Trong nhiệm kỳ đầu tiên, Tổng thống Donald Trump từng đề xuất tổ chức một cuộc diễu hành quân sự quy mô lớn ngay tại thủ đô Washington. Tuy nhiên, đề xuất này đã vấp phải sự dè dặt từ Lầu Năm Góc, nơi luôn tìm cách giữ khoảng cách giữa quân đội và chính trị. Nhưng đến nhiệm kỳ thứ hai, rào cản đó đã không còn. Một cuộc diễu hành hoành tráng hiện đã được lên kế hoạch, trùng khớp với ngày sinh nhật lần thứ 79 của Tổng thống - ngày 14/6 - cũng là thời điểm Lục quân Mỹ kỷ niệm 250 năm thành lập.
Theo kế hoạch, sự kiện sẽ bao gồm 28 xe tăng M1A1 Abrams, 28 xe bọc thép Stryker, hơn 100 phương tiện khác, một máy bay ném bom B-25 thời Thế chiến II, 50 trực thăng, 6.700 binh sĩ, cùng các tiết mục trình diễn đặc biệt như nhảy dù của đội Golden Knights. Các đơn vị quân đội sẽ diễu hành trên Đại lộ Constitution, ngang qua khán đài danh dự gần Nhà Trắng.
Mặc dù Lầu Năm Góc khẳng định đây là sự kiện kỷ niệm ngày thành lập Lục quân Mỹ, sự trùng hợp về thời điểm và quy mô tổ chức khiến không ít người đặt câu hỏi về mục đích thực sự của hoạt động này. Một số ý kiến cho rằng đây là biểu hiện của việc quân đội đang bị đưa gần hơn vào các hoạt động có tính biểu tượng chính trị.
Tổng thống Trump tại Học viện Quân sự Mỹ tại West Point, Mỹ. Ảnh: Nhà Trắng
Chi phí tổ chức sự kiện cũng trở thành tâm điểm chú ý. Ước tính ban đầu dao động từ 25 đến 45 triệu USD, chưa bao gồm các khoản phát sinh như sửa chữa đường sá, vệ sinh đô thị và bảo đảm an ninh. Mặc dù con số này chỉ là một phần rất nhỏ trong tổng ngân sách quốc phòng đề xuất cho năm tài khóa 2026 - khoảng 1.010 tỷ USD - nhưng trong bối cảnh chính quyền đang thúc đẩy các đề xuất cắt giảm chi tiêu cho giáo dục, y tế và an sinh xã hội, khoản chi này vẫn làm dấy lên nhiều tranh cãi.
Người phát ngôn của Quân đội, ông Steve Warren, thừa nhận mức chi không hề thấp, nhưng cho rằng đó là khoản đầu tư hợp lý nhằm tôn vinh 250 năm đóng góp và hy sinh của Lục quân Mỹ.
Trước đây, các dịp kỷ niệm của Lục quân Mỹ thường được tổ chức với quy mô nhỏ tại các căn cứ trên toàn quốc. Vào năm 1975, khi đánh dấu 200 năm thành lập, Washington không tổ chức cuộc diễu hành lớn nào do tình hình xã hội còn nhiều căng thẳng. Cuộc diễu hành quân sự quy mô lớn gần đây nhất tại thủ đô diễn ra vào năm 1991, sau khi kết thúc Chiến tranh vùng Vịnh.
Năm nay, sự kiện được thiết kế với nhiều chi tiết gợi nhắc quá khứ: một số binh sĩ sẽ khoác lên mình những bộ quân phục tái hiện các thời kỳ lịch sử như Chiến tranh năm 1812 hay Chiến tranh Tây Ban Nha - Mỹ. Đặc biệt, một phi hành gia thuộc Lục quân hiện đang làm nhiệm vụ trên Trạm Vũ trụ Quốc tế dự kiến sẽ gửi lời chào trực tiếp như một phần trong chương trình lễ hội.
Dù chưa có kế hoạch chính thức nào về việc chúc mừng sinh nhật Tổng thống trong khuôn khổ sự kiện, việc tổ chức một cuộc diễu hành quy mô lớn đúng vào ngày sinh của ông khiến công chúng khó có thể tách rời yếu tố cá nhân khỏi thông điệp chính thức của lễ kỷ niệm.
Một số nhà phân tích cho rằng hình ảnh xe tăng, pháo tự hành và hàng nghìn binh sĩ diễu hành qua trung tâm thủ đô có thể tạo nên ấn tượng không phù hợp với truyền thống của một lực lượng quân đội chuyên nghiệp. Tiến sĩ Risa Brooks, giảng viên khoa học chính trị tại Đại học Marquette, nhận định: “Quân đội Mỹ được xây dựng trên nguyên tắc trung lập và phục vụ quốc gia, không phải cá nhân. Những màn trình diễn mang tính phô trương như vậy có nguy cơ làm lu mờ ranh giới giữa việc tôn vinh truyền thống và việc sử dụng biểu tượng quân sự vì mục đích cá nhân.”
Đọc thêm: Ấn Độ và Pakistan tăng tốc cuộc đua UAV sau căng thẳng biên giới
Lịch sử quân đội Mỹ từng ghi nhận các cuộc diễu hành sau khi kết thúc xung đột lớn, như sau Nội chiến, Thế chiến và Chiến tranh vùng Vịnh. Ngoài ra, một số lễ nhậm chức tổng thống trong Chiến tranh Lạnh cũng có yếu tố quân sự, nhưng quy mô không đáng kể. Trong văn hóa chính trị Mỹ, các lễ hội quân sự quy mô lớn hiếm khi được tổ chức nếu không có sự kiện quốc gia đặc biệt làm nền.
Tuy vậy, một số ý kiến cho rằng việc tổ chức diễu hành không đáng lo ngại nếu giữ đúng tinh thần tôn vinh những người phục vụ đất nước. Tiến sĩ Kori Schake, cựu quan chức quốc phòng và hiện là Giám đốc nghiên cứu tại Viện Doanh nghiệp Mỹ, nhận định: “Nếu sự kiện giúp người dân hiểu rõ hơn về những người đang khoác áo lính, đồng thời khơi dậy tinh thần cống hiến và trách nhiệm cộng đồng, thì đó có thể được xem là một tín hiệu tích cực.”
Từ góc nhìn chuyên môn, nhiều nhà quan sát cho rằng cuộc diễu hành lần này phản ánh cách tiếp cận khác biệt của chính quyền Trump trong nhiệm kỳ thứ hai. Giáo sư Peter Feaver, chuyên gia về dân sự kiểm soát quân sự tại Đại học Duke, nhận xét: “Nếu như trước đây các quan chức Lầu Năm Góc thường đóng vai trò điều tiết những đề xuất mang tính biểu tượng cao, thì hiện nay nhóm cố vấn mới dường như sẵn sàng triển khai theo đúng mong muốn của Tổng thống, bất kể những băn khoăn lâu dài về hình ảnh và chuẩn mực truyền thống.”
Tùng Lâm