Vượt khó, xây dựng gia đình hạnh phúc

Vượt khó, xây dựng gia đình hạnh phúc
một ngày trướcBài gốc
Viết đơn xin ra khỏi danh sách hộ nghèo
Gia đình chị Phạm Thị Chiến (33 tuổi), ở thôn Huy Ba 2, xã Ba Động, từng là hộ nghèo. “Lúc mới kết hôn, vợ chồng tôi đều đi làm thuê. Sau khi được Nhà nước hỗ trợ trâu giống, vợ chồng tôi có điều kiện phát triển kinh tế, nên mượn thêm vốn để xây chuồng trại kiên cố; đồng thời nuôi thêm gà, vịt. Đến năm 2015, vợ chồng tôi chủ động viết đơn xin ra khỏi danh sách hộ nghèo của xã. Dù khi ấy kinh tế gia đình vẫn còn chật vật, nhưng vợ chồng tôi bàn bạc, thống nhất là mình vẫn còn trẻ, có sức lao động nên muốn tự lực vươn lên và nhường cơ hội được hỗ trợ cho các gia đình khó khăn hơn”, chị Chiến trải lòng.
Vợ chồng chị Chiến lựa chọn mô hình chăn nuôi, trồng trọt kết hợp với buôn bán tạp hóa để phát triển kinh tế. Ban đầu, việc chăn nuôi gặp không ít khó khăn do thiếu kinh nghiệm. Nhưng chị không bỏ cuộc, tranh thủ học hỏi kỹ thuật từ cán bộ khuyến nông và những hộ dân làm kinh tế giỏi ở địa phương. Nhờ sự kiên trì, ngoài chăn nuôi 2 con trâu, chị Chiến duy trì mô hình chăn nuôi vịt và gà thả vườn, mỗi năm xuất bán khoảng 200 con vịt, 100 con gà. Bên cạnh đó, vợ chồng chị còn trồng hơn 2ha keo và một số loại cây ăn quả như bưởi, mít.
Chị Chiến bộc bạch, kinh tế gia đình dần ổn định nên năm 2020, gia đình tôi có điều kiện xây lại ngôi nhà mới khang trang. Và đến năm 2023, vợ chồng tôi hạnh phúc đón thêm đứa con thứ hai. Vì mình là người đồng bào dân tộc thiểu số nên khi sinh con thứ hai, tôi được hưởng gói hỗ trợ sinh đẻ an toàn, còn con thì được chăm sóc sức khỏe từ Dự án 8, thuộc Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, giai đoạn 2021 - 2025. Nhờ vậy, sức khỏe của tôi hồi phục rất nhanh, em bé sinh ra được chăm sóc tốt, tiêm các loại vắc-xin. Vợ chồng tôi cũng quyết định dừng lại ở 2 con, kế hoạch hóa gia đình, để có điều kiện chăm lo đầy đủ cho các con, xây dựng gia đình hạnh phúc.
“Cũng như nhiều hộ đồng bào DTTS ở miền núi, gia đình tôi được Đảng, Nhà nước quan tâm, hỗ trợ nhiều thứ. Thế nhưng, từ sự giúp đỡ ấy, mình phải cố gắng, không trông chờ, ỷ lại thì mới có thể thoát nghèo bền vững, vươn lên làm giàu”, chị Chiến khẳng định.
Sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm
Thoát nghèo từ năm 2022, giờ đây, gia đình chị Phạm Thị Đào (36 tuổi), ở thôn Huy Ba 1, xã Ba Động, không chỉ tích cực phát triển kinh tế, mà còn sẵn lòng chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi cho nhiều hộ khó khăn trong thôn.
“Ngày trước, vợ chồng tôi chỉ làm ruộng, trồng keo nên cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Đến năm 2020, được tham gia nhiều lớp tập huấn về chăn nuôi và tìm hiểu thêm thông tin trên báo, nên vợ chồng tôi vay vốn ưu đãi để xây chuồng trại và trồng cỏ, chăn nuôi bò sinh sản. Trong quá trình chăn nuôi, tôi luôn chú trọng công tác phòng bệnh cho vật nuôi và chủ động nguồn thức ăn xanh, nhờ vậy mà hạn chế tối đa dịch bệnh, bò sinh sản, phát triển tốt”, chị Đào chia sẻ.
Gia đình chị Phạm Thị Đào, ở thôn Huy Ba 1, xã Ba Động, thoát nghèo nhờ mô hình chăn nuôi bò sinh sản.
Hiện nay, gia đình chị Đào đang nuôi 4 con bò sinh sản, trung bình mỗi năm xuất bán 4 con bê và trồng hơn 5ha keo.
Đầu năm 2025, chị được địa phương tin tưởng chọn làm trưởng nhóm để hỗ trợ kỹ thuật cho các hộ dân trong thôn được cấp bò sinh sản từ Dự án 3: Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị thuộc Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, giai đoạn 2021 - 2025. Trưởng thôn Huy Ba 1 Phạm Văn Đậu cho biết, là trưởng nhóm nên chị Đào tích cực chia sẻ những gì mình biết để hỗ trợ người dân chăn nuôi bò sinh sản. Sau nửa năm, bò của các hộ trong nhóm đều sinh trưởng tốt, hứa hẹn đây sẽ là mô hình giúp nhiều gia đình trong thôn thoát nghèo, vươn lên ổn định cuộc sống giống như gia đình chị Đào.
Bài, ảnh: H.THU
Nguồn Quảng Ngãi : https://baoquangngai.vn/vuot-kho-xay-dung-gia-dinh-hanh-phuc-54640.htm