Tuy nhiên, vẫn còn không ít người dân thiếu ý thức, xả rác bừa bãi, tạo thành những bãi rác tự phát gây ô nhiễm môi trường, mất mỹ quan đô thị. Hành vi này cần phải được xử lý nghiêm để xây dựng đô thị ngày càng văn minh, hiện đại.
Những “điểm đen” ô nhiễm
Điểm chuyển biến tích cực sau khi thực hiện Chỉ thị 19 là hình ảnh những tuyến phố sạch sẽ ở khu vực trung tâm thành phố như Lê Lợi, Nguyễn Huệ, Lê Thánh Tôn… Trên tuyến kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè thường xuyên có đội thuyền đi vớt rác, bèo để giữ dòng nước trong xanh. Ở nhiều nơi, rác thải được tập hợp, xử lý theo quy trình hiện đại.
Bãi rác tự phát trên đường Lã Xuân Oai, đoạn qua Khu Công nghệ cao TPHCM (TP Thủ Đức, TPHCM) “bao” trạm xe buýt. Ảnh: Trần Yên
Tuy nhiên, ở nhiều nơi, tình trạng xả rác ra đường, vứt rác xuống kênh rạch vẫn xảy ra, tạo thành những “điểm đen” ô nhiễm trong khu dân cư. “Điểm đen” có quy mô lớn và tồn tại lâu năm ở khu vực quận Tân Bình là kênh Hy Vọng. Tuyến kênh kéo dài từ sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất đến kênh Tham Lương nhiều năm nay đã trở thành bãi rác tự phát khổng lồ. Người dân thiếu ý thức ném bao ni lông, rác thải sinh hoạt, vật dụng gia đình cũ, hư hỏng xuống kênh. Nước trên dòng kênh luôn trong tình trạng đen đặc, nhiều rác và bốc mùi hôi.
Ở địa bàn quận 7, khi chính quyền vừa tiến hành xóa bãi rác tự phát trước cổng chợ Long Phước (phường Phú Mỹ), rác lại xuất hiện trên tuyến đường Huỳnh Tấn Phát. Con đường mới nâng cấp, đặt dải phân cách đã trở thành nơi xả rác của người dân thiếu ý thức. Dọc theo chân dải phân cách phủ màu trắng của bụi đất, bao ni lông. Những ngày nắng nóng, xe lớn chạy qua cuốn bụi đất, bao ni lông, rác thải bay cả vào người đi đường.
TP Thủ Đức, địa phương có nhiều kênh rạch và dự án chậm triển khai, đất trống, cũng là nơi có nhiều bãi rác tự phát khó xử lý, như ở khu dự án khu dân cư Bách Giang, đường Lã Xuân Oai đoạn qua Khu Công nghệ cao TPHCM, đường song hành xa lộ Hà Nội đoạn qua khu vực Đại học Quốc gia TPHCM… Theo báo cáo của UBND TP Thủ Đức, hiện nay trên địa bàn có 25 “điểm đen” ô nhiễm đã tồn tại lâu ngày, khó xử lý.
Ông Nguyễn Văn Quốc, một người dân sống ở khu vực này cho biết, hàng ngày ông phải chịu đựng mùi rác hôi thối khi đứng đón xe buýt trên đường Lã Xuân Oai, đoạn qua Khu Công nghệ cao TPHCM. Chỉ một đoạn đường ngắn nhưng có đến 5 bãi rác tự phát lớn, gây ô nhiễm nặng. Bãi rác tự phát không chỉ hình thành cạnh trạm xe buýt mà ngay cả ở những nơi có biển cấm đổ rác.
Giám sát chặt, xử phạt nghiêm
Ông Đỗ Anh Khang, Phó Chủ tịch UBND TP Thủ Đức, thông tin, trước khi thực hiện Chỉ thị 19, TP Thủ Đức có 201 điểm rác phát sinh gây ô nhiễm, mất mỹ quan đô thị. Địa phương đã tập trung xử lý, chuyển hóa và cải tạo được 176 “điểm đen” ô nhiễm. Tuy nhiên, hiện nay TP Thủ Đức vẫn còn 25 “điểm đen” ô nhiễm, trong đó có 18 điểm dọc các tuyến đường và 5 điểm tại các khu đất trống ven đường, dự án chậm triển khai.
“Để xử lý các điểm ô nhiễm, TP Thủ Đức đề nghị chủ đầu tư các dự án thường xuyên phối hợp với UBND các phường trong việc tổ chức ra quân tổng vệ sinh, dọn dẹp, xây dựng các tường chắn bảo vệ ranh đất dự án. Chủ đầu tư dự án bố trí lực lượng tuần tra, kiểm tra, giám sát dự án và phối hợp chặt chẽ với các phường trong việc phát hiện, tố giác các đối tượng có hành vi đổ rác thải không đúng nơi quy định. Đồng thời, TP Thủ Đức đề xuất UBND TPHCM xem xét thu hồi các dự án chậm triển khai, làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, vệ sinh môi trường, mỹ quan đô thị”, ông Đỗ Anh Khang cho biết.
Theo Luật sư Trần Đình Dũng (Đoàn Luật sư TPHCM), Nghị định 45/2022/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường ở nơi công cộng, khu đô thị, khu dân cư; vận chuyển nguyên liệu, vật liệu, hàng hóa gây ô nhiễm môi trường như sau: Phạt tiền từ 1-2 triệu đồng đối với hành vi vứt, thải, bỏ rác thải trên vỉa hè, lòng đường hay vào hệ thống thoát nước thải đô thị hoặc hệ thống thoát nước mặt; đổ nước thải không đúng quy định trên vỉa hè, lòng đường phố; thải bỏ chất thải nhựa phát sinh từ sinh hoạt vào ao hồ, kênh rạch, sông, suối, biển.
Tuy nhiên, trong thực tế, các hành vi vi phạm rất ít khi bị xử lý. Ngay như việc thực hiện Chỉ thị 19, vẫn còn một bộ phận người dân chưa ý thức, cố tình vi phạm. Do vậy, để ngăn chặn tình trạng xả rác bừa bãi, có ý kiến cho rằng cần nâng cao mức phạt như trong Nghị định 168/2024/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ; đồng thời tăng cường các biện pháp giám sát như thủ đô Hà Nội đã triển khai.
Năm 2024, các cơ quan tiến hành kiểm tra theo kế hoạch đối với 4.562 cơ sở; kiểm tra ngoài kế hoạch 1.105 cơ sở, trong đó kiểm tra thông báo trước 168 cơ sở, kiểm tra không thông báo trước 937 cơ sở. Các hành vi vi phạm pháp luật bảo vệ môi trường và tài nguyên nước được phát hiện qua công tác thanh tra, kiểm tra gồm: xả nước thải, khí thải vượt quy chuẩn cho phép; hoạt động không có hồ sơ pháp lý về môi trường... Tính từ ngày 1-12-2023 đến ngày 30-11-2024, tổng số vụ vi phạm hành chính được phát hiện là 2.351 vụ, với tổng số tiền phạt là hơn 51 tỷ đồng.
Nguồn: Sở Tài nguyên - Môi trường TPHCM
TRẦN YÊN - THANH HIỀN