Xã Mường Bằng trong kháng chiến chống thực dân Pháp

Xã Mường Bằng trong kháng chiến chống thực dân Pháp
2 giờ trướcBài gốc
Xã Mường Bằng, huyện Mai Sơn được trao tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân năm 2000.
Bước sang năm 1948, phong trào kháng chiến chống Pháp của nhân dân Sơn La đã có nhiều chuyển biến tích cực, sau cuộc phát động đấu tranh vũ trang kết hợp với đấu tranh chính trị ở Mộc Hạ (Mộc Châu) vào ngày 19/12/1947, một vùng rộng lớn ở Mộc Hạ (Mộc Châu) được giải phóng. Mộc Hạ trở thành khu căn cứ địa đầu não và vùng tự do đầu tiên của tỉnh Sơn La.
Ngay sau khi khu căn cứ Mộc Hạ ra đời, để phát triển phong trào kháng chiến ra toàn tỉnh, Tỉnh ủy Sơn La đã chủ trương thành lập các đội vũ trang tuyên truyền, bí mật tiến sâu vào vùng địch tạm chiếm gây cơ sở kháng chiến, biến vùng địch tạm chiếm thành hậu phương của ta.
Thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy, tháng 5/1948, hai đội vũ trang tuyên truyền Quyết Tiến và Chiến Thắng được thành lập. Đội vũ trang tuyên truyền chiến thắng gồm 11 đồng chí: Vũ Ngọc Thành (Hoàng Cầm La), Lương Sơn, Hoàng Thắng, Hoàng Thanh, Hoàng Khun, Quàng Đôn, Tòng Phanh, Lù Phú, Cà Văn Pâng (Bằng), Hoàng Khang và Điêu Thị Hảo, do đồng chí Hoàng Cầm La làm đội trưởng. Đội có 9 đảng viên, thành lập một chi bộ, đồng chí Vũ Ngọc Thành được chỉ định làm Bí thư, đồng chí Lương Sơn làm Phó Bí thư.
Sau ba tháng thực hiện nhiệm vụ xây dựng cơ sở và làm công tác chuẩn bị, chập tối ngày 6/8/1948, đội Chiến Thắng rời Đá Đỏ tiến về Mường La hoạt động. Với quyết tâm chỉ tiến không lùi, sau 9 ngày đêm hành quân vượt qua bao nguy hiểm, gian khổ hy sinh, toàn đội đã qua Tạ Chan, Chạm Cẳng, Tạ Sa, Nậm Xổm, Nà Hường, cuối cùng đến bản Nà Cà xã Mường Bằng, quê hương của đồng chí Cà Văn Pâng (lấy bí danh là Bằng).
Được tuyên truyền, giác ngộ, gia đình đồng chí Cà Văn Pâng, đặc biệt là anh Cà Văn Pành (anh trai của đồng chí Cà Văn Pâng) hằng ngày đưa cơm tiếp tế cho Đội, giúp Đội tìm hiểu về tình hình của Pháp và tay sai ở khu vực tỉnh lỵ Sơn La, kết nối với các quần chúng trung kiên có cảm tình với cách mạng. Thông qua anh Cà Văn Pành, đội bắt liên lạc với ông Cà Văn Hương ở bản Nà Hoi và lấy hang Lốm Cọ làm nơi trú quân hoạt động của cả Đội. Từ những hạt nhân ban đầu này, đội bắt liên lạc với ông Cà Văn Lung bản Liềng, ông Cà Văn Tức ở bản Giàn, chị Lò Thị Ngâu ở bản Búc... Đặc biệt là gia đình ông Cà Văn Dẹn và bà Cà Thị Piến ở bản Mé, ông bà đã cho hai còn là Cà Văn Số và Cà Văn Lả đi làm liên lạc cho cán bộ.
Ngày 8/11/1948, một số thành viên trong đội Chiến Thắng đang ở lại Mộc Hạ như: Điêu Thị Hảo, Hoàng Kiên và Cầm An tiếp tục tiến lên Mường La hoạt động. Để tiếp tục phát triển cơ sở sâu rộng ra toàn huyện, đội Chiến Thắng quyết định chia thành 3 tổ: Tổ Mường Bằng, tổ bản Phang, Hin Hụm và tổ Chiềng Nghiêm.
Trước sự phát triển của phong trào cách mạng ở Mường La, thực dân Pháp đã ra sức lùng sục, truy bắt cán bộ cách mạng, nhất là khu vực quanh tỉnh lỵ Sơn La. Cuối tháng 11/1948, tổ của đồng chí Lân Du (tức Cầm Kim Chính) đang hoạt động ở bản Pát, Pom Luông, bất ngờ bị địch vào đánh úp, đồng chí Lân Du anh dũng hy sinh. Đồng chí Điêu Thị Hảo đang hoạt động ở bản Mé cũng bị địch cho quân vào khủng bố, trước tội ác của bọn thực dân, nhân dân xã Mường Bằng đều kiên quyết “Không biết, không nghe, không thấy”, vì vậy, địch không phát hiện được tung tích của Đội.
Tháng 1/1949, Tỉnh ủy tiếp tục bổ sung cho đội Chiến Thắng thêm 08 đồng chí gồm Lù Nhuận, Cầm Dịn, Cầm Khê, Hà Châu, Lả Pảo, Tòng Khún, Trần Bình và Hà Quyết, và hai đội viên du kích gánh thực phẩm tiếp tế cho Mường La.
Sau khi được tăng cường thêm cán bộ và để thuận lợi hơn trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo phù hợp với tình hình mới, đồng chí Hoàng Cầm La, Quàng Đôn và Hoàng Khun đã tách ra thành bộ phận thường trực chỉ huy chung cho cả đội. Cơ quan chỉ huy của Đội đóng tại bản Giàn (Mường Bằng), đồng chí Điêu Thị Hảo được giao nhiệm vụ làm Tổ trưởng tổ Mường Bằng. Đồng thời, Đội tổ chức thêm một tổ phát triển cơ sở lên Mường Chùm, do đồng chí Lù Nhuận và Cầm Dịn phụ trách.
Trong lúc phong trào cách mạng đang phát triển đi lên, do không giữ được bí mật, tháng 2/1949, thực dân Pháp cho quân vào khủng bố cơ sở cách mạng của ta ở bản Giàn, Mường Bằng, hầu hết các cán bộ đang đi cơ sở, một số đồng chí còn lại nhanh chóng rút ra vị trí an toàn. Không bắt được cán bộ, chúng bắt anh Cà Văn Tức và Lò Văn Sinh lên châu lỵ Mường La tra tấn; đồng thời dồn toàn bộ dân bản Giàn ra tra hỏi. Hèn hạ hơn, chúng bắt tất cả nam giới từ 15 tuổi trở lên gồm 47 người ra phơi nắng 3 ngày và sau đó dồn toàn bộ lên Mường La tiếp tục tra hỏi. Không khai thác được gì, cuối cùng thực dân Pháp xả súng sát hại 45 người dân vô tội ở cầu đá bản Cá để uy hiếp tinh thần nhân dân. Hành động dã man của kẻ địch đã thổi bùng lên ngọn lửa căm thù cùng ý chí đấu tranh của nhân dân các dân tộc Mường Bằng nói riêng, Mường La nói chung.
Sau vụ khủng bố của địch, toàn đội đã kiểm điểm, nghiêm khắc tự phê bình về công tác đảm bảo bí mật trong hoạt động; gửi báo cáo về tỉnh, đề nghị tăng cường cho Mường La thêm cán bộ và cho phép Mường La khi có điều kiện sẽ phát động cuộc đấu tranh vũ trang để mở rộng cơ sở cách mạng, bảo vệ quần chúng nhân dân.
Cuối tháng 2/1949, Mường La được tăng cường thêm cán bộ cùng với 2 tiểu đội tự vệ tập trung của tỉnh do hai đồng chí Trọng Kim và Hà Nén phụ trách. Tỉnh cũng cử Đại đội độc lập 860 lên trợ giúp cho Mường La, cho phép Mường La phát động đấu tranh vũ trang khi đủ điều kiện. Đồng thời ban hành quyết định thành lập Ban Cán sự Đảng thay cho Ban Chỉ huy đội Chiến Thắng. Đồng chí Hoàng Cầm La được chỉ định làm Bí thư, đồng chí Nguyễn Việt Cường làm Phó Bí thư, đồng chí Hoàng Phi Long làm Ủy viên.
Đến tháng 3/1949, cuộc đấu tranh cách mạng ở Sơn La diễn ra ngày càng quyết liệt, thực dân Pháp phải chia quân ra để đối phó. Thời gian này, ở khu vực Tỉnh lỵ thực dân Pháp chỉ có một Đại đội thuộc Tiểu đoàn Thái chốt giữ. Ban Cán sự Đảng Mường La đã họp và đi đến kết luận, đây là thời cơ rất thuận lợi để Mường La đấu tranh vũ trang mở rộng cơ sở kháng chiến, bảo vệ Nhân dân.
Đúng như kế hoạch đã định, đêm ngày 26/3/1949, tổ đánh vào nhà tỉnh trưởng Bạc Cầm Quý cải trang thành một toán quân thuộc tiểu đoàn lính Thái do sĩ quan Pháp chỉ huy đi tuần tiễu đã bất ngờ ập vào tước vũ khí toán lính dõng bảo vệ nhà Bạc Cầm Quý làm cho chúng không kịp trở tay. Ta bắt toàn bộ lĩnh dõng, thu 10 súng trường và toàn bộ quân trang quân dụng, Bạc Cầm Quý phải chạy trốn. Từ Mường La, tổ tiếp tục hành quân vào Mường Bú, trên đường đi đơn vị đã tuyên truyền, vận động, giải thích cho nhân dân không đi lính cho Pháp, không bán lương thực, không đi phu và làm tay sai cho chúng. Đồng thời, vận động nhân dân các bản xung quanh Mường Bú sơ tán vào các lũng. Trong khi đó tổ đánh vào bản Búc cũng hành quân lên đánh đồn Tạ Bú. Thấy ta nổ súng tiến công, địch bỏ đồn chạy toán loạn, cuộc tiến công nhanh chóng giành được thắng lợi.
Phối hợp với các mũi tiến công của bộ đội, ngày 27/3/1949, nhân dân các xã Mường Bằng, Mường Bú, Mường Chùm đồng loạt nổi dậy tranh đấu, xóa bỏ ngụy quân, ngụy quyền, thành lập chính quyền nhân dân và các đội dân quân du kích ngay gần sào huyệt của địch ở Tỉnh lỵ, hình thành khu du kích Mường Bằng - Mường Bú - Mường Chùm của huyện Mường La bên Hữu ngạn sông Đà.
Khu du kích Mường Bằng - Mường Bú - Mường Chùm ra đời có một ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với phong trào cách mạng Mường La nói riêng, tỉnh Sơn La nói chung, đây là khu căn cứ du kích đầu tiên của huyện. Từ đây, phong trào cách mạng lan ra toàn huyện, từ Hữu ngạn sang Tả ngạn và một số xã thuộc huyện Thuận Châu, Quỳnh Nhai và Mai Sơn ngày nay.
Sau khi khu căn cứ Mường Bằng - Mường Bú - Mường Chùm được thành lập, Ban Cán sự huyện Mường La đã chỉ đạo xây dựng, củng cố hệ thống chính quyền từ huyện đến xã, ổn định đời sống Nhân dân trong khu căn cứ du kích. Đồng chí Lò Văn Ngỗng được bầu làm Chủ tịch Ủy ban hành chính lâm thời xã Mường Bằng, đồng chí Tòng Văn Ngọc, Quàng Văn Sam làm Ủy viên.
Trước nguy cơ mất địa bàn chiến lược và mất thế chủ động trên chiến trường, đầu tháng 10 năm 1949, địch tăng cường khủng bố vào các cơ sở của ta, nhất là khu du kích. Mặt khác, chúng tăng cường kiểm soát tuyến đường 41, âm mưu bao vây cắt đứt liên lạc giữa Mường La và tỉnh (các cơ quan của tỉnh lúc này đóng ở Mộc Hạ, Mộc châu). Trước sự tấn công ác liệt của địch, nhiều cơ sở cách mạng của ta bị vỡ, đường liên lạc giữa khu du kích và tỉnh bị cắt đứt, tình hình Mường La hết sức nguy cấp.
Để thoát khỏi thế bao vây của địch, Huyện ủy Mường La quyết định chuyển cơ quan huyện lên Mường Khiêng, rồi tìm cách vượt sông Đà sang vùng tả ngạn xây dựng cơ sở, đồng thời tìm cách bắt liên lạc với tỉnh. Đồng chí Việt Cường cùng với đồng chí Bùi Thọ được cử ở lại tiếp tục chỉ đạo chống càn, bảo vệ khu căn cứ du kích và tiếp tục phát triển cơ sở mới. Dưới sự lãnh đạo của đồng chí Việt Cường và Bùi Thọ, nhân dân các dân tộc Mường Bằng tiếp tục đấu tranh chống lại các cuộc càn quét của địch, các cơ sở cách mạng dần phục hồi trở lại, cùng với khu căn cứ tả ngạn Mường La tiếp tục kháng chiến chống Pháp.
Đến tháng 9/1952, Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch Tây Bắc nhằm tiêu diệt sinh lực địch; giải phóng đại bộ phận đất đai và Nhân dân Tây Bắc. Dưới sự chỉ đạo của Trung ương và Khu ủy Tây Bắc, nhân dân các dân tộc Mường Bằng cùng nhân dân trong huyện tích cực chuẩn bị về mọi mặt, đóng góp lương thực, thực phẩm cho bộ đội. Nhiều thanh niên Mường Bằng đã hăng hái gia nhập lực lượng vũ trang phối hợp với bộ đội chủ lực giải phóng quê hương bản Mường.
Ngày 14/10/1952, Chiến dịch Tây Bắc bắt đầu, qua hai đợt tấn công, đến ngày 22/11/1952, tỉnh Sơn La được hoàn toàn giải phóng (trừ Nà Sản). Sau khi được giải phóng, nhân dân Mường Bằng tiếp tục phối hợp với bộ đội địa phương và du kích truy quét tàn binh địch, thu dọn chiến trường, xây dựng đời sống mới, tiếp tục cùng nhân dân cả nước chi viện, phục vụ cho chiến dịch Điện Biên Phủ đi đến thắng lợi.
Chín năm cùng nhân dân cả nước trường kỳ kháng chiến, mặc dù đời sống còn gặp nhiều khó khăn, nhưng với truyền thống yêu nước, đấu tranh cách mạng, nhân dân các dân tộc Mường Bằng không quản hy sinh, gian khổ nuôi giấu cán bộ, bộ đội. Chỉ riêng trong cuộc kháng chiến chống Pháp, hàng chục quần chúng trung kiên Mường Bằng đã ngã xuống, trong có có 27 liệt sĩ, tập trung nhiều nhất vào năm 1948 và 1949. Mường Bằng xứng đáng là lá cờ đầu trong phong trào kháng chiến chống Pháp ở Sơn La. Với những công lao to lớn đó, Đảng bộ, Nhân dân xã Mường Bằng được Đảng, Nhà nước tặng thưởng danh hiệu cao quý: “Anh hùng lực lượng vũ trang trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp”.
Bùi Trung Kiên (Hội KHLS tỉnh)
Nguồn Sơn La : https://baosonla.org.vn/son-la-xua-va-nay/xa-muong-bang-trong-khang-chien-chong-thuc-dan-phap-ZY2UEYkNg.html