Vượt 'sóng' thuế Mỹ, doanh nghiệp Việt cần cú hích nội lực

Vượt 'sóng' thuế Mỹ, doanh nghiệp Việt cần cú hích nội lực
một ngày trướcBài gốc
“Đây là một cú thức tỉnh thật sự”
Ngày 18/4, phát biểu tại Hội thảo "Thuế đối ứng của Hoa Kỳ và ứng phó của doanh nghiệp Việt Nam", TS. Cấn Văn Lực - Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia dự báo bức tranh kinh tế toàn cầu năm 2025 sẽ chịu tác động tương đối mạnh, tăng trưởng có thể giảm gần 1 điểm phần trăm.
Mỹ, Trung Quốc, khu vực ASEAN - những đối tác thương mại chủ lực của Việt Nam đều được dự đoán tăng trưởng chậm lại. Điều này kéo theo rủi ro lan truyền cho hoạt động xuất khẩu, đầu tư và du lịch của Việt Nam.
“Xu hướng bảo hộ thương mại, kiểm soát xuất khẩu và điều tra trốn thuế, nguồn gốc xuất xứ, trung chuyển hàng hóa... có thể gia tăng, tạo ra rủi ro bị áp thuế đối ứng và hạn chế xuất khẩu công nghệ cao”, ông Lực nói.
TS.Cấn Văn Lực - Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia.
Xuất khẩu quý I vẫn tăng trưởng 10,6% so với cùng kỳ, song đã xuất hiện dấu hiệu chững lại. Đặc biệt, tình trạng gian lận thương mại, trung chuyển hàng hóa từ các nước "né thuế" của Mỹ qua Việt Nam có nguy cơ gia tăng, gây tổn hại tới uy tín và vị thế thương mại của doanh nghiệp Việt.
“Đây là một cú thức tỉnh thật sự” - bà Phạm Chi Lan, nguyên Phó Chủ tịch VCCI đã mở đầu nhận định về nguy cơ Mỹ áp thuế đối ứng lên hàng hóa Việt Nam - bước đi có thể ảnh hưởng sâu sắc tới chuỗi cung ứng, dòng vốn và cả vị thế quốc tế của Việt Nam.
Trước thách thức thuế đối ứng, bà Lan tin tưởng chất lượng đoàn đàm phán hiện tại của Việt Nam “rất tốt”, với điểm sáng là người trưởng đoàn biết lắng nghe và có khả năng giải thích những hiểu lầm của phía Mỹ. Tuy nhiên, cuộc đàm phán kéo dài 90 ngày tới vẫn là giai đoạn vô cùng quyết định.
“Chúng ta phải sẵn sàng giải trình, chứng minh cho Mỹ thấy những lợi ích mà doanh nghiệp của họ đang được hưởng khi đặt chân vào thị trường Việt Nam”, bà nói.
100 triệu dân là “trụ đỡ chiến lược”
Chia sẻ với các thách thức mà cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam phải đối mặt trước chính sách thuế từ Mỹ, ông Đậu Anh Tuấn – Phó Tổng Thư ký VCCI cho rằng tự lực vẫn là nhóm giải pháp đầu tiên và quan trọng với mỗi doanh nghiệp.
Các doanh nghiệp cần theo dõi sát các động thái của thị trường, tăng cường phối hợp và đàm phán với đối tác nhập khẩu, đồng thời chủ động điều chỉnh cơ cấu xuất khẩu và tìm kiếm các thị trường tiềm năng khác.
Ông Đậu Anh Tuấn – Phó Tổng Thư ký VCCI.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, VCCI đang theo dõi sát tình hình, lắng nghe ý kiến từ cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước, từ đó đề xuất các giải pháp ứng phó kịp thời. Trọng tâm là nâng cao năng lực thích ứng và tăng cường sức chống chịu của khu vực doanh nghiệp - yếu tố then chốt để Việt Nam không chỉ vượt qua cú sốc hiện tại mà còn vươn lên mạnh mẽ hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Thông tin tại hội thảo, ông Phạm Tấn Công – Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, ngay sau khi có thông tin về động thái thuế từ phía Mỹ, VCCI đã nhanh chóng gửi thư tới Phòng Thương mại Mỹ và kêu gọi thành lập một liên minh doanh nghiệp để tạo sức ép cân bằng.
VCCI cũng kiến nghị đa dạng hóa thị trường xuất khẩu và chuỗi cung ứng, giảm phụ thuộc vào một số thị trường lớn. Theo đó, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn dè dặt trong việc khai thác 17 Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký.
Vì vậy, VCCI đã đề xuất Chính phủ tăng cường xúc tiến thương mại với các thị trường mới, đồng thời tận dụng mức tăng ngân sách Nhà nước 30% để mở rộng các quỹ hỗ trợ doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cần thúc đẩy nhập khẩu từ Mỹ nhằm tạo thế cân bằng trong thương mại song phương.
100 triệu dân là “trụ đỡ chiến lược” cho doanh nghiệp Việt Nam trong trung và dài hạn để phát triển thị trường nội địa. Thời gian tới, tái cấu trúc chuỗi cung ứng, phát triển công nghiệp hỗ trợ, đầu tư vào các lĩnh vực mà Mỹ đang có nhu cầu cao như bán dẫn, công nghệ xanh… là nhiệm vụ cấp thiết. Song song với đó, cần đổi mới mô hình sản xuất, kinh doanh theo hướng bền vững và linh hoạt hơn.
Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công kêu gọi các hiệp hội ngành hàng phát huy vai trò dẫn dắt, hỗ trợ hội viên vượt qua khó khăn.
“Muốn doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, cạnh tranh được thì phải có nguồn nhân lực chất lượng cao, thể chế minh bạch, môi trường kinh doanh thuận lợi”, ông Công nói. Trong đó, điểm nghẽn logistics cần được ưu tiên tháo gỡ.
Ông Phạm Tấn Công – Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phát biểu khai mạc.
Đồng thời, cần nghiên cứu đối với những mặt hàng chỉ “gắn mác” Việt Nam nhưng thực chất không tạo ra nhiều giá trị gia tăng trong nước nhằm bảo vệ những ngành sản xuất thực sự có đóng góp.
“Người Việt Nam rất giỏi thích nghi và ứng phó. Vấn đề là phải ứng phó như thế nào để nâng được sức chống chịu, để khẳng định được vị thế và vươn lên mạnh mẽ hơn. VCCI cam kết phối hợp chặt chẽ với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam trong và ngoài nước để cùng vượt qua giai đoạn khó khăn này”, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) khẳng định.
Cơ hội nhìn lại chiến lược quốc gia
Tại đây, ông Lực cũng đề xuất Việt Nam cần kịp thời xử lý kịp thời các vấn đề phía Mỹ quan tâm, có lộ trình đàm phán hợp lý nhằm đạt mức thuế suất thấp hơn. Ông cũng nhấn mạnh vai trò quan trọng của Tổ công tác trong việc thực thi các cam kết đã được thống nhất, cũng như vai trò của Chính phủ trong việc hỗ trợ doanh nghiệp và ngành hàng bị ảnh hưởng tiêu cực.
Việc ứng phó hiệu quả với chính sách thuế đối ứng của Mỹ không chỉ giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn trước mắt mà còn mở ra cơ hội khẳng định vị thế mới của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Khi nói đến chiến lược thị trường, bà Phạm Chi Lan nhắc lại triết lý: “Không bỏ tất cả trứng vào một giỏ”. Tuy nhiên, việc đa dạng hóa thị trường không phải điều dễ dàng, “chuyển sản phẩm sang thị trường mới khó gấp 3 lần giữ thị trường cũ”. Đồng thời, nguyên Phó Chủ tịch nhấn mạnh việc giữ được thị phần tại Mỹ là điều quan trọng, song vẫn phải cố gắng mở rộng tại các thị trường khác.
Bà Phạm Chi Lan - nguyên Phó Chủ tịch VCCI.
Dẫn lại việc Thủ tướng Chính phủ trực tiếp gặp gỡ, đối thoại và “chào mời” doanh nghiệp tư nhân, bà Lan cho rằng đây là một bước ngoặt chưa từng có, thể hiện sự thay đổi trong nhận thức về vai trò của khu vực này, “đây là thông điệp rất nghiêm túc và đáng trân trọng”
Trong bối cảnh nhiều bất biến toàn cầu như xung đột địa chính trị, khủng hoảng khí hậu hay cạnh tranh công nghệ, bà Lan khẳng định: điều quan trọng là nội lực.
“Tập trung chất lượng tăng trưởng - không chỉ tốc độ mới là nền tảng bền vững. Việt Nam đã đặt nền móng tốt, giờ là lúc cần mạnh mẽ hơn, chứ không chỉ nhanh hơn”, bà kết luận.
Thanh Loan - Quỳnh Chi
Nguồn Người Đưa Tin : https://nguoiduatin.vn/vuot-song-thue-my-doanh-nghiep-viet-can-cu-hich-noi-luc-20425041812122556.htm