Các vụ tấn công diễn ra tại Ukum và Logo (Nigeria), khiến chính quyền địa phương phải triển khai lực lượng an ninh. Văn phòng Thống đốc bang Benue, miền Trung Nigeria, cho biết ít nhất 56 người đã bị các tay súng sát hại vào đầu tuần này, cao hơn con số ban đầu 17 người.
Các cuộc xung đột giữa người chăn gia súc du mục và nông dân về quyền sử dụng đất diễn ra phổ biến tại vùng "vành đai trung tâm" Nigeria. Thống đốc Hyacinth Alia cáo buộc những người chăn gia súc là nghi phạm chính. Xung đột kiểu này thường mang yếu tố tôn giáo hoặc sắc tộc do phần lớn người chăn nuôi là người Fulani theo đạo Hồi, còn nông dân chủ yếu là người theo đạo Cơ đốc.
Người dân tổ chức tang lễ cho một người đàn ông bị sát hại sau vụ tấn công do các tay súng thực hiện tại cộng đồng nông nghiệp Zike, khu vực miền Trung Bắc Nigeria (Ảnh: France 24)
Tháng này, tại bang Plateau lân cận, hai vụ thảm sát khác do các tay súng không rõ danh tính thực hiện khiến hơn 100 người thiệt mạng. Giới chức bang Plateau cho rằng đây là tấn công khủng bố. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng việc gán mác như vậy che đậy nguyên nhân thực sự là tranh chấp đất đai và sự thất bại trong quản lý vùng nông thôn.
Theo tổ chức SBM Intelligence, từ năm 2019, các cuộc xung đột như vậy khiến hơn 500 người chết và khoảng 2,2 triệu người phải di dời. Một nhóm đại diện cho người chăn nuôi lên án các vụ giết người tại Plateau, đồng thời khẳng định chính cộng đồng của họ cũng thường xuyên bị tấn công bởi nông dân.
Bên cạnh yếu tố đất đai, những mâu thuẫn về chính trị, kinh tế giữa người bản địa và người nhập cư, cùng sự gia tăng của các giáo sĩ Hồi giáo và Cơ đốc cực đoan làm trầm trọng thêm sự chia rẽ tại bang Plateau trong nhiều thập kỷ qua. Tình trạng cảnh sát yếu kém khiến các vụ bạo lực trả đũa diễn ra tràn lan.
Tại khu vực Vành đai Trung tâm, bao gồm cả Benue, tác động của biến đổi khí hậu và sự mở rộng dân số khiến quỹ đất ngày càng hạn chế, dẫn đến sự cạnh tranh khốc liệt giữa nông dân và người chăn nuôi. Cố vấn truyền thông của thống đốc Benue, ông Solomon Iorpev, kêu gọi chính phủ liên bang can thiệp vì tầm quan trọng của Benue đối với an ninh lương thực quốc gia.
Quỳnh Anh (Nguồn: France 24)