Sau 9 tháng đầu năm, Tôn Đông Á đã hoàn thành 107% mục tiêu lãi cả năm nay.
Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Tôn Đông Á (mã cổ phiếu GDA - sàn UPCoM) sẽ chốt quyền nhận cổ tức năm 2023 bằng tiền mặt trong ngày hôm nay (11/11). Tỷ lệ thực hiện quyền là 10%, tương ứng cổ đông sở hữu 01 cổ phiếu sẽ nhận được 1.000 đồng cổ tức.
Cổ tức dự kiến sẽ được Tôn Đông Á thanh toán vào ngày 6/12 tới đây. Với 114,7 triệu cổ phiếu, ước tính Tôn Đông Á cần chi khoảng 114,7 tỷ đồng để trả cổ tức.
Trước đó, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024, cổ đông Tôn Đông Á đã thông qua kế hoạch trả cổ tức năm 2023 bằng tiền mặt với tỷ lệ 10% và bằng cổ phiếu với tỷ lệ 100:20, tương ứng cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu sẽ được nhận thêm 20 cổ phiếu.
Tôn Đông Á cho biết, nếu được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận, côn ty sẽ triển khai và hoàn thành kế hoạch phát hành cổ phiếu để trả cổ tức trong quý 4/2024 hoặc quý 1/2025. Qua đó, ước tính vốn điều lệ sẽ tăng từ 1.147 tỷ đồng lên hơn 1.376 tỷ đồng.
Xét về hoạt động kinh doanh, lũy kế 9 tháng đầu năm, doanh thu thuần của Tôn Đông Á đạt 15.248 tỷ đồng và lãi ròng đạt 320 tỷ đồng, lần lượt tăng 20% và 21,5% so với cùng kỳ năm 2023. Qua đó, hoàn thành 85% kế hoạch doanh thu và 107% kế hoạch lãi cả năm nay.
Triển vọng kinh doanh thời gian tới của Tôn Đông Á được nhận định sẽ ở mức tích cực trong bối cảnh Bộ Công Thương đã gia hạn thuế chống bán phá giá đối với tôn mạ nhập khẩu từ Trung Quốc và Hàn Quốc với mức thuế suất từ 2,56% đến 34,27% thêm 05 năm (đến tháng 10/2029).
Diễn biến giá và khối lượng giao dịch cổ phiếu GDA của Tôn Đông Á từ đầu năm 2024 đến nay. (Nguồn: TradingView)
Nhìn lại quá khứ, Bộ Công Thương đã khởi xướng điều tra áp thuế chống bán phá giá tôn mạ nhập khẩu từ Trung Quốc vào tháng 3/2016; quyết định áp thuế chống bán phá tạm thời được đưa ra sau 6 tháng; và thuế chống bán phá chính thức được áp dụng sau 12 tháng.
Dữ liệu của Chứng khoán BIDV cho thấy, kể từ sau khi áp dụng thuế chống bán phá giá tạm thời vào tháng 9/2016, sản lượng tiêu thụ tôn mạ nội địa hàng quý của Tôn Đông Á ghi nhận tăng 18% so với giai đoạn trước khi áp thuế.
Bên cạnh đó, giá thép tại Trung Quốc đã tạo đáy và được dự báo sẽ dần hồi phục, cùng với đó là nhu cầu sử dụng tôn mạ tại Việt Nam đang có các tín hiệu phục hồi bền vững. Đây được xem là những điều kiện cần thiết để các doanh nghiệp tôn mạ như Tôn Đông Á có thể kinh doanh ăn chênh lệch giá bán một cách bền vững, gia tăng tích trữ nguyên vật liệu đầu vào mà không lo có những đợt giảm giá mạnh như giai đoạn trước đó.
Duy Quang