Tổng thống Mỹ Donald Trump. (Ảnh: Financial Times).
Bớt nỗi lo âu
Nền kinh tế Mỹ vẫn đang gặp nhiều rắc rối. Tổng thống Donald Trump thường xuyên đưa ra các lời đe dọa về thuế quan, chi tiêu tiêu dùng đang suy yếu, tình hình ở Trung Đông vẫn còn bất ổn. Vậy, vì sao chỉ số S&P 500 lại lập đỉnh kỷ lục vào ngày 27/6?
Có thể các nhà đầu tư không nghĩ rằng nền kinh tế đang cất cánh, nhưng họ thấy nhẹ nhõm rằng các kịch bản tồi tệ nhất đã không trở thành hiện thực trong vài tháng qua.
Các mức thuế quan, nỗ lực trục xuất lao động bất hợp pháp và cắt giảm nhân viên liên bang của chính quyền ông Trump đã gây ra một số ảnh hưởng nhưng chưa khiến nền kinh tế ngã nhào.
Chỉ số S&P 500 từng trải qua cú trượt dài, giảm 19% từ mức đỉnh cũ thiết lập hồi tháng 2 xuống mức đáy của năm 2025 vào ngày 8/4.
Khi đó, giới đầu tư sợ rằng thuế quan lên tới 145% với Trung Quốc và gần 50% với những đối tác quan trọng khác sẽ khiến lạm phát và lãi suất tại Mỹ tăng vọt, làm suy yếu niềm tin của người tiêu dùng và doanh nghiệp, cuối cùng dẫn đến một cuộc suy thoái.
Nhưng trên thực tế, ông Trump đã giảm đáng kể thuế quan so với các mức đề xuất ban đầu. Cho tới nay, tác động của thuế quan tới lạm phát thấp hơn nhiều dự kiến. Giá dầu thô nhảy vọt khi Israel tấn công Iran và Mỹ tham chiến cùng đồng minh, nhưng nay cũng đã thoái lui.
Trong những tháng gần đây, niềm tin của doanh nghiệp quả thực đã suy yếu vì nỗi lo về thuế quan. Tuy nhiên, tâm lý bi quan vẫn chưa ảnh hưởng đến hành vi của họ. Các doanh nghiệp vẫn tiếp tục đầu tư vào nhà máy, thiết bị và công nghệ. Họ vẫn tạo ra việc làm mới, tuy với tốc độ chậm hơn trước, tờ Wall Street Journal (WSJ) cho hay.
Tâm lý người tiêu dùng cũng đã hồi phục nhẹ. Trong tháng 6, chỉ số tâm lý người tiêu dùng của Đại học Michigan tăng 16% so với tháng 5, tuy vẫn thấp hơn 18% so với mức ghi nhận hồi tháng 12 năm ngoái.
Bà Joanne Hsu, Giám đốc khảo sát người tiêu dùng của Đại học Michigan, nhận xét: “Hiện tại, người tiêu dùng không nghĩ rằng nền kinh tế đã thoát được mọi mối nguy, nhưng họ đã bớt lo về các kịch bản xấu nhất”.
Triển vọng tương lai
Nhưng dù chi tiêu của người tiêu dùng chưa sụp đổ, dữ liệu mới cho thấy thước đo này đã suy yếu đáng kể. Thị trường lao động dường như cũng đang yếu đi.
S&P Global Market Intelligence dự đoán tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình của hai quý đầu năm 2025 sẽ đạt 0,8% (tốc độ đã chuẩn hóa theo năm), thấp hơn hẳn mức 2,5% hồi năm 2024.
Thị trường chứng khoán phản ánh theo thời gian thực suy nghĩ của nhà đầu tư về tốc độ tăng trưởng, lợi nhuận, lãi suất và rủi ro. Tuy vài tháng trước, các công ty thận trọng về triển vọng tương lai, các dự báo lợi nhuận họ công bố gần đây có xu hướng lạc quan hơn dự kiến của các nhà phân tích, theo FactSet.
Lộ trình chính sách của Mỹ cũng đã trở nên dễ doán hơn trước, giúp xoa dịu nỗi lo của nhà đầu tư. Số phận dự luật thuế gây tranh cãi của ông Trupm vẫn chưa rõ ràng, nhưng đây là kiểu rủi ro quen thuộc với nhà đầu tư hơn là thuế quan và các mức cắt giảm mạnh đối với bộ máy hành chính liên bang.
Ông Jason Furman, Giáo sư kinh tế ở Harvard, bình luận: “Nền kinh tế vĩ mô vẫn đang hoạt động khá tốt”. Đặc biệt là khi nói về thuế quan, thị trường đã tự tin hơn rằng ông chủ Nhà Trắng sẽ “lùi bước khi cần thiết”.
Tuần trước, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Jerome Powell thừa nhận rằng hiện tại có rất ít dấu hiệu cho thấy thuế quan đang kéo lạm phát đi lên trên diện rộng. Một số quan chức Fed cũng ủng hộ cắt giảm thuế quan ngay trong tháng 7. Những tín hiệu này đã giúp lợi suất trái phiếu kho bạc đi xuống và đó cũng là điều tích cực với thị trường chứng khoán.
Tuy nhiên, ảnh hưởng của thuế quan có thể sẽ trở nên rõ rệt hơn trong thời gian tới. Thời hạn tạm hoãn thuế quan đối ứng trong 90 ngày của Mỹ sẽ kết thúc vào ngày 9/7. Giới chức Mỹ cho biết hạn chót đó có thể được đẩy lùi và Mỹ có thể sắp công bố những thỏa thuận thương mại mới.
Mặt khác, Nhà Trắng cũng đang tổ chức các cuộc điều tra có thể mở đường cho thuế quan mới đối với chất bán dẫn và dược phẩm.
Và sau các động thái cắt giảm của ông Trump, thuế suất trung bình của Mỹ hiện nay đang ở mức 18,8%. Đây là con số cao nhất kể từ thập niên 1930 và gấp nhiều lần mức 2,4% ghi nhận trong năm 2024, theo tính toán của ông Preston Caldwell, nhà kinh tế trưởng về Mỹ tại Morningstar.
Ông Caldwell dự đoán thuế quan sẽ kéo lạm phát tính theo chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCEPI) lên mức 3,2% vào đầu năm 2026, cao hơn đáng kể số liệu hiện tại là 2,3%.
Theo tờ WSJ, rủi ro lớn nhất tới triển vọng kinh tế tương lai của Mỹ có vẻ là tiêu dùng. Tuần trước, Bộ Thương mại Mỹ đã giảm mạnh số liệu tăng trưởng tiêu dùng quý I (đã điều chỉnh cho lạm phát) từ mức 1,8% xuống 0,5%.
Sang quý II, đà suy yếu này vẫn sẽ tiếp diễn. Tiêu dùng sau khi điều chỉnh cho lạm phát trong tháng 5 giảm 0,3% so với tháng 4.
Sự sụt giảm diễn ra rõ rệt nhất đối với những khoản tiêu dùng không thiết yếu - bao gồm vé máy bay và khách sạn - vốn rất nhạy cảm với tâm lý của công chúng về nền kinh tế.
Giang