Toàn cảnh buổi làm việc.
Hiệu quả quản lý nợ công (DeMPA) là bộ công cụ gồm 15 chỉ số đánh giá hoạt động quản lý nợ của chính phủ. Các chỉ số về hiệu quả được nhóm thành các chức năng quản lý nợ chính gồm có: (1) Quản trị và xây dựng chiến lược; (2) Phối kết hợp với chính sách tài khóa và tiền tệ; (3) Vay nợ và các hoạt động cung cấp tài chính có liên quan; (4) Dự báo dòng tiền và quản lý ngân quỹ tồn dư, (5) Quản lý rủi ro hoạt động và ghi nhận nợ.
Hiệu quả quản lý nợ (DPI) được chấm điểm trên nhiều khía cạnh, theo các mức A, B, C, D. Theo đó: C - đáp ứng yêu cầu tối thiểu, D - không đáp ứng yêu cầu tối thiểu, A - thông lệ/cách làm tốt, B - đạt giữa mức chuẩn tối thiểu và mức tốt, NA (Không áp dụng) - không có quy trình/hệ thống.
Đánh giá DeMPA lần đầu với Việt Nam được thực hiện năm 2011, đến nay không còn phù hợp với thực tế. Cập nhật đánh giá DeMPA là hoạt động cần thiết để hỗ trợ triển khai các hoạt động đánh giá tổng thể tình hình triển khai Luật Quản lý nợ công 2017, đo lường các kết quả, tiến bộ trong công tác quản lý nợ và đề xuất các lĩnh vực cần tiếp tục cải thiện.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Quốc Phương cùng lãnh đạo một số cục, vụ trao đổi cùng Đoàn chuyên gia của WB.
Từ năm 2024, Đoàn chuyên gia của WB làm việc với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan để thực hiện đánh giá DeMPA tại Việt Nam. Mục tiêu nhằm đánh giá thực tiễn quản lý nợ của Việt Nam, đối chiếu với các thông lệ tốt, đồng thời chỉ ra những nội dung cần cải thiện.
Tại buổi làm việc, ông Lars Jessen - Chuyên gia trưởng về Quản lý nợ của WB đã có những chia sẻ chi tiết về báo cáo đánh giá DeMPA với Việt Nam.
Theo Báo cáo của WB, hiệu quả quản lý nợ tổng thể được đánh giá là tốt và khẳng định đã có những tiến triển tích cực về khuôn khổ pháp luật kể từ khi Luật quản lý nợ công mới được ban hành năm 2017, cũng như việc ban hành các quy trình nội bộ để triển khai thực hiện.
Theo WB, các điểm mạnh Việt Nam đã đạt được trong quản lý nợ công như: Xác định rõ thẩm quyền, mục tiêu, mục đích vay nợ cụ thể, có văn bản quy phạm pháp luật quy định cho từng lĩnh vực. Về cơ cấu tổ chức, có sự phối hợp tốt giữa các bên, cán bộ đủ năng lực để quản lý nợ. Chiến lược quản lý nợ có chất lượng tốt, thông tin cơ bản về dư nợ được công bố định kỳ.
Ông Lars Jessen - Chuyên gia trưởng về Quản lý nợ của WB chia sẻ các khuyến nghị nâng cao hiệu quả quản lý nợ công với Việt Nam.
Kiểm toán tài chính, kiểm toán tuân thủ được Kiểm toán Nhà nước thực hiện và báo cáo hàng năm, tình hình triển khai, kiến nghị được trình lên Quốc hội và được công bố công khai. Có sự phối hợp với chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ.
Quy trình vay trong nước, vay nước ngoài, bảo lãnh và cho vay lại được tổ chức, hoạch định rõ ràng. Dự báo dòng tiền và quản lý ngân quỹ đã được cải thiện đáng kể. Ghi chép nợ đầy đủ, chính xác và kịp thời đối với cả nợ trong nước và nước ngoài…
Ông Lars Jessen cùng các chuyên gia của WB cũng đã trao đổi với Thứ trưởng Trần Quốc Phương về các khuyến nghị nhằm hướng tới mục tiêu tiếp tục nâng cao hiệu quả quản lý nợ công, chú trọng các giải pháp để đa dạng hóa nguồn vốn vay, nâng cao hoạt động của cơ quan chuyên trách về quản lý nợ…
Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhấn mạnh, để đáp ứng các mục tiêu tăng trưởng kinh tế, Việt Nam cần thúc đẩy mạnh mẽ quá trình huy động vốn ở cả trong và ngoài nước. Mặc khác cũng cần tối ưu hóa việc sử dụng các nguồn vốn để đảm bảo mang lại hiệu quả thực chất, bền vững.
“Khi Việt Nam ngày càng phát triển, sẽ không còn ưu đãi trong các nguồn vốn được vay, do đó, sẽ có nhiều khó khăn đặt ra với bài toán huy động vốn. Trong bối cảnh, các đánh giá chi tiết và nhất là các khuyến nghị của WB là rất cần thiết với Việt Nam”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhấn mạnh.
Chia sẻ rõ hơn về thực tiễn công tác quản lý nợ công tại Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Tài chính cũng bày tỏ mong muốn Đoàn chuyên gia của WB sẽ tiếp tục nghiên cứu, nắm bắt sâu hơn, từ đó đưa ra các tham vấn ở nhiều cấp độ khác nhau; bao gồm từ cấp độ kỹ thuật nghiệp vụ chuyên sâu cho đến những khuyến nghị về chiến lược, giải pháp quản lý.
Minh Đức