Ảnh minh họa.
Văn phòng Chính phủ vừa có công văn số 4004/VPCP - CN gửi Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ trưởng Bộ Xây dựng; Chủ tịch UBND 2 tỉnh: Gia Lai và Bình Định để truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính liên quan đến Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Quy Nhơn - Pleiku.
Theo đó, Thủ tướng giao Bộ Xây dựng tách Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Quy Nhơn - Pleiku thành 2 dự án thành phần.
Dự án thành phần đi qua tỉnh nào thì giao cho tỉnh đó làm cơ quan chủ quản triển khai đầu tư xây dựng; trình các cơ chế chính sách đặc thù để đẩy nhanh tiến độ triển khai đầu tư Dự án.
Vào cuối tháng 4/2025, Bộ Xây dựng đã có Tờ trình số 30/TTr - BXD kiến nghị Chính phủ trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Quy Nhơn - Pleiku.
Dự án có điểm đầu tại Quốc lộ 19B (khoảng lý trình Km39+200/Quốc lộ 19B) thuộc địa phận Thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định; điểm cuối tại đường Hồ Chí Minh (khoảng lý trình Km1606+770/đường Hồ Chí Minh) thuộc địa phận TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai.
Tổng chiều dài tuyến đường thuộc Dự án là khoảng 125 km, trong đó đoạn qua địa phận tỉnh Bình Định khoảng 40 km, qua địa phận tỉnh Gia Lai khoảng 85 km; có mặt cắt ngang 4 làn xe, bề rộng nền đường 24,75 m.
Dự án có sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 43.734 tỷ đồng, trong đó chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư là 4.894 tỷ đồng; chi phí xây dựng, thiết bị là 30.879 tỷ đồng; chi phí quản lý dự án, tư vấn và chi phí khác là 2.470 tỷ đồng; chi phí dự phòng là 5.491 tỷ đồng.
Dự án đề xuất sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước từ các nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách nhà nước năm 2024; ngân sách Trung ương và địa phương giai đoạn 2021 - 2025 và giai đoạn 2026 - 2030.
Căn cứ ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ vào giữa tháng 2/2025 của Văn phòng Chính phủ, dự kiến trình Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư vào tháng 6/2025; phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi vào quý 3/2025; thiết kế kỹ thuật, tổ chức lựa chọn nhà thầu xây lắp gói thầu xây dựng, phấn đấu khởi công Dự án vào cuối tháng 12/2025; hoàn thành đưa vào khai thác vào năm 2029.
Trong quá trình thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, UBND tỉnh Bình Định có văn bản số 2556/UBND-KT ngày 1/4/2025 gửi Bộ Xây dựng và văn bản số 3155/UBND-KT ngày 18/4/2025 gửi Hội đồng thẩm định nhà nước, trong đó kiến nghị Bộ Xây dựng làm cơ quan chủ quản triển khai đầu tư xây dựng Dự án thành phần 1 để đảm bảo tính khả thi, đồng bộ, đáp ứng yêu cầu tiến độ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Ngoài ra, theo Nghị quyết 60- NQ/TWngày 12/4/2025, tỉnh Bình Định và tỉnh Gia Lai sẽ sáp nhập thành tỉnh Gia Lai, khi đó Dự án sẽ nằm trọn trong địa bàn một tỉnh.
Với tình hình nêu trên, Bộ Xây dựng đề nghị chia Dự án thành 2 dự án thành phần gồm: Dự án thành phần 1 (Km0+000 - Km90+000) có chiều dài khoảng 90 km, thuộc địa phận tỉnh Bình Định và tỉnh Gia Lai, sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 34.565 tỷ đồng do Bộ Xây dựng là cơ quan chủ quản; Dự án thành phần 2 (Km90+000 - Km125+000) có chiều dài khoảng 35 km, thuộc địa phận tỉnh Gia Lai, sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 9.169 tỷ đồng sẽ do UBND tỉnh Gia Lai làm cơ quan chủ quản.
Anh Minh