Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tại buổi họp báo chiều 4/5. Ảnh: Quochoi.vn.
Chiều 4/5, tại buổi họp báo dự kiến chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, đã thông tin làm rõ về nguồn tiền dự kiến sử dụng để chi trả chế độ cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động sau sắp xếp, sáp nhập các bộ, ngành, đơn vị hành chính.
Cụ thể, ông Hiếu cho biết dự toán ngân sách năm 2025 bao gồm nhiều khoản quan trọng, trong đó ngoài khoản dự kiến thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, còn 2 nội dung rất quan trọng là miễn học phí cho học sinh công lập và nguồn kinh phí 3% hỗ trợ phát triển khoa học công nghệ theo Nghị quyết 57.
Đại diện Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết nguyên tắc thẩm tra các nguồn dự kiến chi ngân sách được thực hiện lần lượt theo các bước gồm: nội dung thuộc thẩm quyền của Quốc hội theo Luật Ngân sách; sự cần thiết của khoản chi; nguồn để bố trí khoản chi; và tác động của khoản chi tới các cân đối vĩ mô.
Theo đó, ông Hiếu đánh giá khoản chi trả chế độ, chính sách cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động sau sắp xếp, sáp nhập rất cần thiết và là khoản phải chi.
Về nguồn tiền bố trí khoản chi, ông Hiếu cho biết Chính phủ đã trình sử dụng 2 nguồn gồm cải cách tiền lương, điều chỉnh mức lương cơ sở năm 2024 còn dư chuyển nguồn sang năm 2025 và nguồn dự toán mới năm 2025, dự kiến lấy từ tích lũy cải cách tiền lương của ngân sách Trung ương.
"Có nguồn rồi thì cần tính trong tổng thể xem có ảnh hưởng tới các cân đối vĩ mô hay không. Theo đánh giá của cơ quan thẩm tra, đến nay, chưa thấy có vấn đề gì dẫn đến phải điều chỉnh các mục tiêu cân đối vĩ mô", ông Phan Đức Hiếu thông tin.
Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh 2025 là năm có nhiều biến động khó lường, nên chính sách tài khóa, tiền tệ luôn được xem xét một cách thấu đáo, kỹ lưỡng và thận trọng trong bối cảnh chung.
Chia sẻ tại buổi họp báo chiều nay, Tổng Thư ký Quốc hội Lê Quang Tùng cho biết Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV sẽ họp phiên trù bị và khai mạc vào sáng 5/5, dự kiến bế mạc chiều 28/6. Kỳ họp thứ 9 được tiến hành theo 2 đợt: Đợt 1 từ ngày 5/5 đến 29/5; Đợt 2 bắt đầu từ ngày 11/6 và dự kiến bế mạc chậm nhất ngày 30/6.
Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV dự kiến có nhiều nội dung quan trọng, triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, đồng thời là hội nghị lịch sử, bàn về những quyết sách trong giai đoạn mới của đất nước.
Tại Kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua Nghị quyết về việc thành lập Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp 2013; Nghị quyết về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp 2013.
Cùng với đó là xem xét, thông qua 34 luật và 11 nghị quyết như Bộ luật Hình sự (sửa đổi); Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân (trường hợp đủ điều kiện thì xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 9); Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi); Luật Công nghiệp công nghệ số; Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi); Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp; Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi); Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi)…
Ngoài ra, Quốc hội cũng sẽ cho ý kiến về 6 dự án luật tại kỳ họp này và xem xét, quyết định các vấn đề kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước cùng các vấn đề quan trọng khác.
Quang Thắng