Mấy năm nay thay vì chỉ trồng lúa, nhiều hộ gia đình ở Núa Ngam đã mạnh dạn chuyển đổi sang các loại rau màu và cây ăn quả, thích nghi với điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng. Gia đình anh Trần Trọng Khường, thôn Hợp Thành nổi bật với mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả, giúp ổn định đời sống và mở ra hướng phát triển mới cho nông dân địa phương.
Trước đây, phần lớn diện tích canh tác tại Núa Ngam được dùng để trồng lúa. Tuy nhiên, do điều kiện địa lý và khí hậu, đặc biệt là việc toàn bộ xã chỉ sử dụng nước giếng khoan, nhiều hộ dân đã gặp khó khăn trong việc duy trì sản xuất. Mùa khô kéo dài khiến nguồn nước bị suy giảm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất cây trồng. Chỉ riêng năm 2024, xã Núa Ngam đã có 9,07ha lúa đông xuân và 3,75ha rau màu vụ đông không thể canh tác do thiếu nước tưới.
Nhận thấy những hạn chế này, từ năm 2018, gia đình anh Trần Trọng Khường đã chủ động tìm hiểu mô hình chuyển đổi cây trồng, học hỏi kinh nghiệm từ các địa phương khác, đồng thời thử nghiệm các loại rau màu, cây ăn quả chịu hạn tốt trên diện tích đất sản xuất của gia đình. Hiện tại, gia đình anh đang trồng các loại rau như: Bí đỏ, bắp cải, súp lơ, kết hợp giữa trồng lúa và rau màu để tối ưu hóa diện tích canh tác.
Nhiều hộ gia đình tại xã Núa Ngam đã mạnh dạn chuyển đổi sang các loại rau màu và cây ăn quả, thích nghi với điều kiện tự nhiên
Anh Khường chia sẻ: "Những năm đầu chuyển đổi cây trồng thực sự rất khó khăn vì mình chưa có kinh nghiệm, chưa biết cây nào phù hợp với điều kiện đất đai và nguồn nước. Nhưng dần dần, qua học hỏi và thử nghiệm, tôi nhận thấy các loại rau màu, cây ăn quả có khả năng chịu hạn tốt là hướng đi phù hợp".
Tổng diện tích sản xuất của gia đình anh Khường là 13.000m2, được chia thành 2 khu chính: Khu đất 6.000m2, đầu năm trồng bí đỏ, sau đó vào vụ mùa quay về trồng lúa; khu đất 7.000m2 chuyên canh rau màu với 3 vụ mỗi năm.
Anh Khường cho biết: "Trồng rau màu có thể linh động. Bí đỏ, bắp cải hay súp lơ không chỉ phù hợp với khí hậu mà còn mang lại thu nhập tốt hơn. Quan trọng là phải biết sắp xếp mùa vụ hợp lý".
Để thích nghi với điều kiện khan hiếm nước, anh đã lắp đặt hệ thống nước giếng khoan, tưới ngầm, giúp duy trì nguồn nước tưới ổn định. Ngoài ra, gia đình anh lựa chọn những loại cây trồng tiêu hao nước ít. Mô hình canh tác của gia đình anh Khường đã đảm bảo thu nhập ổn định và mở ra cơ hội hướng đi mới phát triển kinh tế cho nhiều hộ gia đình khác trong xã.
Năm 2024, xã Núa Ngam có 9,07ha lúa đông xuân và 3,75ha rau màu vụ đông không thể gieo trồng do thiếu nước tưới
Với cách làm linh hoạt trong chuyển đổi cây trồng, gia đình anh Khường đạt kết quả bước đầu đáng khích lệ. Mỗi 1.000m2 lúa nước cho thu hoạch 5 - 6 tạ thóc, doanh thu khoảng 5 triệu đồng. Về bí đỏ, năng suất đạt 2 tấn/1.000m2, doanh thu khoảng 10 triệu đồng, sau khi trừ chi phí thu lợi nhuận 6,5 triệu đồng. Tổng sản lượng 1 vụ thu hoạch 15 tấn, doanh thu 80 triệu đồng. Với bắp cải hai vụ mỗi năm; mỗi vụ thu hoạch khoảng 4 - 5 tấn/1.000m2, doanh thu đạt 12 triệu đồng. Ngoài ra, anh còn trồng súp lơ và một số loại rau màu khác để đa dạng nguồn thu.
"Trước đây, trồng lúa một năm chỉ thu được một vụ, lợi nhuận không cao mà còn phụ thuộc nhiều vào thời tiết. Với mô hình trồng kết hợp như hiện nay, tôi có thể thu hoạch liên tục quanh năm, vừa giảm bớt rủi ro, vừa có nguồn thu nhập ổn định" - anh Khường cho biết thêm.
Một trong những yếu tố giúp gia đình anh Khường thành công là việc chủ động tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm. Hiện nay, anh kết hợp cả bán buôn và bán lẻ, tự liên hệ với các đầu mối tiêu thụ. Các thương lái thường về tận vườn thu mua số lượng lớn, trong khi một phần nông sản được bán trực tiếp tại các chợ trên địa bàn.
Bắp cải và bí đỏ là hai loại rau màu chịu hạn tốt, được ưu tiên lựa chọn để gieo trồng ở Núa Ngam.
Không dừng lại ở quy mô hộ gia đình, anh Khường đang có kế hoạch mở rộng mô hình theo hướng hợp tác xã. Anh đã trao đổi và đề xuất ý kiến với cán bộ khuyến nông xã Núa Ngam về việc thành lập một hợp tác xã nông nghiệp, từ đó xây dựng chuỗi sản phẩm đạt chuẩn OCOP.
"Tôi muốn không chỉ gia đình mình phát triển mà bà con trong vùng có thể cùng nhau làm giàu từ nông nghiệp. Nếu có một hợp tác xã, chúng tôi sẽ dễ dàng tiếp cận thị trường lớn hơn, sản phẩm cũng có thương hiệu rõ ràng hơn" - anh Khường chia sẻ.
Mô hình chuyển đổi cây trồng của gia đình anh Trần Trọng Khường chính là minh chứng cho sự vượt khó trong sản xuất nông nghiệp tại Núa Ngam. Dù đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt là tình trạng thiếu nước nghiêm trọng, anh và một số gia đình khác đã tìm ra hướng đi phù hợp, góp phần thay đổi diện mạo nông nghiệp địa phương. Nếu nhận được sự hỗ trợ tốt hơn về kỹ thuật, vốn và thị trường tiêu thụ, mô hình này hoàn toàn có thể nhân rộng, giúp nhiều hộ dân khác thoát nghèo, vươn lên làm giàu từ chính mảnh đất quê hương.
Thu Thảo