huế đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 được Chính phủ phê duyệt tháng 1/2024, xác định Thừa Thiên Huế (nay là TP. Huế) là cực tăng trưởng của vùng động lực miền Trung về kinh tế biển, kinh tế du lịch, trung tâm về phát triển công nghiệp và cảng biển của quốc gia. Để làm động lực phát triển KT-XH, đầu tư hạ tầng giao thông kết nối liên vùng được xem là giải pháp mang tính chiến lược.
Dự án tuyến đường bộ ven biển và cầu qua cửa Thuận An giai đoạn 1 do Ban Quản lý dự án (QLDA) Đầu tư xây dựng Công trình giao thông thành phố làm chủ đầu tư. Công trình có tổng mức đầu tư 2.400 tỷ đồng, khởi công xây dựng vào tháng 3/2022, thực hiện với thời gian 3 năm, do liên danh nhà thầu Tân Nam - Đạt Phương - 479 Hòa Bình thi công. Quy mô tuyến dài gần 8km, trong đó phần cầu dài khoảng 2,36km, điểm đầu tuyến tại nút giao Quốc lộ 49B - cầu Tam Giang và điểm cuối nút giao Quốc lộ 49A - 49B.
Cùng niềm tự hào được “chinh phục” những công trình vượt biển mang tính lịch sử, ông Ngô Văn Trường, đại diện Công ty CP Xây dựng Tân Nam cho biết, cầu qua cửa Thuận An là công trình có quy mô lớn, trong đó công ty thực hiện gói thầu xây lắp với tổng giá trị hơn 1.100 tỷ đồng, gồm các hạng mục bắt đầu từ đường dẫn đầu cầu phía Hải Dương (cũ). Trong điều kiện công trình thi công vùng cửa biển, gặp thời tiết bất lợi nhưng nhà thầu triển khai nhiều giải pháp thi công hiệu quả, đảm bảo đúng tiến độ các hạng mục cũng như chất lượng công trình. Công trình cầu vượt cửa biển Thuận An đến nay đạt khoảng 80% giá trị xây lắp, dự kiến hoàn thành vào tháng 3/2025.
Tại nhiều buổi hội thảo, các chuyên gia kinh tế đã hiến kế cho tỉnh cần thu hút “ông lớn” đến đầu tư. Muốn làm được điều này phải từng bước cải thiện hệ thống hạ tầng giao thông. Vì vậy, thời gian qua, địa phương, các ban ngành đã và đang nỗ lực đầu tư những dự án giao thông lớn để kết nối liên vùng. Điển hình là hệ thống giao thông ở huyện Phú Vang - khu vực đồng bằng ven biển và đầm phá với nhiều bãi tắm đẹp, cảnh quan thu hút du khách.
Về các địa phương nằm giữa khu vực biển và đầm phá Tam Giang - Cầu Hai hiện nay, mọi người dễ dàng nhìn thấy từng bước chuyển mình của vùng đất, với các dự án đầu tư dịch vụ du lịch quy mô lớn được đăng ký và đang triển khai đầu tư. Trong lần tham quan Dự án sân golf quốc tế tại xã Vinh Xuân và Dự án khách sạn, du lịch Vinh Thanh của Tập đoàn BRG triển khai đầu tư hoàn thiện để đưa vào khai thác, mới thấy chính sách thu hút đầu tư của Huế đã “tác động” đến các xã vùng ven biển, đầm phá như thế nào.
Đầu năm 2024, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế (nay là TP. Huế) có quyết định phê duyệt đầu tư Dự án cầu qua phá Tam Giang, nối thị trấn Phú Đa đi xã Vinh Xuân (huyện Phú Vang), với tổng mức đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách. Chia sẻ về niềm vui sắp có cầu mới, ông Nguyễn Văn Trung, người dân thị trấn Phú Đa (Phú Vang) cho biết, từ lâu vùng đất ven biển, đầm phá chỉ biết đến cát trắng cùng cảnh cách trở đò giang. Khi nghe có dự án cầu cùng nhiều điểm du lịch quy mô lớn được khởi công, bà con rất phấn khởi. Có đường, có cầu sẽ mở ra nhiều cơ hội cho vùng đất đầm phá phát triển cũng như người dân xa trung tâm có việc làm, không phải tha phương kiếm sống.
Theo Sở Giao thông Vận tải, cầu qua phá Tam Giang nối thị trấn Phú Đa đi xã Vinh Xuân có chiều dài 1,4km, thời gian thực hiện dự kiến hoàn thành năm 2028, sẽ rút ngắn khoảng cách giữa các xã ven biển với trung tâm huyện Phú Đa và TP. Huế. Đây là cây cầu thứ 6 qua phá Tam Giang - Cầu Hai, sẽ tạo động lực thu hút đầu tư, phát triển KT-XH cũng như phục vụ nhu cầu dân sinh. Trong tương lai sẽ có thêm ít nhất 3 cây cầu bắc qua phá Tam Giang để hỗ trợ phát triển KT-XH.
Để “làm giàu từ biển”, Huế đang tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, kêu gọi đầu tư, hoàn thiện quy hoạch và triển khai các giải pháp phát triển kinh tế biển. Trong tương lai, hệ thống đường ven biển được xây dựng hoàn thành sẽ kết nối với những cây cầu bắc qua phá Tam Giang - Cầu Hai, tạo thuận lợi về giao thông, thu hút đầu tư cũng như tạo giao thương cho người dân.
Thời gian qua, Huế nỗ lực huy động nguồn vốn đầu tư công trên địa bàn từ ngân sách trung ương, địa phương và từ các bộ, ngành để đầu tư xây dựng các dự án trọng điểm phát triển khung hạ tầng như: Đường Tố Hữu nối dài đi sân bay Phú Bài; đường Nguyễn Hoàng và cầu vượt sông Hương; đường ven biển và cầu qua cửa Thuận An; đê chắn sóng cảng Chân Mây - giai đoạn 2. Đồng thời, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, đảm bảo phải giải ngân hết 100% kế hoạch vốn.
Với lợi thế có hơn 128km đường bờ biển, cùng hệ thống đầm phá Tam Giang - Cầu Hai lớn nhất khu vực Đông Nam Á với diện tích khoảng 22.000ha, quá trình xây dựng, quy hoạch đô thị TP. Huế trực thuộc Trung ương được xác định theo dạng mô hình “chùm đô thị, đa trung tâm”, vươn ra biển. Trên cơ sở đó, thời gian đến, TP. Huế định hướng xây dựng vùng đầm phá Tam Giang – Cầu Hai trở thành vùng du lịch sinh thái có tầm quốc gia và quốc tế, là vùng động lực phát triển cụm ngành kinh tế biển Trung Trung Bộ gắn với xây dựng khu vực Huế - TP. Đà Nẵng thành trung tâm kinh tế biển của quốc gia. Ưu tiên thu hút các dự án, đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng, kết nối giao thông thuận lợi cho phát triển du lịch, dịch vụ, nhất là hệ thống đường ven biển.
Hà Nguyên