Một trạm xăng của Tập đoàn khí đốt Gazprom ở Moskva, Liên bang Nga. Ảnh: AFP/TTXVN
Kênh RT của Liên bang Nga ngày 2/7 đăng bài của Tiến sĩ Lịch sử Andrey Kortunov, Tổng giám đốc Hội đồng các vấn đề quốc tế Nga (RIAC) cho biết mới đây, Ngoại trưởng Hungary, ông Peter Szijjarto tuyên bố rằng Tổng thống Mỹ Donald Trump đã dỡ bỏ các lệnh trừng phạt tài chính với Gazprombank vốn ngăn không cho tập đoàn hạt nhân Rosatom của Liên bang Nga tiếp tục xây dựng nhà máy điện hạt nhân Paks 2 ở Hungary. Mặc dù các biện pháp trừng phạt của chính quyền Biden vào cuối năm ngoái được đưa ra với mục tiêu chính thức là nhắm vào Moskva (Moscow), nhưng có thể thấy rằng Budapest mới là bên chịu thiệt hại nhiều nhất, bởi hai lò phản ứng mới ở Paks được nhìn nhận là đóng vai trò sống còn đối với an ninh năng lượng dài hạn của Hungary.
Một năm trước, Hungary đã thành công trong việc loại dự án nhà máy điện hạt nhân Paks-2 khỏi danh sách trừng phạt của Liên minh châu Âu (EU), nhưng phải trả giá chính trị không nhỏ. Khi đó, chính quyền do đảng Dân chủ lãnh đạo ở Washington vẫn giữ lập trường cứng rắn – điều mà Budapest coi là một hành động trả đũa chính trị cho sự ủng hộ công khai của họ đối với ứng cử viên đảng Cộng hòa Donald Trump. Trong bối cảnh như vậy, quyết định của Mỹ nới lỏng trừng phạt đối với Gazprombank có vẻ giống như một đặc ân dành cho Thủ tướng Hungary Viktor Orban hơn là nhằm vào Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin.
Động thái này cũng gián tiếp mang lại lợi ích cho các công ty Pháp đang tham gia vào dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân Paks-2, đồng thời đã thắp lên ngọn lửa hy vọng mong manh về khả năng tan băng trong quan hệ Nga – Mỹ. Tuy nhiên, nhìn tổng thể, vẫn có rất ít thông tin tích cực từ Washington.
Bộ Ngoại giao Mỹ gần đây đã hoãn một cuộc họp được lên kế hoạch nhằm loại bỏ các “vấn đề gây khó chịu” trong quan hệ song phương. Ông Trump không tỏ ra hứng thú với đề nghị của Moskva làm trung gian hòa giải giữa Iran và Israel. Và các quan chức Mỹ vẫn tiếp tục chỉ trích lập trường “cứng rắn” của Liên bang Nga trong việc giải quyết xung đột Ukraine.
Liệu quyết định nới lỏng trừng phạt với Gazprombank có đánh dấu giai đoạn cải thiện mới trong quan hệ Nga – Mỹ? Liệu đây có phải là dấu hiệu cho thấy sẽ có sự nới lỏng tương tự đối với các tổ chức tài chính khác của Liên bang Nga? Thậm chí, liệu có khả năng khôi phục hợp tác song phương Mỹ - Nga trong lĩnh vực công nghệ cao? Cộng đồng quốc tế muốn trả lời những câu hỏi đó một cách lạc quân, nhưng hiện tại không có bằng chứng nào cho thấy điều đó sẽ xảy ra. Moskva và Washington vẫn có những cách tiếp cận hoàn toàn khác nhau về việc khôi phục quan hệ bình thường, và điều này ảnh hưởng đến toàn bộ bản chất cuộc đối thoại giữa hai bên.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (bên trái) và Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin. Ảnh: Getty Images/TTXVN
Lập trường của Liên bang Nga có thể được mô tả là mang tính hệ thống. Theo quan điểm của Moskva, quan hệ giữa các cường quốc lớn phải được xử lý một cách toàn diện, với tiến bộ đồng đều ở các lĩnh vực chính trị, quân sự, kinh tế, ngoại giao và nhân đạo. Điện Kremlin tin rằng nếu không có sự tiến triển song hành trên tất cả các mặt trận này, thì quá trình bình thường hóa thực sự sẽ vẫn nằm ngoài tầm với – ngay cả khi cách tiếp cận đó đòi hỏi thời gian và sự kiên nhẫn.
Trong khi đó, đối với vị tổng thống thứ 47 của Mỹ, chính sách đối ngoại có vẻ mang tính giao dịch. Điều đó có thể thấy qua một loạt các “thỏa thuận” ngắn hạn với các đối tác, từ các nước thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đến Mexico, Canada, Iran hay Trung Quốc. Mỗi bên đều nhận được một danh sách yêu cầu riêng: Iran được yêu cầu từ bỏ tham vọng hạt nhân, Trung Quốc phải chấp nhận thuế quan thương mại, các thành viên châu Âu thuộc NATO phải tăng chi tiêu quốc phòng. Tổng thống Trump không phải là người kiên nhẫn. Ông không muốn chờ đợi một “thỏa thuận lớn” trong vài năm tới, hay thậm chí đến cuộc bầu cử giữa kỳ tiếp theo mà muốn kết quả ngay hôm nay, hoặc chậm nhất là ngày mai.
Trong trường hợp của Liên bang Nga, Washington đang hướng đến một thỏa thuận đơn lẻ nhưng mang tính bước ngoặt: một thỏa thuận nhằm kết thúc đối đầu vũ trang với Ukraine. Có vẻ như ông Trump không có khái niệm rõ ràng về một giải pháp chính trị lâu dài sẽ bao gồm những gì, chứ chưa nói đến một hệ thống an ninh châu Âu trong tương lai sẽ trông ra sao. Ưu tiên hàng đầu của ông là đạt được một lệnh ngừng bắn tạm thời bằng mọi giá, để ông có thể tuyên bố chiến thắng ở nơi người tiền nhiệm Joe Biden đã thất bại.
Trong mắt ông Trump, thỏa thuận lịch sử về Ukraine sẽ làm lu mờ mọi nỗ lực lâu dài và tỉ mỉ nhằm tái lập đối thoại Nga – Mỹ một cách bài bản. Trong khi đó, ở các lĩnh vực khác, Moskva đơn giản là chưa sẵn sàng tham gia vào kiểu trao đổi đơn phương như Washington mong đợi. Điều này được thể hiện rõ qua việc các đồng minh NATO ở châu Âu gần như đồng thuận tuyệt đối trong việc tăng chi tiêu quốc phòng lên mức chưa từng có: 5% GDP vào năm 2035. Tương tự, Kiev đã thể hiện sẵn sàng đáp ứng kỳ vọng của Mỹ khi mở cửa tài nguyên thiên nhiên cho các tập đoàn Mỹ.
Đồng thời, cần nhớ rằng ông Trump gần như đơn độc trong nỗ lực tái lập đối thoại chức năng với Moskva. Phần lớn các quan chức trong chính quyền của ông vẫn nhìn Liên bang Nga với thái độ thờ ơ hoặc thù địch, coi đây là ưu tiên thấp. Thêm vào đó, tâm lý chống Liên bang Nga ăn sâu trong hệ thống chính trị Mỹ suốt hàng chục năm qua vẫn vững như bàn thạch. Hiện nay, không tồn tại bất kỳ thế lực chính trị hay kinh tế hùng mạnh nào ở Mỹ thực sự thúc đẩy một đợt “tái khởi động” quan hệ với Liên bang Nga.
Ông Trump sẽ tiếp tục đối mặt với áp lực từ cánh hữu. Ngay khi quyết định về Gazprombank được công bố, Thượng nghị sĩ Cộng hòa Lindsey Graham đã nói với đài ABC News rằng ông Trump đã bật đèn xanh tại Quốc hội cho một gói biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Liên bang Nga – điều mà ông Graham đã thúc đẩy suốt nhiều tháng. Dù vị Thượng nghị sĩ này đang phát biểu dựa trên thông tin thực tế hay chỉ là mong muốn cá nhân, thì cũng vẫn còn quá sớm để Moskva có thể yên tâm.
Tựu trung, quan hệ Nga – Mỹ vẫn như một chuyến tàu lượn siêu tốc. Những tín hiệu tích cực rải rác như việc nới lỏng trừng phạt đối với một ngân hàng duy nhất, không nên bị hiểu nhầm là dấu hiệu cho một thay đổi mang tính chiến lược. Người ta có thể hy vọng về một tiến trình bình thường hóa rộng hơn, nhưng hiện tại triển vọng vẫn bất định. Cách tiếp cận hệ thống, từ tốn của Moskva vẫn mâu thuẫn với tính chất giao dịch của Washington. Trừ khi cả hai bên tìm ra cách dung hòa hai triết lý này, thì hy vọng về một mối quan hệ đối tác Nga – Mỹ thực sự ổn định sẽ vẫn rất mong manh.
Thành Nam/Báo Tin tức và Dân tộc