Vượt đèn đỏ - nhanh chậm vài giây và oan uổng những mạng người

Vượt đèn đỏ - nhanh chậm vài giây và oan uổng những mạng người
2 ngày trướcBài gốc
Một hành vi - nhiều hệ lụy
Thời gian vừa qua, trên cả nước xuất hiện nhiều vụ tai nạn giao thông liên quan tới việc người điều khiển ô tô, xe máy… vi phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ, vượt đèn đỏ qua các ngã ba, ngã tư, nút giao, để lại nhiều hệ lụy.
Việc coi thường pháp luật về trật tự an toàn giao thông là một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn đến tai nạn giao thông và những cái chết thương tâm không đáng có. (Ảnh minh họa)
Thông tin từ Cục CSGT (Bộ Công an), năm 2024, toàn quốc xảy ra 21.532 vụ tai nạn giao thông đường bộ, làm chết 9.954 người, bị thương 16.044 người. Về nguyên nhân, ngoài do người điều khiển phương tiện đi không đúng chiều đường, phần đường, làn đường quy định; có 360 vụ tai nạn do người điều khiển phương tiện không chấp hành tín hiệu đèn giao thông (vượt đèn đỏ), làm chết 122 người, bị thương 301 người.
Phía sau những con số thống kê tưởng như khô khan ấy là rất nhiều bi kịch và sự tan hoang của các gia đình. Tai nạn giao thông đã để lại hệ lụy tâm lý dai dẳng, là sự ám ảnh đối với người sống sót, sự đau khổ của thân nhân người bị nạn và cả sự bất an, ức chế của hàng triệu người tham gia giao thông mỗi ngày - những người luôn sống trong nơm nớp lo sợ "tử thần" đột ngột ập đến mà nguyên nhân không phải xuất phát từ chính họ. Đây cũng là lời cảnh tỉnh cho toàn xã hội về hệ lụy khôn lường của hành vi không tuân thủ tín hiệu đèn giao thông.
Răn đe tương xứng để giao thông đi vào nề nếp
Vượt đèn đỏ là hành vi nguy hiểm, phản cảm, phản ánh sự xuống cấp về ý thức pháp luật và văn hóa ứng xử của một bộ phận người tham gia giao thông. Người vi phạm có thể viện dẫn hàng loạt lý do để biện minh cho hành vi của mình, nhưng ít ai nhận thức được rằng, họ không chỉ tự đặt bản thân vào vòng nguy hiểm mà còn kéo theo rủi ro cho những người khác trong quá trình lưu thông trên đường.
Thời gian qua, song song với thực tiễn hạ tầng giao thông ngày một được cải thiện, tình hình trật tự an toàn giao thông tại nhiều địa bàn trên cả nước có nhiều chuyển biến tích cực. Tình trạng người điều khiển phương tiện vượt đèn đỏ, đi trên vỉa hè… đã giảm rõ rệt, nhất là tại các đô thị lớn. Phần lớn người tham gia giao thông đã tự giác tuân thủ hiệu lệnh đèn tín hiệu ngay cả khi không có lực lượng Cảnh sát giao thông kiểm tra, kiểm soát. Tuy nhiên, bên cạnh đó, vẫn tồn tại một bộ phận chưa nghiêm túc chấp hành, khiến giao thông chưa thực sự đi vào nề nếp.
Vượt đèn đỏ là hành vi nguy cơ cao gây ra tai nạn và hiện nay, mức phạt đối với hành vi này cũng mang tính răn đe tương xứng. Tại Điều 260 Bộ luật Hình sự 2015 (được sửa đổi bởi khoản 72 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017) quy định về tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ, người có hành vi vượt đèn đỏ gây tai nạn giao thông mà gây thiệt hại cho người khác có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ, với mức hình phạt từ 01 năm đến 15 năm tù. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01-05 năm.
Năm 2025 đánh dấu một số thay đổi lớn trong việc áp dụng Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, trong đó, mức phạt đối với lỗi vượt đèn đỏ theo quy định của Nghị định 168/2024/NĐ-CP tăng lên gấp từ 3-6 lần so với quy định trước đây. Cụ thể, mức phạt đối với người điều khiển ô tô từ 4.000.000 đến 6.000.000 đồng lên 18.000.000 đến 20.000.000 đồng. Tương tự, với người điều khiển xe máy, hành vi này cũng bị phạt từ 800.000 đến 1.000.000 đồng lên 4.000.000 đến 6.000.000 đồng… Trường hợp vượt đèn đỏ và gây tai nạn, mức xử phạt sẽ cao hơn và bị trừ 10 điểm giấy phép lái xe. Đây được coi là một trong những thay đổi lớn nhằm răn đe mạnh mẽ những vi phạm gây nguy hiểm tại các giao lộ đông người.
Xác định việc tuân thủ hiệu lệnh đèn tín hiệu giao thông là trách nhiệm của công dân, bản thân người tham gia giao thông cần nâng cao ý thức tự giác chấp hành, bảo đảm an toàn cho bản thân và những người khác. Và, bên cạnh những kết quả đã đạt được, các cơ quan, đơn vị cần tiếp tục tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục an toàn giao thông, nhất là tại các đơn vị như trường học, đoàn thể..., giúp thay đổi về nhận thức, ý thức trách nhiệm của từng công dân khi tham gia giao thông. Hơn nữa, việc hiểu rõ quy định pháp luật và mức phạt đối với hành vi này không chỉ giúp người tham gia giao thông hạn chế vi phạm mà còn góp phần xây dựng một môi trường giao thông an toàn, văn minh.
Vũ Đậu
Nguồn Công Lý : https://congly.vn/vuot-den-do-nhanh-cham-vai-giay-va-oan-uong-nhung-mang-nguoi-484488.html