Vượt khó để bám nghề

Vượt khó để bám nghề
2 ngày trướcBài gốc
Cô giáo Trần Thị Hiền nhận giải A cuộc thi viết “Vượt lên số phận” lần thứ VII - Ảnh: NVCC
Nhân vật đặc biệt
Câu chuyện vượt qua bệnh tật để duy trì sự học của anh Võ Đức Đăng - bạn học cùng trường - đã làm rung động trái tim cô sinh viên Trần Thị Hiền khi còn ở giảng đường Trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Trị những năm 2009 - 2010.
Lọt lòng mẹ, Đăng không biết bố mình là ai. Mẹ anh sức khỏe kém, một mình vượt khó bươn chải nuôi anh ăn học. Nhà nghèo nên cuộc sống của hai mẹ con anh thiếu thốn đủ đường. Tuy vậy, Đăng là một đứa trẻ rất sáng trí, suốt những năm học phổ thông từ lớp 1 - 10, anh luôn là học sinh đứng ở top đầu của lớp.
Ngày tháng tưởng sẽ trôi qua êm đềm với hai mẹ con Đăng nhưng năm 2001, khi đang trong giờ bồi dưỡng học sinh giỏi môn Toán lớp 11, anh bỗng nhiên ngã lăn bất tỉnh. Hôn mê hơn nửa tháng, tỉnh dậy Đăng mất trí nhớ. Được người thân đưa đi chữa trị khắp nơi nhưng bệnh tình của Đăng vẫn không thuyên giảm.
Suốt hai năm trời, chiều nào anh cũng bị cơn đau hành hạ đến khó thở, tức ngực. Sau này, anh được chẩn đoán bị bệnh thần kinh dạng hiếm gặp và điều trị nên bệnh có phần thuyên giảm. Tuy nhiên, anh vẫn không nhớ được chữ để đọc, viết. Đăng quyết tâm mày mò tập viết, tập đọc, làm toán từ đầu. Vừa học, vừa rèn luyện trí nhớ, dần dần, ý thức cũ trở lại với anh nhưng không được như cũ.
Cô Trần Thị Hiền soạn giáo án điện tử chuẩn bị lên lớp - Ảnh: K.S
Hai năm sau, anh Đăng tiếp tục đến trường học tiếp THPT. Dù không học giỏi như trước nhưng anh vẫn thi đậu vào Khoa Toán, Trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Trị. Thời gian đấu tranh với bệnh tật để đeo bám con chữ của Đăng quả là kỳ tích vì thỉnh thoảng, bệnh động kinh của anh lại tái phát.
“Quen nhau khi học năm 2 tại Trường Cao đẳng sư phạm Quảng Trị, trong một lần Đăng đến nhà tôi chơi, anh bất ngờ lên cơn bệnh động kinh, la hét, đập phá đồ đạc rất dữ dội.
Cảnh tượng đó diễn ra trước mắt ba mẹ tôi nên họ rất bất ngờ. Sau lần phát bệnh tại nhà bạn gái, Đăng cứ nghĩ sẽ bị gia đình và tôi từ chối, lánh xa nhưng tôi vẫn nắm tay anh, động viên anh vượt khó cho đến tận bây giờ. Hiện chúng tôi có hai người con trai, các cháu chăm ngoan, học giỏi. Đó là động lực để chồng tôi vượt lên bệnh tật, sống tốt hơn”, cô giáo Hiền trải lòng.
Hơn 10 năm dạy hợp đồng
Tốt nghiệp ngành sư phạm Văn - Sử, Trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Trị vào năm 2010, từ năm 2010 - 2012, cô Hiền xin dạy hợp đồng tại nhiều trường học khác nhau, từ đồng bằng cho đến huyện miền núi Đakrông. Dù đồng lương ít ỏi nhưng vì đam mê với nghề, cô vẫn theo đuổi công việc này.
Năm 2015, sau khi sinh con mới được 4 tháng, cô Hiền tiếp tục xin đi dạy hợp đồng ở huyện miền núi. Do đi làm xa, thương con ở nhà khát sữa, dạy được 5 tháng cô đành nghỉ tìm việc gần nhà để tiện chăm sóc con và mẹ chồng thường xuyên đau ốm. Từ đó, cô vất vả làm nhiều nghề để kiếm tiền lo trang trải sinh hoạt trong gia đình 5 người sống trong căn nhà tình thương được địa phương hỗ trợ xây dựng nhiều năm trước.
Ngôi nhà xuống cấp, nền đất, mái tôn bị rách nhiều chỗ, mùa mưa ướt khắp nhà. Hai vợ chồng thất nghiệp, nhà không có đất sản xuất, anh Đăng tìm mua tre ở địa phương, học cách làm giường bán cho ai có nhu cầu mua làm sạp hàng, nằm họng mát... Bữa cơm trong gia đình lúc nào cũng thiếu thốn nhưng không vì thế mà họ mất đi hòa khí.
Không thể tiếp tục sống trong căn nhà tạm bợ, năm 2017, hai vợ cô chồng vay tiền xây dựng trước hạng mục nhà bếp và khu vệ sinh để có nơi ở an toàn. Lo lắng vì khoản nợ xây nhà, anh Đăng tiếp tục làm giường bán, cô Hiền hai buổi chợ quê, tiếp tục chắt bót mua dần đồ dùng trong nhà...
Gia đình nhỏ của cô Trần Thị Hiền - Ảnh: NVCC
Hai năm không được đứng lớp, cô Hiền rất nhớ nghề, nhớ học sinh. Được chồng động viên, từ năm 2017 đến nay, cô tiếp tục xin dạy hợp đồng ở nhiều ngôi trường trong tỉnh. Có những năm học, buổi sáng cô dạy tại xã Hải An, huyện Hải Lăng, chiều dạy ở Đông Hà.
Tại các trường dạy hợp đồng, không chỉ hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn, cô Hiền còn tham gia viết kịch bản các tiểu phẩm cho lớp, cho trường tham gia các cuộc thi của trường, ngành giáo dục tổ chức; tích cực tham gia các hoạt động, phong trào khác của nhà trường. Còn anh Đăng đi dạy kèm cho con em ở trong vùng có nhu cầu.
Cô Hiền chia sẻ: “Thu nhập bình quân mỗi tháng dạy hợp đồng ở các trường của tôi từ 2 - 4 triệu đồng nhưng tôi vẫn thích gắn bó với công việc này. Cảm giác được đứng trên bục giảng truyền cảm hứng cho học sinh đam mê môn Văn - Sử; được tham gia đóng góp vào các hoạt động, phong trào của nhà trường giúp tôi thấy chặng đường đi dạy bớt xa”.
Tấm lòng vì cộng đồng
Từng dạy hợp đồng tại một số trường học miền núi, thấy nhiều học sinh người đồng bào dân tộc thiểu số đến trường với bộ áo quần mỏng manh, cũ nát, cô Hiền rất thương và mong muốn làm được việc gì đó cho các em.
Thời điểm COVID-19 diễn biến phức tạp, người dân miền Nam, trong đó có một người bạn của cô rất cần tiếp viện lương thực, thực phẩm. Lúc đó cô Hiền muốn đóng góp một phần nhỏ hỗ trợ bạn ở xa. Kinh tế gia đình khó khăn, cô quyết định bán đôi bông tai vàng 18K - là kỷ vật của mẹ tặng trong ngày cưới với số tiền hơn 1 triệu đồng để mua rau, củ, quả tươi gửi vào cho bạn. Sau khi dịch bệnh ổn định, bạn trở về quê, hỏi thăm những người xung quanh, biết được hoàn cảnh của gia đình cô Hiền vất vả nên mong muốn hỗ trợ.
“Bạn tôi mở xí nghiệp may mặc, xuất hàng hóa ra nước ngoài. Những sản phẩm xuất dư, lỗi nhẹ bạn gửi về cho tôi bán kiếm thêm thu nhập. Nguồn áo quần bạn gửi về nhiều nên tôi xin dành một phần chia cho mấy chị em có hoàn cảnh khó khăn trong thôn để họ bán có thêm tiền mua gạo, thức ăn. Một phần tôi đóng gói gửi lên cho học sinh nghèo ở một số trường học miền núi. Tôi luôn thầm cảm ơn bạn mình vì không chỉ giúp đỡ tôi mà còn nhiều người khác”, cô Hiền cho biết.
Ở thôn Đùng Hói Bàu, cô Hiền được tín nhiệm bầu làm Chi hội phó Chi hội phụ nữ thôn kiêm kế toán hợp tác xã nhiệm kỳ 2020-2026. Với suy nghĩ hiến tạng là một nghĩa cử cao đẹp, ươm mầm sự sống cho nhiều người bệnh, năm 2021, cô Hiền đã đăng ký hiến tạng tại Bệnh viện Chợ Rẫy.
Không cho phép mình có thời gian nhàn rỗi, những lúc xong việc ở trường, soạn giáo án, hướng dẫn con cái học bài cũ... cô lại ngồi vào bàn để viết tản văn, kịch bản tiểu phẩm... Nhiều bài viết của cô được đăng trên đặc san Nhà báo và quê hương của Hội Nhà báo tỉnh Quảng Trị, tạp chí Cửa Việt...
Năm 2022, cô tổng hợp những bài tản văn của mình, được Nhà xuất bản Hội Nhà văn in sách với tựa đề “Mỏng mảnh xuyến chi”. Đầu năm 2023, cô được kết nạp vào Hội viên Hội Văn học nghệ thuật tỉnh, sinh hoạt tại Phân hội Văn học. Là người có chí tiến thủ, để nâng cao trình độ, hiện cô Hiền đang theo học Đại học Luật.
Nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn, năm 2022, vợ chồng cô giáo Hiền tiếp tục vay mượn cơi nới nhà lần thứ 3. Trên nền nhà cũ rách nát năm xưa giờ đã mọc lên ngôi nhà khang trang hơn. Trong tác phẩm “Cây xanh vươn trên đá cằn” đoạt giải A, đoạn kết cô Hiền viết: “Cây xanh đã vươn lên từ đất cằn, từ đá sỏi, loài cây ấy vẫn tỏa bóng cho thỏa sắc xanh, vẫn bền bỉ sinh sống và cống hiến. Trong những bước chuyển mình của làng quê hôm nay, vẫn luôn có dấu chân anh đi về sớm tối, vẫn luôn có dáng hình vợ chồng anh lao động hăng say, vẫn luôn có một mái nhà kiên cố, mà mỗi khi nhìn thấy căn nhà ấy, người dân thôn Đùng Hói Bàu lại vững tin vào câu chuyện cổ tích giữa đời thường: Có ý chí thì sẽ vươn lên, có cố gắng lao động thì sẽ kiến tạo cuộc sống mới tốt đẹp hơn nhiều lần”.
Cây xanh vươn lên từ đất cằn để tỏa bóng mát. Vợ chồng cô Hiền vươn lên từ gian khó, bệnh tật để ươm mầm con chữ và lặng lẽ gieo yêu thương bằng những việc làm giản đơn nhưng đầy ý nghĩa.
Kô Kăn Sương
Nguồn Quảng Trị : http://www.baoquangtri.vn/vuot-kho-de-bam-nghe-190868.htm