Xả thải gây ô nhiễm môi trường

Xả thải gây ô nhiễm môi trường
6 giờ trướcBài gốc
Mới đây, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, môi trường (Công an tỉnh) đã kiểm tra và phát hiện nước thải từ chợ Quảng Ngãi (TP.Quảng Ngãi) xả trực tiếp ra môi trường. Nước có màu đen, vàng đục và mùi hôi.
Kết quả kiểm định mẫu nước thải đã phát hiện nhiều thông số, như: Tổng chất rắn lơ lửng, Amoni, BOD... vượt quy chuẩn kỹ thuật từ 1,27 - 7,32 lần; riêng thông số Coliforms vượt quy chuẩn kỹ thuật 6.600 lần. Với những vi phạm trên, lực lượng chức năng đã lập biên bản, xử lý vi phạm hành chính về hành vi xả nước thải trực tiếp ra môi trường đối với Ban Quản lý chợ Quảng Ngãi, với số tiền 255 triệu đồng.
Đầu năm 2024, lực lượng chức năng đã kiểm tra và lấy mẫu nước thải tại khu vực nước chảy tràn từ bể chứa biogas của Nhà máy Sản xuất mạch nha công nghiệp, thuộc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Sinh Lộc, ở Cụm công nghiệp (CCN) - Làng nghề Tịnh Ấn Tây, xã Tịnh Ấn Tây (TP.Quảng Ngãi).
Kết quả kiểm định cho thấy nhiều thông số, như: Tổng chất rắn lơ lửng, chỉ số BOD (20°C), Nitơ... đều vượt quy chuẩn kỹ thuật từ hơn 2,3 - 12 lần; riêng thông số có chứa chất Xyanua vượt quy chuẩn kỹ thuật hơn 21,2 lần. Với những sai phạm này, Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Sinh Lộc bị xử phạt vi phạm hành chính 330 triệu đồng.
Hầu hết nguồn nước thải trong quá trình nuôi tôm trên cát được xả trực tiếp ra môi trường. Trong ảnh: Nước thải từ hoạt động nuôi tôm trên cát ở phường Phổ Quang (TX.Đức Phổ) xả trực tiếp ra môi trường.
Theo Chi cục Bảo vệ Môi trường tỉnh, vẫn còn tình trạng một số cơ sở, doanh nghiệp sản xuất không có công trình xử lý nước thải đạt chuẩn. Nếu có xây dựng cũng chỉ mang tính chất đối phó và không được cơ quan chức năng cấp giấy phép xả nước thải vào nguồn nước nhưng vẫn lén lút xả thải, gây ô nhiễm môi trường, tác động đến mạch nước ngầm, ảnh hưởng cuộc sống người dân.
Thị xã Đức Phổ hiện có 8 cơ sở hoạt động trong lĩnh vực sơ chế, chế biến thủy sản; trong đó, có 3 cơ sở nằm trong CCN Cảng cá Sa Huỳnh, phường Phổ Thạnh. Mặc dù sơ chế, chế biến thủy sản (phần lớn là mực) với sản lượng lớn, nhưng nước thải và chất thải chưa được các cơ sở thu gom và xử lý, mà xả thẳng ra cảng cá Sa Huỳnh. Khu vực biển ở cảng cá Sa Huỳnh có nước đen ngòm, bốc mùi hôi thối, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.
Chủ tịch UBND phường Phổ Thạnh Nguyễn Viết Thanh cho biết, CCN Cảng cá Sa Huỳnh chưa có trạm thu gom và xử lý nước thải tập trung, nên dù đã cam kết nhưng vẫn còn tình trạng cơ sở lén lút xả thải trực tiếp ra môi trường. Tuy nhiên, phường chưa đủ điều kiện cũng như chức năng, thẩm quyền xử lý các vi phạm. Phường kiến nghị thị xã có giải pháp đầu tư xây dựng hệ thống thu gom và xử lý nước thải tập trung tại CCN Cảng cá Sa Huỳnh, để vừa bảo vệ môi trường, vừa phát triển bền vững ngành khai thác, chế biến dịch vụ hậu cần nghề cá.
Nguy cơ ô nhiễm môi trường từ hoạt động nuôi trồng thủy sản cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Trong quá trình nuôi trồng thủy sản, người dân sử dụng một lượng lớn các loại hóa chất, kháng sinh. Các chất này sẽ theo nguồn nước thải tích tụ trong môi trường, về lâu dài sẽ ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng nước của vùng nuôi, nguồn nước cấp phục vụ sinh hoạt cho người dân.
Từ thực trạng trên, bên cạnh đầu tư hệ thống thu gom và xử lý nước thải tập trung tại các CCN, các địa phương kiến nghị tỉnh yêu cầu các doanh nghiệp sản xuất quy mô cần lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải, khí thải tự động và thiết bị lấy mẫu tự động nước thải. Qua đó, góp phần giảm thiểu và phòng tránh sự cố môi trường từ các nguồn thải lớn gây ra.
Bài, ảnh: THANH PHONG
Nguồn Quảng Ngãi : http://baoquangngai.vn/khoa-hoc/moi-truong/202410/xa-thai-gay-o-nhiem-moi-truong-e0909f3/