Truyền thông Campuchia mới đây đưa tin hơn 100 người Việt vừa bị bắt trong chiến dịch truy quét các hoạt động lừa đảo qua mạng ở nước này.
Chiều nay, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng cung cấp thông tin từ Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia. Theo đó, ngày 14/7, hơn 140 công dân Việt Nam đã bị các cơ quan chức năng của Campuchia tạm giữ tại Phnom Penh do có hoạt động tội phạm, lừa đảo trực tuyến.
Sau khi nhận được thông tin, Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia đã chủ động làm việc với các cơ quan chức năng của Campuchia để tìm hiểu thông tin và đề nghị phía Campuchia bảo đảm điều kiện sinh hoạt cho các công dân Việt Nam, phối hợp hoàn tất các thủ tục xác minh nhân thân ban đầu.
Các nghi phạm lừa đảo trực tuyến bị bắt tại một khu phức hợp tại thủ đô Phnom Penh ngày 14/7. Ảnh: Khmertimes
Về phía Bộ Ngoại giao đã chỉ đạo Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia và các đơn vị liên quan ngay lập tức phối hợp với cơ quan chức năng trong nước và sở tại để triển khai các thủ tục lãnh sự cần thiết và hỗ trợ đưa công dân về nước trong thời gian sớm nhất.
Bộ Ngoại giao một lần nữa khuyến cáo công dân Việt Nam cần tỉnh táo trước những lời mời chào ra nước ngoài “việc nhẹ lương cao”, không yêu cầu về bằng cấp, trình độ, không có hợp đồng ký kết, không thông qua doanh nghiệp, không thông qua tổ chức phái cử lao động.
Công dân cần phải tìm hiểu kỹ về nội dung công việc, về đơn vị, về địa điểm dự kiến làm việc và thân nhân người giới thiệu, chế độ bảo hiểm, quyền lợi được hưởng để có quyết định đúng đắn trước khi ra nước ngoài làm việc.
Công dân cũng như người thân của công dân muốn tìm hiểu các thông tin và các quy định thì vẫn tiếp tục có thể liên hệ với tổng đài bảo hộ công dân của Cục Lãnh sự hoặc Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia.
Cần thực thi đầy đủ nghĩa vụ pháp lý được quy định trong UNCLOS 1982
Cũng tại họp báo, báo chí đề nghị người phát ngôn Bộ Ngoại giao cho biết ý kiến nhân ngày 12/7 là dịp tròn 9 năm Phán quyết của Tòa trọng tài thành lập theo Phụ lục VII Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển trong vụ kiện Biển Đông giữa Philippines và Trung Quốc.
Người phát ngôn Phạm Thu Hằng nhấn mạnh: "Lập trường của Việt Nam đã được thể hiện tại các phát biểu của người phát ngôn Bộ Ngoại giao ngày 12/7/2016, ngày 12/7/2021 và ngày 15/7/2023.
Chủ trương nhất quán và rõ ràng của Việt Nam là các tranh chấp trên biển phải được giải quyết bằng các biện pháp hòa bình, tôn trọng đầy đủ các tiến trình ngoại giao và pháp lý, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, phù hợp với luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS 1982)".
Người phát ngôn cho rằng các bên liên quan cần phải tôn trọng quyền của các nước khác và thực thi đầy đủ nghĩa vụ pháp lý của mình được quy định trong UNCLOS 1982, cùng nhau hợp tác, đóng góp tích cực, thiết thực vào duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không và trật tự ở Biển Đông dựa trên luật pháp quốc tế.
Với tư cách là quốc gia thành viên UNCLOS và quốc gia ven Biển Đông, Việt Nam nhấn mạnh UNCLOS 1982 là cơ sở pháp lý duy nhất quy định toàn diện và triệt để về phạm vi quyền được hưởng vùng biển.
Yêu sách biển của các quốc gia thành viên UNCLOS 1982 phải phù hợp với quy định của UNCLOS 1982. Các quốc gia cần tôn trọng đầy đủ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của các quốc gia ven biển được xác lập phù hợp với UNCLOS 1982.
Trần Thường