Vượt lên nỗi đau, mẹ và vợ liệt sĩ hy sinh khi cứu 3 em nhỏ đuối nước, vẫn tần tảo nuôi dạy con cháu nên người

Vượt lên nỗi đau, mẹ và vợ liệt sĩ hy sinh khi cứu 3 em nhỏ đuối nước, vẫn tần tảo nuôi dạy con cháu nên người
một ngày trướcBài gốc
"Nếu không có đại úy Minh, con em đã không còn"
Sáng 21/7, chợ Vĩnh Lợi (xã Phù Mỹ, tỉnh Gia Lai) vẫn nhộn nhịp như thường lệ. Dưới sự hướng dẫn nhiệt tình của nữ nhân viên y tế thôn bản Nguyễn Thị Ngọc Giàu, PV Báo Sức khỏe & Đời sống đã gặp được chị Võ Thị Kỹ (sinh năm 1988, trú thôn Vĩnh Lợi 1).
Đứng sau quầy bán sương sa và đậu xanh, chị Kỹ vừa thoăn thoắt múc sương sa vừa kể với tôi: "Con trai em giờ bình thường rồi anh ạ, nhưng mỗi lần nghe đến chuyện tắm biển là nó rùng mình. Nó bảo không muốn ra biển nữa".
Chị Võ Thị Kỹ - mẹ bé Dương Võ Hải Nhàn được đại úy Nguyễn Hoàng Minh cứu sống đang bán thức uống ở chợ Vĩnh Lợi (xã Phù Mỹ, tỉnh Gia Lai). Người mặc áo hồng là nữ nhân viên y tế thôn bản Nguyễn Thị Ngọc Giàu. Ảnh: Đỗ Bá.
Chị Kỹ có bốn người con. Cuộc sống gia đình chị trôi qua bình yên với chồng làm nghề biển, vợ bán đồ uống ở chợ. Dương Võ Hải Nhàn (sinh năm 2013) là con trai cả của chị.
Khoảng 17h30 ngày 28/5, khi đang vui đùa tại bãi biển thôn Vĩnh Lợi 1, Hải Nhàn và hai bạn nhỏ bất ngờ đuối nước. Đại úy Nguyễn Hoàng Minh (sinh năm 1985, Chính trị viên phó Tiểu đoàn 4, Lữ đoàn Đặc công Nước 5) - khi ấy đang tắm biển cùng gia đình - đã không ngần ngại lao mình vào dòng nước xoáy, lần lượt cứu từng cháu nhỏ vào bờ. Khi cháu thứ ba vào đến vùng an toàn, anh Minh kiệt sức và gục xuống. Dù được người dân hỗ trợ đưa đi cấp cứu, anh đã trút hơi thở cuối cùng trên đường tới cơ sở y tế.
Ba đứa trẻ được cứu sống. Đại úy Minh ra đi. Người lính ấy đã đánh đổi sinh mạng mình để giữ lại sự sống cho ba đứa trẻ xa lạ.
Mẹ con chị Võ Thị Kỹ thắp nhang viếng anh linh đại úy Nguyễn Hoàng Minh - ân nhân của gia đình. Người đội khăn trắng chịu tang là chị Cao Thụy Thanh Ly - vợ đại úy Minh. Ảnh: NVCC.
Chính nhờ sự hy sinh dũng cảm của người lính đặc công ấy, các em nhỏ - trong đó có Dương Võ Hải Nhàn - đã được cứu sống. Giờ đây, Hải Nhàn tiếp tục đến trường, mang theo ước mơ vào đại học – một ước mơ từng cận kề tan biến nếu không có sự can thiệp kịp thời, dũng cảm của người lính đặc công.
"Cả nhà em có được cuộc sống bình thường, cháu Nhàn được bảo toàn mạng sống là nhờ sự hy sinh của đại úy Minh. Gia đình em mãi mang ơn anh ấy. Nếu không có đại úy Minh, có lẽ con em đã không còn...", chị Kỹ nghẹn giọng.
Mất mát và tiếp nối yêu thương
Chiều 22/7, chúng tôi tìm đến ngôi nhà nhỏ của Đại úy Minh ở xã Lộc An, Long Thành, tỉnh Đồng Nai. Nỗi buồn vẫn bao trùm căn nhà nhỏ bởi thiếu vắng bàn tay, hơi ấm của một người đàn ông. Bà Trần Thị Thảo (sinh năm 1966) – mẹ của anh – bật khóc khi nghe nhắc đến ba chữ "Đại úy Minh".
"Minh là con một, mẹ con tôi quấn quýt trừ khi Minh đi học và đi làm. Vậy mà hôm ấy, Minh xin đi cả tuần để cho các con được nghỉ hè… rồi đi luôn không về" – bà Thảo nghẹn ngào nói.
Bà Trần Thị Thảo - mẹ đại úy Minh - mắt đỏ hoe khi nhắc tới con trai. Ảnh: Đỗ Bá.
Được biết, gia đình đại úy Minh neo đơn, anh sống cùng mẹ và bà ngoại từ nhỏ, hai bên nội – ngoại đều chỉ có một mình anh. Anh kết hôn với chị Cao Thụy Thanh Ly (sinh năm 1990), cũng là con một. Hai vợ chồng san sẻ chăm lo cho cả hai bên gia đình.
Họ có hai con là bé trai Nguyễn Cao Khánh Nguyên (9 tuổi, sắp vào lớp 3) và con gái Nguyễn Cao Khánh Nghi (7 tuổi, chuẩn bị vào lớp 1). Hai bé đều ngoan ngoãn, học giỏi nên hè vừa rồi, vợ chồng anh thưởng cho hai con về quê ngoại nghỉ hè, chơi với biển. Không ngờ rằng, chuyến về quê dài ngày này lại trở thành chuyến đi xa mãi mãi của anh.
Sau khi anh Minh mất, mẹ vợ anh phát hiện mắc bệnh hiểm nghèo. Chị Ly trở thành trụ cột cả hai bên nội ngoại. Chị phải nghỉ việc công ty để về chăm mẹ ruột, vừa chăm con vừa làm bánh bò bán tại nhà và bán online để mưu sinh.
Bà Thảo cho biết, trước đây dù gần 60 tuổi, bà vẫn đi làm phụ quán mì cách nhà hơn một cây số để san sẻ gánh nặng kinh tế với con trai. "Còn sức thì còn làm. Vả lại, tôi còn phải chăm mẹ già nữa", bà chia sẻ.
Bà ngoại, con trai đầu và mẹ đại úy Nguyễn Hoàng Minh thắp nhang cho anh. Ảnh: Đỗ Bá.
Nhưng sau tang lễ của con trai, sức khỏe bà Thảo yếu hẳn, chỉ còn làm được vài tiếng mỗi ngày. "Chủ quán mì biết chuyện nên thông cảm, còn khuyên tôi đừng khóc nữa. Họ nói đúng, nhưng tình mẹ con bao năm gắn bó, sao có thể nguôi được trong một ngày...", bà Thảo nói rồi bật khóc.
Cũng theo bà Thảo, vắng anh Minh, gia đình bà hay gia đình chị Ly đều sốc và hụt hẫng. Họ mất đi người con hiếu thảo, thương yêu vợ con, không chỉ là trụ cột về kinh tế mà còn là trụ cột về tinh thần.
"Tôi đọc báo, nghe đài, xem tivi, thấy không ít câu chuyện hy sinh giữa thời bình, như chiến sĩ hy sinh cứu người, như bác sĩ hết lòng vì bệnh nhân trong thời kỳ COVID-19… Tôi xót thương vô hạn cho họ và người thân của họ nhưng nào nghĩ tới một ngày con trai tôi cũng hy sinh như vậy, một ngày tôi cũng là người trong cuộc…", bà Thảo nghẹn lời.
Cũng theo bà Thảo: "Không ai có thể nguôi ngoai mất mát ấy trong một ngày. Minh là đứa con hiếu thảo, thương vợ thương con, là chỗ dựa của cả hai bên nội ngoại. Nó đi rồi, như nhà mất nửa mái. Dù sự mất mát chưa nguôi, nhưng cuộc sống vẫn phải tiếp diễn. Tôi và con dâu giờ phải gánh vác hai bên nội ngoại, để lo cho các cháu được học hành, nên người, sống tử tế và tự hào về người cha anh hùng của mình…".
Hai con của đại úy Nguyễn Hoàng Minh chịu tang cha hôm tang lễ. Ảnh: NVCC
Đại úy Nguyễn Hoàng Minh đã ngã xuống, để ba đứa trẻ được sống. Nhưng sự mất mát của gia đình anh là vĩnh viễn. Trong hành động dũng cảm ấy, anh không chỉ cứu ba mạng người, mà còn khơi dậy trong cộng đồng tình yêu thương, sự đồng cảm và trách nhiệm lan tỏa.
Chính quyền, đoàn thể và nhân dân đã đến thăm viếng, hỗ trợ gia đình anh bằng những hành động thiết thực. Mẹ con chị Võ Thị Kỹ - người được anh Minh cứu giúp - cũng đã vào tận nơi thắp nén hương cảm tạ.
Giờ đây, hai con của đại úy Minh - Khánh Nguyên và Khánh Nghi - đang từng ngày lớn lên trong tình yêu thương của bà, của mẹ. Khánh Nguyên ở với bà nội, Khánh Nghi phụ mẹ bán hàng, chăm sóc bà ngoại.
Dù còn nhỏ, các em đã biết thắp hương cho ba mỗi ngày, tự hào ba mình là người hùng. Sự trong trẻo trẻ thơ là nguồn động lực để người mẹ vượt qua mất mát, xoa dịu vết thương lòng.
Lực lượng vũ trang phân ưu cùng gia đình đại úy Nguyễn Hoàng Minh. Ảnh: NVCC.
Hành trình phía trước vẫn còn dài. Gánh nặng giờ đây đặt lên vai mẹ anh và người vợ trẻ - hai người phụ nữ đang gồng mình để giữ gìn tương lai cho hai đứa trẻ.
Hai con anh Minh cần được tiếp tục chăm sóc, được học hành và chở che trong tình yêu thương. Chăm lo cho hai con đại úy Minh không chỉ là trách nhiệm của gia đình mà còn là lời hứa chung của xã hội đối với một người lính vì người khác mà hy sinh cả tính mạng của mình.
Đỗ Bá
Nguồn SK&ĐS : https://suckhoedoisong.vn/vuot-len-noi-dau-me-va-vo-liet-si-hy-sinh-khi-cuu-3-em-nho-duoi-nuoc-van-tan-tao-nuoi-day-con-chau-nen-nguoi-16925072419040775.htm