Việc xây dựng, hình thành các khu neo đậu có vai trò rất quan trọng trong buôn bán hải sản cũng như đảm bảo an toàn cho tàu thuyền vào tránh trú mỗi khi mưa bão. Thế nhưng, thời gian qua, tại một số cảng cá, khu neo đậu của tỉnh Hà Tĩnh đang diễn ra thực trạng các tàu cá sau một thời gian dài không hoạt động dần xuống cấp, hư hỏng, nằm ngổn ngang nhưng chưa có giải pháp xử lý. Ảnh: Cẩm Kỳ
Tại khu neo đậu xã Thiên Cầm (Hà Tĩnh) đang diễn ra thực trạng các tàu thuyền sau thời gian dài không hoạt động dần xuống cấp, hư hỏng nằm la liệt. Ảnh: Cẩm Kỳ
Theo người dân địa phương, những tàu thuyền bị bỏ lại thường là tàu cũ, sau khi không còn sử dụng, bà con kéo vào bờ, tháo máy móc và vứt bỏ lại thân tàu. Ảnh: Cẩm Kỳ
Giữa bãi bồi lầy lội, con tàu hư hỏng nặng, nằm trơ khung gỗ và phơi mình qua nhiều mùa nắng mưa. Thực trạng này không chỉ gây lãng phí mà còn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn luồng lạch trong mùa mưa bão. Ảnh: Cẩm Kỳ
Con tàu đã bị hư hỏng hoàn toàn, chỉ còn trơ khung gỗ và vài mảnh vỡ phủ đầy hàu bám. Cảnh tượng hoang tàn này cho thấy thực trạng nhiều tàu cá bỏ hoang chưa được xử lý dứt điểm tại một số khu neo đậu ở Hà Tĩnh. Ảnh: Cẩm Kỳ
Chiếc tàu gỗ mục nát, gãy sập phần khung, nằm trơ trọi trên bãi bùn ven cửa biển Hà Tĩnh. Những hình ảnh cận cảnh cho thấy tình trạng xuống cấp nghiêm trọng, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn và gây cản trở luồng lạch nếu không được xử lý kịp thời. Ảnh: Cẩm Kỳ
Từng là phương tiện mưu sinh của ngư dân, nay chiếc tàu chỉ còn lại những mảnh gỗ gãy nát nằm lẫn lộn trong bùn đất. Ảnh: Cẩm Kỳ
"Mấy cái tàu, thuyền hỏng nằm đó từ lâu và đang chặn hết luồng, nhiều khi tàu về tránh bão phải lách rất nguy hiểm. Nhỡ va chạm lúc sóng to thì vỡ tàu là chuyện có thể xảy ra. Chúng tôi mong ngành chức năng sớm thu dọn, hoặc ít nhất là di chuyển mấy con tàu đó ra khỏi luồng chính, để ngư dân yên tâm cập bến khi biển động", ngư dân Nguyễn Bá Quang (42 tuổi, trú tại xã Thiên Cầm) lo lắng.
Một chiếc tàu cá dài hàng chục mét, rộng khoảng 5m, có công suất lớn, thường dùng đánh bắt hải sản trên biển dài ngày đang bị bỏ lại nhiều năm ở cửa sông, gần chân cầu Sông Trí (phường Hải Ninh). Ảnh: Cẩm Kỳ
Người dân địa phương cho biết, tàu cá này được kéo về khu vực này đã lâu và được tháo máy móc, không có người trông coi nên nhanh chóng xuống cấp. Ảnh: Cẩm Kỳ
Cận cảnh lớp vỏ tàu cá bị bỏ hoang, với hàng trăm sinh vật biển bám chặt, tạo nên lớp áo tự nhiên. Điều này cho thấy ngày hoạt động cuối cùng của con tàu này đã từ rất lâu. Ảnh: Cẩm Kỳ
Trao đổi với Đại đoàn kết, ông Bùi Tuấn Sơn, Giám đốc Ban Quản lý các cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão tàu cá Hà Tĩnh cho biết, tình trạng tàu cá hư hỏng bị bỏ lại lâu ngày không chỉ gây mất mỹ quan, mà còn ảnh hưởng đến luồng lạch, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn khi có mưa bão. Quá trình trục vớt các tàu thuyền hư hỏng, bỏ hoang phải căn cứ vào từng trường hợp cụ thể. Với loại thứ nhất, khi xác định là tàu vô chủ, lực lượng chức năng có thể tiến hành trục vớt ngay để đảm bảo an toàn luồng lạch. Ảnh: Cẩm Kỳ
Trường hợp thứ hai, nếu xác định được chủ tàu, đơn vị sẽ phối hợp với chính quyền địa phương yêu cầu chủ tàu tự xử lý hoặc tổ chức di dời theo quy định. (Trong ảnh: Ban Quản lý các cảng cá Hà Tĩnh tổ chức trục vớt tàu cá bỏ hoang tại Khu neo đậu Cửa Sót vào đầu tháng 7/2025, nhằm giải tỏa luồng lạch, đảm bảo an toàn giao thông thủy trong mùa mưa bão). Ảnh: Cẩm Kỳ
"Riêng với loại thứ ba, là các tàu chưa thể xác minh chủ sở hữu, quy trình xử lý phức tạp hơn. Trước khi trục vớt, Ban Quản lý phải ban hành văn bản thông báo công khai, gửi đến các địa phương liên quan, đồng thời yêu cầu các tổ chức, cá nhân đến xác nhận quyền sở hữu tài sản. Nếu sau 6 tháng kể từ ngày thông báo mà không có ai đứng ra nhận, tàu thuyền đó sẽ được xử lý như tài sản vô chủ và được trục vớt theo quy định hiện hành", ông Sơn thông tin. Ảnh: Cẩm Kỳ
Cẩm Kỳ