WWF công bố 112 loài mới phát hiện tại Việt Nam

WWF công bố 112 loài mới phát hiện tại Việt Nam
4 giờ trướcBài gốc
Theo báo cáo, có tổng cộng 234 loài mới được ghi nhận tại khu vực Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng. Trong đó, riêng tại Việt Nam có 112 loài, với 106 loài đặc hữu, tức những loài không thể tìm được ở nơi nào khác ngoài lãnh thổ Việt Nam.
Bìa báo cáo của WWF.
Báo cáo của WWF tập hợp công trình nghiên cứu của hàng trăm nhà khoa học từ các trường đại học, tổ chức bảo tồn cũng như viện nghiên cứu trên khắp thế giới. Các nhà nghiên cứu phát hiện 173 loài thực vật có mạch, 26 loài bò sát, 17 loài lưỡng cư, 15 loài cá và 3 loài động vật có vú ở Lào, Campuchia, Thái Lan, Myanmar và Việt Nam. 234 loài mới được phát hiện góp phần nâng tổng số loài mới được phát hiện tại khu vực này kể từ năm 1997 lên 3.623 loài.
Trong số những loài mới được phát hiện, có thể kể đến một số loài đặc sắc như: Những cá thể kỳ nhông cá sấu với màu cam sáng, sống ở độ cao kỷ lục từ 1.800m đến 2.300m so với mực nước biển; hay như loài nhím lông mềm với tên khoa học “hylomys macarong” đặc hữu của Việt Nam, được đặt theo từ “ma cà rồng” do đôi răng nanh dài; và cả loài chuột chù chỉ nặng 8g, nhờ đó lọt top 10 loài động vật có vú trên cạn nhẹ nhất thế giới.
Ông Chris Hallam, Quản lý Chương trình các Loài Hoang dã của WWF- Châu Á Thái Bình Dương, cho biết: Mặc dù những loài này mới được các nhà khoa học phát hiện năm 2023, nhưng chúng đã tồn tại qua hàng thiên niên kỷ trong các môi trường sống độc đáo của khu vực. Mỗi loài là một mảnh ghép quan trọng thuộc hệ sinh thái khỏe mạnh, là viên ngọc quý trong di sản thiên nhiên phong phú của khu vực. Ông cũng dành lời tán dương cho các nhà nghiên cứu, khi chia sẻ rằng họ đã làm việc say mê, không biết mệt mỏi trong điều kiện khắc nghiệt và thường ít nguồn lực để có thể mang tới mô tả về những loài mới này.
Nhím “ma cà rồng” và chuột chù 8g - Ảnh từ báo cáo của WWF.
Nhím “ma cà rồng” và chuột chù 8g - Ảnh từ báo cáo của WWF.
Các loài mới được phát hiện thông qua nhiều phương thức khác nhau. Một số loài được tìm thấy trong quá trình khảo sát thực địa và được lưu giữ tại các bảo tàng lịch sử tự nhiên hoặc vườn bách thảo trong thời gian dài – đôi khi lên đến hàng thập kỷ – trước khi được nghiên cứu và xác định. Ngược lại, một số loài khác lại được phát hiện thông qua các hoạt động thương mại, điển hình là các loài phong lan và cá cảnh.
Nhà nghiên cứu Gernot Vogel, một trong số những người đóng góp cho những phát hiện nổi bật trong báo cáo, nhấn mạnh tầm quan trọng của những khám phá này, và gọi chúng là “ký ức về sự sống trên hành tinh của chúng ta”.
Trong thông cáo báo chí của mình, WWF chia sẻ: Theo Báo cáo Hành tinh Sống, hiện sự đa dạng sinh học ở Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng đang chịu áp lực lớn đến từ tình trạng mất, suy thoái môi trường sống, cũng như hiện trạng khai thác quá mức đến từ hành vi buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp, biến đổi khí hậu, ô nhiễm các loài xâm lấn và bệnh dịch.
Để ngăn chặn sự suy giảm của các loài hoang dã, WWF đang hợp tác chặt chẽ với các cộng đồng, chính phủ, tăng cường hiểu biết về các loài, thúc đẩy hoạt động bảo tồn và giải quyết các mối đe dọa đối với các loài hoang dã.
Hoàng Linh
Nguồn Bảo Vệ Công Lý : https://baove.congly.vn/wwf-cong-bo-112-loai-moi-phat-hien-tai-viet-nam-464136.html