Ủy ban Nhân dân huyện Ứng Hòa phối hợp với Sở Tư pháp thành phố Hà Nội, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội tổ chức tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật cho học sinh Trường trung học cơ sở Hòa Nam. Ảnh: Lê Mận
Theo Trưởng phòng Tư pháp – Phó Chủ tịch Hội đồng phối hợp PBGDPL huyện Ứng Hòa Nguyễn Thị Lan Phương, công tác PBGDPL trên địa bàn huyện được các cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức bằng nhiều hình thức hiệu quả như: tuyên truyền miệng, qua các phương tiện thông tin đại chúng, hệ thống loa truyền thanh cơ sở; tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật; hưởng ứng Ngày Pháp luật; lồng ghép với các phong trào, cuộc vận động tại địa phương; cấp phát các loại tài liệu pháp luật; treo băng rôn, pano, áp phích…
Bên cạnh đó, huyện gắn việc xây dựng mô hình hiệu quả trong công tác PBGDPL với việc xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện. Nhiều mô hình PBGDPL hiệu quả như: “Tổ truyên truyền pháp luật lưu động” xã Minh Đức được Hội đồng phối hợp PBDPL TP triển khai nhân rộng trên địa bàn TP Hà Nội; “Nhóm Phụ nữ nòng cốt tuyên truyền pháp luật” xã Hòa Phú; “Nông dân với pháp luật” xã Kim Đường, xã Trầm Lộng và xã Vạn Thái; “Tuyên truyền qua mạng xã hội” xã Phương Tú… được Hội đồng phối hợp PBGDPL huyện đánh giá, công nhận và UBND huyện đã biểu dương, khen thưởng.
Thời gian qua, UBND huyện đã triển khai, nhân rộng các mô hình PBGDPL hiệu quả trên địa bàn nhằm đa dạng hóa các hình thức PBGDPL, phát huy những cách làm hay, mô hình PBGDPL góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, Nhân dân.
Bà Nguyễn Thị Lan Phương cũng cho biết, đội ngũ báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật, hòa giải viên ở cơ sở trên địa bàn huyện thường xuyên được củng cố, kiện toàn theo hướng đảm bảo số lượng, chất lượng hoạt động. Toàn huyện hiện có 25 báo cáo viên pháp luật cấp huyện; 373 tuyên truyền viên pháp luật, đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở là 836 người.
Hội đồng phối hợp PBGDPL huyện được củng cố, kiện toàn thường xuyên, bảo đảm đúng thành phần và hoạt động hiệu quả. Định kỳ Hội đồng phối hợp PBGDPL huyện đã có định hướng lựa chọn chủ đề, nội dung PBGDPL phù hợp theo từng quý, định hướng nội dung tuyên truyền trọng tâm gửi các cơ quan, đơn vị đồng thời thực hiện đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của huyện. UBND huyện đã đảm bảo kinh phí, nguồn lực, cơ sở vật chất và phương tiện cho công tác PBGDPL.
Kết quả tự đánh giá, chấm điểm công tác PBGDPL trên địa bàn huyện Ứng Hòa theo Thông tư số 03/2018/TT-BTP Quy định Bộ tiêu chí đánh giá hiệu quả công tác PBGDPL như sau: kỳ 1 (năm 2019-2020): 80 điểm, xếp loại tốt; kỳ 2 (năm 2021-2022): 90 điểm, xếp loại xuất sắc.
Theo Trưởng phòng Tư pháp huyện Ứng Hòa, việc thực hiện Thông tư 03/2018/TT-BTP tại địa phương đã xác định rõ các nhiệm vụ cần triển khai trong công tác PBGDPL, từ đó, nâng cao hiệu quả công tác nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, người dân. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai thực hiện Thông tư còn một số những khó khăn, vướng mắc.
Trong đó, đối tượng áp dụng Thông tư quy định dành cho UBND cấp tỉnh, do đó, việc đánh giá, chấm điểm các chỉ tiêu, tiêu chí đánh giá hiệu quả công tác PBGDPL tại địa phương còn gặp nhiều khó khăn, chưa sát; một số chỉ tiêu, tiêu chí chấm điểm mang tính định tính, khó định lượng, do đó, đôi khi còn mang tính hình thức, chưa phản ánh đầy đủ chất lượng, hiệu quả công tác; một số tiêu chí đánh giá còn mang tính chất chung chung, khó đánh giá…
Từ những khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai thực hiện hoạt động đánh giá hiệu quả công tác PBGDPL theo quy định tại Thông tư số 03/2018/TT-BTP, huyện Ứng Hòa đề xuất một số giải pháp như:
Điều chỉnh, đổi mới về các tiêu chí đánh giá. Cụ thể, xây dựng các khung tiêu chí cụ thể để đánh giá áp dụng chung và xây dựng các tiêu chí đánh giá áp dụng riêng cho các bộ, nghành, địa phương để phù hợp với mục tiêu, lĩnh vực, địa bàn, đối tượng, điều kiện của các cơ quan, đơn vị mình. Ứng dụng công nghệ thông tin trong việc đánh giá hiệu quả về công tác PBGDPL như: xây dựng phần mềm, website đánh giá để thuận tiện trong hoạt động đánh giá công tác PBGDPL.
Lê Mận