Vượt đèn đỏ, đuổi theo kẻ cướp tài sản gây tai nạn có bị phạt tiền, phạt tù?

Vượt đèn đỏ, đuổi theo kẻ cướp tài sản gây tai nạn có bị phạt tiền, phạt tù?
2 giờ trướcBài gốc
Theo Luật Giao thông đường bộ 2008, đèn đỏ là tín hiệu cấm đi, yêu cầu tất cả các phương tiện phải dừng lại để đảm bảo an toàn cho giao thông. Khoản 4 Điều 11 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024 cũng nêu rõ, tín hiệu đèn màu đỏ là cấm đi. Do đó, việc vượt đèn đỏ là trái quy định pháp luật về an toàn giao thông.
Bên cạnh đó, lỗi đi ngược chiều khi tham gia giao thông là một trong những hành vi vi phạm luật giao thông phổ biến và nguy hiểm. Lỗi này xảy ra khi người tham gia giao thông điều khiển phương tiện đi vào làn đường hoặc phần đường dành riêng cho xe chạy theo chiều ngược lại. Hành vi này không chỉ vi phạm pháp luật mà còn đặt bản thân người vi phạm và những người tham gia giao thông khác vào tình huống nguy hiểm - luật sư Lê Hồng Vân – Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết.
Song, pháp luật hiện hành cũng nêu rõ, bất cứ chủ thể nào cũng có quyền bắt người phạm tội quả tang. Như vậy, không chỉ những người thi hành công vụ mà ngay cả những người dân vẫn có thể tham gia đuổi bắt tội phạm nếu phát hiện người phạm tội quả tang. Trong các vụ cướp, cướp giật tài sản, kẻ phạm tội đã có hành vi vi phạm pháp luật hình sự khi công khai, nhanh chóng chiếm đoạt tài sản của người khác. Do vậy, việc nạn nhân hay người khác đuổi theo tên cướp để lấy lại tài sản và có thể bắt được tội phạm là hành vi hợp pháp.
Bộ luật Hình sự 2015 đã có quy định về tình thế cấp thiết. Theo điều 23 Bộ luật này, tình thế cấp thiết là tình thế của người vì muốn tránh gây thiệt hại cho quyền, lợi ích hợp pháp của mình, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức mà không còn cách nào khác là phải gây một thiệt hại nhỏ hơn thiệt hại cần ngăn ngừa. Hành vi gây thiệt hại trong tình thế cấp thiết không phải là tội phạm.
Hiện trường một vụ cướp tài sản gây tai nạn chết người
Như vậy, trường hợp nạn nhân của một vụ cướp, cướp giật hoặc người khác tham gia hỗ trợ bắt cướp, nếu xảy ra tình huống buộc phải vượt đèn đỏ hoặc đi vào đường ngược chiều... để đuổi theo kẻ cướp nhằm bảo vệ quyền lợi của mình hoặc của người khác thì có thể được xem xét là vi phạm trong tình thế cấp thiết.
Trong trường hợp này, hành vi vi phạm quy định về an toàn giao thông có thể được miễn xử phạt hành chính vì người thực hiện hành vi này đã hành động với mục đích ngăn chặn thiệt hại lớn hơn.
Cũng theo luật sư Lê Hồng Vân, với trường hợp đuổi bắt cướp, cướp giật gây tai nạn, cá nhân thực hiện hành vi có thể phải chịu trách nhiệm pháp lý theo quy định. Khoản 2 Điều 23 BLHS 2015 nêu rõ, trường hợp thiệt hại gây ra rõ ràng vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết, người gây thiệt hại phải chịu trách nhiệm hình sự.
Để tránh rơi vào vòng lao lý, mỗi người tham gia giao thông cần phải nhận thức rõ dù có lý do chính đáng để hành động, nhưng việc vi phạm luật giao thông vẫn có thể dẫn đến những hệ quả nghiêm trọng. Do vậy, khi đối mặt với các tình huống khẩn cấp mỗi cá nhân cần bình tĩnh và đặt sự an toàn của mình và những người tham gia giao thông khác lên hàng đầu, cố gắng tìm kiếm giải pháp an toàn và hợp pháp nhất để xử lý như tri hô thật to kêu gọi sự trợ giúp của những người khác, cần trình báo cho công an khu vực nơi gần nhất để được hỗ trợ và xử lý tình huống một cách hiệu quả, an toàn - luật sư Lê Hồng Vân khuyến cáo.
Huệ Linh
Nguồn ANTĐ : https://anninhthudo.vn/vuot-den-do-duoi-theo-ke-cuop-tai-san-gay-tai-nan-co-bi-phat-tien-phat-tu-post592231.antd