Xá lợi Đức Phật hôm nay (2/5) đã đáp chuyến chuyên cơ do Chính phủ Ấn Độ tổ chức tới thành phố Hồ Chí Minh đi cùng đoàn quan chức và đại biểu Ấn Độ sang dự Đại lễ Phật đản Vesak – Liên hợp quốc 2025.
Chuyên cơ xuất phát từ căn cứ Không quân Hindon, ngoại ô thủ đô New Delhi vào rạng sáng nay. Dự kiến, máy bay sẽ hạ cánh vào khoảng 8h sáng nay tại sân bay Tân Sơn Nhất, thành phố Hồ Chí Minh.
Trong 20 ngày có mặt tại Việt Nam (từ 2-21/5), Xá lợi của Đức Phật sẽ được đưa qua 4 tỉnh thành gồm thành phố Hồ Chí Minh, Tây Ninh, Hà Nội và Hà Nam để người dân Việt Nam cùng các đại biểu tham dự Đại lễ Phật đản Liên Hợp Quốc – Vesak 2025 được chiêm bái.
Hòa thượng Thích Huệ Thông – Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phó Chủ tịch Ủy ban Tổ chức Đại lễ Vesak 2025 phát biểu tại Lễ cung thỉnh
Trước đó, trong chiều 1/5, một buổi lễ trang trọng đã được Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức tại Bảo tàng Quốc gia Ấn Độ để cung thỉnh Xá lợi Đức Phật. Đây là sự kiện mở đầu cho chuỗi hoạt động quốc tế trong khuôn khổ Đại lễ Phật đản Liên Hợp Quốc Vesak 2025 được tổ chức tại Việt Nam.
Theo đại diện của Liên đoàn Phật giáo Quốc tế, Xá lợi của Đức Phật được coi là hiện thân của Ngài mỗi khi được cung thỉnh đến một quốc gia Phật giáo.
Vì vậy, việc rước Xá lợi Đức Phật đến Việt Nam cũng mang ý nghĩa thiêng liêng như chính Đức Phật quang lâm thăm Việt Nam.
Trả lời phỏng vấn Đài TNVN, Tiến sỹ Abhijit Halder, Tổng giám đốc Liên đoàn Phật giáo Quốc tế nói: "Xá lợi Đức Phật mang một ý nghĩa biểu tượng, được coi như hiện thân của Phật. Chính phủ Ấn Độ đã dành rất nhiều sự quan tâm, rất nhiều biện pháp giữ gìn, lập nhiều kế hoạch chi tiết trước khi mang xã lợi ra nước ngoài trưng bày.
Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Nguyễn Thanh Hải phát biểu cảm ơn Chính phủ Ấn Độ, Liên đoàn Phật giáo Quốc tế (IBF) đã cho phép, tạo điều kiện để đưa Xá lợi Đức Phật - bảo vật quốc gia của Ấn Độ tới Việt Nam đúng dịp Vesak 2025
Theo tôi, đây là dịp rất đặc biệt với người dân Việt Nam để có thể chiêm bái Xá lợi Đức Phật, như chính Ngài đang sống và tới thăm Việt Nam vào đúng dịp Đại lễ Phật đản Liên Hợp Quốc Vesak. Chúng tôi được biết sẽ có các đại biểu từ hơn 100 quốc gia tới dự Đại lễ lần này. Hãy tưởng tượng, hiện thân của Đức Phật sẽ có mặt tại đó và ban phước lành cho mọi người. Tôi nghĩ rằng, vào thời điểm mà nhân loại đang gặp phải rất nhiều cuộc khủng hoảng, từ chính trị, an ninh tới biến đổi khí hậu, không có gì tốt hơn được Đức Phật ban phúc để giúp nhân loại vượt qua khó khăn này."
Xá lợi được cung thỉnh sang Việt Nam lần này được những nhà khảo cổ Anh tìm thấy tại Nagarjuna Konda, một hòn đảo ở bang Andhra Pradesh, Đông Nam Ấn Độ, nơi được coi là một trong những địa danh Phật giáo nổi tiếng.
Quá trình khai quật tại đây, xá lợi này đã được tìm thấy trong chiếc quan tài được niêm phong đặc biệt cùng các kinh sách ghi chép về nguồn gốc. Việc khai quật và nghiên cứu này diễn ra trong những năm từ 1927 đến 1931, giai đoạn Ấn Độ còn chưa giành được độc lập.
Đến năm 1932, đại diện của Chính phủ Anh đã trao xá lợi cho Hội Maha Bodhi Ấn Độ - được thành lập vào tháng 5/1891 với tôn chỉ khôi phục và bảo tồn các thánh tích Phật giáo. Hội sau đó đã tôn trí xá lợi ở thành phố Sarnath (Vườn Lộc Uyển), bang Uttar Pradesh. Sarnath cũng chính là nơi Đức Phật thuyết giảng bài pháp đầu tiên - Kinh Chuyển Pháp Luân cho 5 đệ tự, đánh dấu sự ra đời của tăng đoàn Phật giáo sơ khai.
Lễ cung thỉnh Xá lợi Đức Phật được Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức tại Bảo tàng Quốc gia Ấn Độ chiều ngày 1/5
Theo lịch trình lần này, sau khi rời khỏi Sarnath, Xá lợi Đức Phật đã được đưa đến thủ đô New Delhi vào chiều 30/4 và được lưu giữ, trưng bày tại Bảo tàng Quốc gia Ấn Độ trong một ngày một đêm. Tiếp đó, trong sáng 2/5, xá lợi được đưa lên chuyên cơ của Chính phủ Ấn Độ bắt đầu hành trình sang Việt Nam.
Theo đại diện của Liên đoàn Phật giáo Quốc tế, dự kiến sẽ có hơn ba triệu người đến chiêm bái Xá lợi trong suốt 20 ngày trưng bày tại Việt Nam. Điều này gửi đi một thông điệp mạnh mẽ về hòa bình và lòng từ bi đến thế giới, đúng với mục đích, tôn chỉ: "Phật pháp mang lại hòa bình, không chỉ cho tâm trí, mà còn cho chính trị và xã hội nói chung".
Phan Tùng/VOV-New Delhi