Ảnh: World Press Photo
Giải Ảnh báo chí thế giới (World Press Photo) năm 1973 đã được trao cho nhiếp ảnh gia Nick Út của hãng Associated Press với bức ảnh The Terror of War (còn được gọi là Em bé Napalm).
Hình ảnh một cô bé Việt Nam, cụ thể là Phan Thị Kim Phúc, đang chạy trốn khỏi cuộc tấn công bằng bom napalm tại Trảng Bàng, Tây Ninh, đã ngay lập tức thu hút sự chú ý toàn cầu và có tác động lớn tới các phong trào ủng hộ hòa bình.
Cho tới nay, bức ảnh vẫn được khẳng định là thuộc về ông Huỳnh Công "Nick" Út, một nhiếp ảnh gia trẻ người Việt Nam làm việc cho hãng tin Associated Press (AP), người sau này đã có một sự nghiệp đáng nể.
Ba cuộc điều tra với nhiều tranh cãi
Tuy nhiên, việc bộ phim tài liệu The Stringer đặt ra câu hỏi về quyền tác giả, đạo đức báo chí cùng những bất công đối với bức ảnh Em bé Napalm, đã khiến cả tổ chức Giải ảnh báo chí thế giới và hãng tin AP phải hành động. The Stringer đã được công chiếu tại Liên hoan phim Sundance năm 2025, diễn ra hồi tháng 1.
Đáng chú ý, The Stringer nhận được sự hỗ trợ phân tích hình ảnh từ nhóm nghiên cứu INDEX có trụ sở tại Paris, đã đặt ra nghi ngờ về quyền tác giả của Nick Út. Họ cũng đưa ra bằng chứng thuyết phục rằng bức ảnh có thể do ông Nguyễn Thành Nghệ, một phóng viên khác người Việt Nam chụp.
Câu hỏi "Ai là người chụp bức ảnh Em bé Napalm?" được đặt ra. Ảnh: The Stringer.
Trước kết quả này, hãng tin AP và Tổ chức Giải ảnh báo chí thế giới đã tiến hành các cuộc điều tra riêng để tìm hiểu sự thật.
Trong khi hãng tin AP, sau quá trình điều tra kỹ lưỡng suốt cả năm, kết luận rằng không có "bằng chứng chắc chắn" nào, theo tiêu chuẩn của AP, khiến họ phải thay đổi quyền tác giả của Em bé Napalm, thì Tổ chức Giải ảnh báo chí thế giới đã tạm đình chỉ việc xác nhận tác quyền đối với bức ảnh 53 tuổi này.
Theo Tổ chức Giải ảnh báo chí thế giới, dựa trên kết quả của ba cuộc điều tra, của chính họ, của, hãng tin AP và đoàn làm phim The Stringer, họ cho rằng vẫn còn nhiều nghi ngờ xoay quanh quyền tác giả của bức ảnh.
Hành động cuối của Tổ chức Giải ảnh báo chí thế giới
Dựa trên các thủ tục đánh giá của riêng mình, Tổ chức Giải ảnh báo chí thế giới kết luận rằng mức độ nghi ngờ là quá lớn để tiếp tục xác nhận quyền tác giả hiện tại. Đồng thời, do thiếu bằng chứng ủng hộ một kết luận chắc chắn nghiêng về một tác giả khác, Tổ chức Giải ảnh báo chí thế giới không thể chuyển nhượng lại quyền tác giả sang cho người đó.
Do đó, họ đã thực hiện hai bước quan trọng. Đầu tiên là tạm đình chỉ việc xác nhận tác quyền đối với bức ảnh cho Nick Út. Việc tạm đình chỉ này sẽ có hiệu lực cho tới khi có thêm bằng chứng rõ ràng xác nhận hoặc bác bỏ quyền tác giả ban đầu.
Thứ hai là cập nhật thông tin đính kèm bức ảnh. Bức ảnh hiện có thêm ghi chú là: “Do có nghi ngờ, Tổ chức Giải ảnh báo chí thế giới tạm đình chỉ việc ghi nhận tác quyền cho Nick Út. Bằng chứng hình ảnh và thông tin về máy ảnh có thể được sử dụng vào ngày hôm đó cho thấy các nhiếp ảnh gia Nguyễn Thành Nghệ hoặc Huỳnh Công Phúc có thể đã ở vị trí tốt hơn để chụp bức ảnh. Điều quan trọng là bản thân bức ảnh chưa bị đưa ra tranh chấp và giải thưởng cho bức ảnh vẫn được giữ nguyên. Chỉ có quyền tác giả bị đưa vào diện xem xét. Đây vẫn là vấn đề lịch sử gây tranh cãi và có khả năng quyền tác giả của bức ảnh sẽ không bao giờ được xác nhận đầy đủ. Việc đình chỉ ghi nhận quyền tác giả vẫn được giữ nguyên trừ khi có bằng chứng khác”.
Trong khi nhiều người đặt câu hỏi "Tại sao phải đánh giá lại tác quyền của một bức ảnh chụp cách đây hơn 50 năm" thì Tổ chức Giải ảnh báo chí thế giới cho rằng đây là hành động cần thiết.
Trong một kỷ nguyên chịu nhiều ảnh hưởng của thông tin sai lệch, phân cực, thậm chí có cả sự thao túng truyền thông và làm xói mòn lòng tin của công chúng, việc xem xét lại cách tiếp cận tác giả, các bằng chứng và trách nhiệm đạo đức của một tổ chức 70 năm qua đã thiết lập các tiêu chuẩn trong báo ảnh là điều cần phải làm.
Hành động hiện tại có thể không phải là một giải pháp hoàn hảo, nhưng cách làm này tôn trọng sự phức tạp của vấn đề, cởi mở với những diễn biến mới và quan trọng nhất là khuyến khích đối thoại.
Minh Hoa