Xã Cư Êbur (Đắk Lắk): Dân thuận theo định hướng của chính quyền để bảo vệ môi trường sống

Xã Cư Êbur (Đắk Lắk): Dân thuận theo định hướng của chính quyền để bảo vệ môi trường sống
2 giờ trướcBài gốc
Đàn bò của gia đình bà H’Nok Êban ở buôn Đũng xã Cư Êbur.
Người dân buôn Đũng nhiều năm hít thở không khí bẩn
Buôn Đũng (xã Cư Êbur, TP Buôn Ma Thuột) có 1.600 hộ, hơn 6.000 khẩu, trong đó có 35% đồng bào DTTS, còn lại là dân tộc Kinh. Các hộ đồng bào DTTS ở trong buôn đời sống chủ yếu phụ thuộc chăn nuôi, sản xuất nông nghiệp; người kinh, kinh doanh buôn bán nhỏ nên đời sống cơ bản ổn định. Hiện buôn chỉ còn 8 hộ nghèo và 3 cận nghèo.
Ông Y Blên niê, Buôn trưởng buôn Đũng, xã Cư Êbur cho biết, sau giải phóng thị xã Buôn Ma Thuột, buôn Đũng chỉ có vài chục hộ dân sinh sống; thời kì đó đất đai rộng, người dân chủ yếu là đồng bào DTTS. Phong tục tập quán của bà con thường ở nhà sàn, phía trên là người ở, dưới gầm sàn là đàn gia súc. Họ coi con vật là tài sản lớn trong gia đình; với họ “người ở đâu thì con của phải ở đó”; họ chưa hiểu được tác hại của ô nhiễm môi trường sẽ ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe con người.
Cụ thể như trường hợp gia đình bàH’Nok Êban ở Buôn Đũng, đây là hộ chăn nuôi bò từ năm 1976 và cũng là hộ có số lượng bò nhiều nhất ở trong buôn (30 con). Con bò đối với gia đình bà là tài sản lớn nên bà làm chuồng trại cho bò ở cạnh nhà. Ngày xưa dân cư ít thì không sao nhưng bây giờ dân ở đông đúc, việc chăn nuôi bò của gia đình bà đã gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của gia đình và người dân xung quanh. Bởi số lượng bò nhiều, hàng ngày sẽ thải ra 1 lượng phân lớn, mùa mưa phân chảy tràn ra khu vực xung quanh, nắng thì bốc mùi hôi thối gây ảnh hưởng đến môi trường.
Trước thực trạng trênBan tự quản buôn Đũng và Mặt trận các đoàn thể xã Cư Êbur đã tới nhà bà H’ Nok Êban vận động nhiều lần nhưng gia đình vẫn không thay đổi vì cho rằng đây là nguồn thu nhập chính của của họ và cứ thế việc chăn nuôi của gia đình đã gây ô nhiễm môi trường tồn tại trong nhiều năm, khiến người dân sống xung quanh bức xúc vì phải hít thở bầu không khí bẩn”.
Ông Nguyễn Hữu Chí, Chủ tịch UBND xã Cư Êbur triển khai nhiệm vụ dân vận khéo cho các thành viên đi vận động.
Gần dân, sát dân để có trách nhiệm với dân
Trăn trở trước thực trạng trên, ông Nguyễn Hữu Chí, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Cư Êbur, TP Buôn Ma Thuột nhấn mạnh: không thể để quan niệm, tập tục lạc hậu của một số hộ đồng bào DTTS mà làm ảnh hưởng đến môi trường sống của người dân xung quanh, đặc biệt ảnh hưởng đến phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới của xã. Hơn nữa hiện nay xã Cư Êbur cách trung tâm TP Buôn Ma Thuột chỉ khoảng 3km, vì vậy đây là điều kiện để tốc độ đô thị hóa rất nhanh.
Khắc ghi lời dạy sâu sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh:“Lực lượng của dân rất to. “Việc dân vận rất quan trọng”. “Dân vận kém thì việc gì cũng kém”.Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”. Đồng thời xác định, công tác dân vận là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị từ xã đến các thôn, buôn. Do đó, ông Nguyễn Hữu Chí, Chủ tịch UBND xã Cư Êbur đã vào cuộc, đứng ra huy động các lực lượng Công an, Quân sự xã, MTTQ xã và các đoàn thể vào cuộc tham gia công tác tuyên truyền vận động.
Ông Nguyễn Hữu Chí đang giải thích cho gia đình bà H’Nok Êban hiểu về tác hại của việc ô nhiễm môi trường.
Hiến kế cho dân phát triển kinh tế gia đình
Theo đó, ngày 17/8/2024, đoàn công tác do ông Nguyễn Hữu Chí, Chủ tịch UBND xã Cư Êbur đẫn đầu đã đến gặp gỡ gia đình bà H’Nok Êban ở Buôn Đũng trên tinh thần "trọng dân, gần dân, lắng nghe ý kiến của dân để hiểu dân và có trách nhiệm với dân". Sau khi tiếp xúc, quan sát, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của gia đình bà H’Nok Êban, Chủ tịch UBND xã Cư Êbur nhận thấy khu vực nơi gia đình bà H’Nok Êban ở có thể xây ki ốt, xây phòng trọ, kinh doanh buôn bán tạp hóa mang lại thu nhập cao hơn việc chăn nuôi bò. Hơn nữa gia đình không mất nhiều thời gian, công sức chăm sóc đàn bò cực khổ mà lại đảm bảo được vệ sinh môi trường.
Chủ tịch UBND xã Cư Êbur cùng với Công an, Quân sự, MTTQ xã và các đoàn thể đã giải thích cho gia đình hiểu về những tác hại do ô nhiễm môi trường gây ra; chỉ ra những khó khăn của người cao tuổi khi phải đi chăn dắt số lượng bò lớn; những lợi ích từ việc chuyển đổi phương thức chăn nuôi sang kinh doanh buôn bán tạp hóa và xây dựng phòng trọ, ki ốt. Cụ thể, tại vị trí chuồng chăn nuôi bò có thể xây dựng được 05 Ki ốt với mức thu nhập bình quân khoản 10 triệu đồng/tháng. Cùng với đó, Chủ tịch UBND xã Cư Êbur đã hứa nếu gia đình chấp thuận thay đổi phương thức chăn nuôi sang kinh doanh, sẽ hỗ trợ về việc giải phóng mặt bằng, dọn vệ sinh, hỗ trợ đá xây dựng, xem xét đề nghị miễn phí thuế xây dựng, tạo điều kiện giúp gia đình phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập hơn việc chăn nuôi bò.
Ông Nguyễn Hữu Chí thuyết phục gia đình bà H’Nok Êban thay đổi cách nghĩ, cách làm.
Dân thuận theo định hướng của chính quyền
Thấy Chủ tịch xã và Mặt trận các đoàn thể nhiệt tình quan tâm giúp đỡ, gia đình bà H’Nok Êban đã thuận làm theo. Điều đáng mừng là sau 2 tháng kể từ khi vận động, đến nay gia đình bà H’Nok Êban đã bán hết đàn bò để chuyển đổi việc chăn nuôi sang kinh doanh, buôn bán nhỏ theo định hướng của lãnh đạo địa phương.
Bà Võ Thị Hoàng Như, cán bộ phụ trách nông nghiệp xã Cư Êbur cho biết: Toàn xã Cư Êbur có 5.396 hộ, 21.936 khẩu; có 4 buôn đồng bào DTTS và 3 thôn. Diện tích tự nhiên của xã rộng (42,89 km2) nên bà con chủ yếu sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi gia súc, gia cầm.
Chủ tịch UBND xã Cư Êbur cùng với Công an, Quân sự, MTTQ xã và các đoàn thể đang tuyên truyền vận động gia đình.
Hiện nay tình trạng chăn nuôi gia súc, gia cầm trong khu dân cư ở xã vẫn còn diễn ra, tuy nhiên đối với hộ chăn nuôi nhỏ lẻ thì không ảnh hưởng nhiều đến môi trường. Đối với trang trại chăn nuôi lớn, một số vẫn chưa di dời ra khỏi khu dân cư vì trên địa bàn xã chưa có quy hoạch khu chăn nuôi tập trung, một số có đất nông nghiệp, họ muốn di dời nhưng lại không được phép xây dựng trên đất nông nghiệp. Trước mắt xã vận động các hộ vệ sinh môi trường chuồng trại sạch sẽ, xây dựng trại khép kín, thường xuyên xử lý hóa chất xử lý mùi hôi, không để ảnh hưởng sức khỏe của gia đình và hộ xung quanh; hàng năm xã phối hợp với phòng tài nguyên của thành phố tổ chức cho các hộ chăn nuôi kí cam kết bảo vệ môi trường, nếu phát hiện các hộ cố tình vi phạm sẽ xử nghiêm theo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó xã đã đề nghị UBND TP Buôn Ma Thuột sớm quy hoạch khu chăn nuôi tập trung giúp các hộ chăn nuôi có điều kiện phát triển bền vững và đảm bảo vệ sinh môi trường.
Gia đình bà H’Nok Êban đã thuận theo định hướng của chính quyền xây dựng phòng trọ, ki ốt và kinh doanh tạp hóa để không ô nhiễm môi trường.
Ông Nguyễn Hữu Chí cho biết, sắp tới xã sẽ tiếp tục rà soát các hộ chăn nuôi đang gây ô nhiễm môi trường để thực hiện công tác “dân vận khéo”; xã luôn đồng hành, giúp đỡ, tháo gỡ khó khăn giúp bà con Nhân dân phát triển kinh tế gia đình một cách hiệu quả. Qua mô hình “dân vận khéo” này thành công, xã sẽ tiếp tục phát huy đẩy mạnh để mang lại hiệu quả phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương./.
Thanh Nga
Nguồn Đại Đoàn Kết : https://daidoanket.vn/xa-cu-ebur-dak-lak-dan-thuan-theo-dinh-huong-cua-chinh-quyen-de-bao-ve-moi-truong-song-10292435.html