Các thành viên Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự xã Hồng Sơn dự hội nghị triển khai công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn. Ảnh: Kim Nhuệ
Tại hội nghị, xã Hồng Sơn đã công bố quyết định thành lập, phân công nhiệm vụ thành viên Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự năm 2025; thông qua phương án bảo đảm an toàn đê điều, hồ đập, công trình thủy lợi...
Năm 2024, Hồng Sơn từng chịu thiệt hại nặng do hai cơn bão lớn và mưa lũ kéo dài, ảnh hưởng đến hàng nghìn hộ dân. Bước sang năm 2025, với đặc thù xã rộng, dân cư đông, nhiều vùng trũng thấp, dễ bị lũ rừng ngang, xã Hồng Sơn sớm xây dựng phương án tổng thể ứng phó thiên tai. Trong đó, có các nội dung như nhận định xu thế khí hậu đến hết năm 2025, phương án bảo vệ đê điều, hồ đập, công trình thủy lợi, các kịch bản mưa úng, biện pháp đối phó, bố trí vật tư, lực lượng, phương tiện ứng cứu.
Tại hội nghị, các đại biểu chia sẻ kinh nghiệm chỉ đạo ứng phó với mưa úng, khắc phục khó khăn trong hiệp đồng lực lượng và đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả công tác phòng thủ dân sự trong điều kiện mới.
Chủ tịch UBND xã Hồng Sơn Ngô Quốc Ca nhấn mạnh phương châm không để bị động, bất ngờ, sẵn sàng ứng phó các sự cố, thiên tai. Ảnh: Kim Nhuệ
Kết luận hội nghị, Chủ tịch UBND xã Hồng Sơn Ngô Quốc Ca nhấn mạnh yêu cầu “không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống thiên tai”. Các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tập trung rà soát khu vực nguy cơ cao về sạt lở, lũ quét, lũ rừng ngang, xây dựng phương án sơ tán dân cư, chủ động bảo đảm an toàn cho hệ thống đê, kè, hồ đập.
Cùng với đó, cơ quan, đơn vị triển khai hiệu quả kế hoạch thủy lợi nội đồng, khơi thông dòng chảy, sửa chữa cầu cống, kiểm tra các công trình trọng yếu; có phương án bảo vệ sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản phù hợp, giảm thiểu thiệt hại do thời tiết cực đoan gây ra. Công tác trực ban, thông tin và báo cáo thiệt hại trong mùa mưa bão phải được duy trì nghiêm túc, kịp thời, phục vụ chỉ đạo, điều hành sát thực tế.
Kim Nhuệ